“Thành lập quỹ đầu tư chính phủ cần cân nhắc kỹ”

(ĐTCK) Ông Trần Lê Minh, Phó tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM) cho rằng, trong việc quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, việc hình thành quỹ đầu tư chính phủ thực hiện chức năng tương tự Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) hiện  nay là không thật sự cần thiết. 
Ông Trần Lê Minh

Ông Trần Lê Minh

Ông có thể cho biết sự khác nhau giữa quỹ đầu tư nhà nước và quỹ đầu tư tư nhân trên thế giới?

Các quỹ đầu tư tài sản nhà nước trên thế giới có nguồn vốn đầu tư từ quỹ dự trữ ngoại hối hoặc từ nguồn thu được từ bán tài nguyên thiên nhiên (dầu, khai khoáng). Tài sản đầu tư của quỹ có tính an toàn cao, nhưng vẫn có thể đầu tư vào các công ty, mua cổ phần, bất động sản. Quy mô của tài sản của quỹ rất đa dạng, từ 100 triệu USD tới 800 tỷ USD.

Để phân biệt với quỹ tư nhân, ta có thể xét ở 2 góc độ: nguồn vốn huy động vào quỹ là tiền huy động từ các cá nhân hay từ nguồn do nhà nước cấp và mục tiêu đầu tư là gì. Quỹ nhà nước có thể phải phục vụ một số mục đích khác (bình ổn/ổn định thị trường) so với mục đích vì lợi nhuận của quỹ tư nhân.

Nhìn chung, dù là quỹ đầu tư nhà nước hay tư nhân thì đều phải quan tâm đến hiệu quả danh mục đầu tư của quỹ. Danh mục này phải luôn có những tài sản tốt để nắm giữ dài hạn. 

Có ý kiến cho rằng, nên thành lập quỹ đầu tư nhà nước để làm đối trọng với SCIC. Ông có nhận xét gì?

Hiện tại, nguồn thu của Việt Nam từ khai khoáng chủ yếu phục vụ thu ngân sách, dự trữ ngoại hối 38 tỷ USD chưa cao hơn 12 tuần nhập khẩu nên tôi chưa thấy có nguồn để cho quỹ này hoạt động. Cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước tạo ra nguồn thu nhưng đã và sẽ được dùng cho đầu tư.

Nếu cần một tổ chức để làm đối trọng với SCIC thì tôi thấy việc tập trung cải tổ SCIC sẽ dễ dàng cho kết quả tốt hơn là thành lập một tổ chức mới. Kinh nghiệm thành công của Temasek là rõ ràng, bất cứ mô hình quản lý nào (công ty quản lý vốn hay quỹ đầu tư) cũng nên học tập. 

Nhà nước đang đẩy mạnh thoái vốn tại các doanh nghiệp. Ông có cho rằng, Nhà nước nên nắm giữ vốn dài hạn tại một số doanh nghiệp hiệu quả để đồng vốn nhà nước sinh sôi?

Điều này cần cân nhắc cho từng trường hợp cụ thể. Nhà nước nắm giữ ở mức độ nào và tham gia vào công ty với tư cách là nhà đầu tư hay hành xử với tư cách đơn vị chủ quản? Nếu Nhà nước hành xử theo phương thức cũ thì không phù hợp và không tạo động lực phát triển cho các doanh nghiệp.

Thực tế trên thế giới cho thấy, khả năng tạo nguồn thu đáng kể và thường xuyên từ việc đầu tư tài chính đối với ngân sách nhà nước là rất khó, trừ trường hợp Singapore.

Trong trường hợp của Việt Nam, tôi cho rằng, việc thoái vốn nhà nước để có thêm nguồn vốn đầu tư tại thời điểm này và cho giai đoạn 5 năm tới sẽ mang lại hiệu quả cao hơn, tất nhiên phải đầu tư đúng và hiệu quả.

Tin bài liên quan