Thách thức quản lý hàng triệu tỷ đồng vốn nhà nước

Thách thức quản lý hàng triệu tỷ đồng vốn nhà nước

(ĐTCK) Câu chuyện thành lập một cơ quan chuyên trách độc lập thực hiện quyền chủ sở hữu tách khỏi chức năng quản lý nhà nước để quản lý hiệu quả phần vốn nhà nước tại các DNNN và cải thiện quản trị DNNN ngày càng trở nên nóng bỏng.

Vấn đề là mô hình phù hợp cho cơ quan chuyên trách này hiện chưa có được sự thống nhất từ các bộ, ngành và ngay bản thân các DNNN.

Hàng triệu tỷ đồng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp

Theo ông Phạm Quốc Trung, Phó Ban phụ trách Ban Doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), thực tiễn đang đòi hỏi cần nhanh chóng hoàn thiện một nghị định mới với những cơ sở pháp lý cụ thể về mô hình cơ quan thực hiện quản lý phần vốn nhà nước tại các DNNN - khu vực trọng yếu đang nắm giữ phần lớn tài sản của Nhà nước.

Hiện Nhà nước đang đầu tư một khối lượng rất lớn vốn và tài sản vào sản xuất - kinh doanh tại các doanh nghiệp. Chỉ tính riêng số liệu của 781 doanh nghiệp 100% sở hữu Nhà nước năm 2014 thì tổng tài sản đã lên tới 3,105 triệu tỷ đồng, trong đó tập đoàn, tổng công ty và công ty mẹ - con chiếm 90%. Vốn chủ sở hữu là 1,233 triệu tỷ đồng, trong đó tập đoàn chiếm 65%, tổng công ty chiếm 25,2%, khối công ty mẹ - con chiếm 2,3%. Nếu tính toàn bộ các doanh nghiệp có 100% và trên 50% sở hữu Nhà nước thì tổng nguồn vốn kinh doanh, hay tổng tài sản lên đến 5,408 triệu tỷ đồng.

“Kinh nghiệm trước đây đã cho thấy, thất thoát, lãng phí, kém hiệu quả, thậm chí tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật là do quản lý, giám sát của chủ sở hữu Nhà nước không tốt, không rõ trách nhiệm. Vì vậy, yêu cầu đặt ra hiện nay là phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giám sát, quản trị DNNN, thông qua việc bổ sung các quy định về quản trị DNNN, đặc biệt là bộ máy thực hiện quyền chủ sở hữu tại các doanh nghiệp này”, ông Trung nói. 

Đề xuất lập cơ quan ngang bộ độc lập để quản lý

Nghị định số 99/2012/NĐ-CP về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu Nhà nước đối với DNNN và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp về nguyên tắc đã hết hiệu lực do không còn căn cứ pháp luật.

Với trọng trách được giao xây dựng nghị định mới về cơ quan đại diện chủ sở hữu quản lý phần vốn nhà nước tại các DNNN, ông Trung cho biết, CIEM đang tập trung xây dựng theo hướng chỉ có một cơ quan đại diện tại mỗi DNNN, thay vì nhiều đầu mối quản lý với chức năng thiếu rõ ràng, thiếu tách bạch và chồng chéo như hiện nay.

“Về cơ cấu tổ chức của cơ quan đại diện chủ sở hữu, quan điểm của CIEM là Chính phủ thành lập cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với DNNN và phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, phù hợp với quy định pháp luật và lộ trình tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN đến năm 2020. Cơ quan này dự kiến có tên gọi là Uỷ ban Đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Còn các cơ quan nhà nước khác chỉ thực hiện chức năng quản lý hành chính nhà nước theo ngành, lĩnh vực, địa bàn trên cơ sở chức năng quản lý”, ông Trung cho hay.

Theo mô hình này, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước quy mô lớn sẽ được chuyển từ bộ chủ quản quản lý ngành như hiện nay về dưới sự quản lý thống nhất của Ủy ban Đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, còn các DNNN kinh doanh khác sẽ chuyển về cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) quản lý. Đối với các DNNN địa phương, công ích, quốc phòng, an ninh, vẫn do UBND cấp tỉnh, bộ quản lý ngành, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an làm đại diện chủ sở hữu. Đối với các doanh nghiệp đặc thù là các ngân hàng thương mại, vẫn do Ngân hàng Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu để đảm bảo an ninh, an toàn, phòng ngừa rủi ro tài chính quốc gia. 

Được và mất từ mô hình quản lý mới

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM chia sẻ: “Sẽ có nhiều điểm “được” và “mất” trong mô hình mới. Theo đó, về mối quan hệ trực tiếp, thân thuộc giữa doanh nghiệp với bộ máy nhà nước có thẩm quyền phân bổ nguồn lực quốc gia, sự hỗ trợ khi doanh nghiệp gặp khó khăn chắc chắn sẽ giảm và dần mất đi. Đổi lại, sẽ tăng được hiệu quả, hiệu lực quản lý giám sát vốn nhà nước, đặc biệt là cải thiện công tác quản trị, vốn là điểm rất yếu của các DNNN hiện nay”.

Xung quanh mô hình mới nêu trên, có một số ý kiến băn khoăn về năng lực bộ máy, tính khả thi trong quản lý thống nhất, cũng như hiệu quả thực hiện. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, lập thêm một cơ quan ngang bộ thì khó thực hiện chức năng quản lý, bởi không thể điều hành như các bộ, vì vậy chỉ nên để tương đương ở cấp tổng cục trong một bộ.

Đại diện Bộ Giao thông Vận tải đồng tình với quan điểm cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với DNNN và phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nên trực thuộc Chính phủ, song cho rằng, cần thảo luận sâu về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan này.

“Bộ máy này sẽ hoạt động như thế nào để tránh cồng kềnh? Đồng thời, khi cơ quan này ra đời, tất cả bộ, ngành cần có giám sát theo chuyên ngành của mình”, đại diện Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh.

Ông Trần Tiến Cường, nguyên Trưởng Ban Đổi mới doanh nghiệp (CIEM) thì bày tỏ băn khoăn về nguy cơ thiếu cán bộ và cơ sở pháp lý có thể ảnh hưởng tới hiệu lực quản lý.

“Địa vị pháp lý của cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước phải thật sự rõ ràng, phải khác cơ quan hành chính nhà nước. Cán bộ chuyển dịch từ các bộ thì có thể huy động, không cần đào tạo, song phải có một cơ chế chọn lựa những người có năng lực, đồng thời quyền lợi và động lực phải khác công chức nhà nước mới có thể phát huy tác dụng của cơ quan này”, ông Cường kiến nghị.

Trước nhiều ý kiến băn khoăn về mô hình cơ quan chuyên trách, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng, vấn đề đặt ra bây giờ không phải là không làm, mà phải là làm như thế nào.

“Vấn đề này được Chính phủ đặc biệt quan tâm chỉ đạo, đốc thúc, đặc biệt là Phó Thủ tướng phụ trách về đổi mới doanh nghiệp. Chủ trương đã quyết, Chính phủ quyết tâm sẽ triển khai, không có chuyện bàn lùi. Vì vậy, lắng nghe ý kiến về các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện từ phía các bộ chủ quản và doanh nghiệp là việc cần làm hiện nay. Các doanh nghiệp cũng cần đặt mình vào sự quản lý của cơ quan chuyên trách mới để kiến nghị, đề xuất giải pháp”, Thứ trưởng Đông nhấn mạnh.          

TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

Sau khi có cơ quan chuyên trách độc lập đại diện sở hữu vốn nhà nước, dự kiến trực thuộc Chính phủ, thì lãnh đạo các tập đoàn và tổng công ty nhà nước hiện nay sẽ thế nào? SCIC sẽ làm gì và vai trò của các địa phương ra sao? Nếu các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh vẫn do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quản thì có cơ chế nào giám sát để tránh tiêu cực, đảm bảo công bằng?

Một vấn đề khác cũng phải tính tới tiến trình cổ phần hóa DNNN chưa triển khai đúng theo kế hoạch thì cơ quan chuyên trách sẽ thực hiện việc quản lý và đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước như thế nào? Đây là những vấn đề cần được làm rõ.

Đại diện Bộ Công thương:

Nếu thành lập ngay cơ quan chuyên trách thì liệu có phải tạm dừng kế hoạch cổ phần hóa các DNNN trực thuộc quản lý của các bộ không, vì thời gian chuyển giao doanh nghiệp về dưới sự quản lý của một cơ quan khác mất nhiều thời gian. Ví dụ, đối với trường hợp của Bộ Công thương, để chuyển giao được 1 công ty về SCIC mất ít nhất 6 tháng, với điều kiện là tài sản minh bạch, nếu có vấn đề tồn tại thì còn lâu hơn.

Ngoài ra, cũng cần xem xét và đánh giá tác động tổng thể về việc thành lập cơ quan chuyên trách, sau khi thành lập có quản lý tổng thể không, hay chỉ quản lý vốn, còn lại nhân sự, tài chính vẫn là do các bộ khác quản lý như Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội… 

Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính:

Nếu lập cơ quan chuyên trách thì cần xem xét thực tế có tổng công ty thuộc địa phương, có doanh nghiệp vẫn thuộc bộ chuyên ngành quản lý để thống nhất việc chuyển giao, tránh mang tính tạm bợ. Bên cạnh đó, cần làm rõ, nếu để doanh nghiệp dịch vụ công ích vẫn thuộc quản lý của bộ chuyên ngành thì phải thiết kế mối quan hệ giữa các cơ quan chức năng này với nhau sao cho tách bạch được quyền sở hữu và chức năng quản lý trong quan hệ hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.

Một thực tế cũng cần xem xét là giai đoạn 2016 - 2020, số lượng DNNN không còn nhiều, quá trình cổ phần hóa DNNN cũng giảm dần và kết thúc, thì phạm vi quản lý của cơ quan chuyên ngành như thế nào?

Tin bài liên quan