CPS của ADB dành cho Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 sẽ hỗ trợ cho các hoạt động đầu tư và cải cách chính sách

CPS của ADB dành cho Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 sẽ hỗ trợ cho các hoạt động đầu tư và cải cách chính sách

Thách thức hiệu quả khoản vay 4,3 tỷ USD

(ĐTCK) Chiến lược đối tác quốc gia (CPS) của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đề xuất cho Việt Nam vay 4,3 tỷ USD trong giai đoạn 2017 - 2019 từ nguồn vốn vay thương mại (OCR) ưu đãi và OCR thông thường. Đặc biệt, có thể gia tăng sử dụng nguồn lực một khi đạt được tiến bộ đáng kể trong hiệu quả thực hiện danh mục và tính bền vững của dự án.

Thách thức năng lực cạnh tranh

Chiến lược và Chương trình hỗ trợ của ADB dành cho Việt Nam trong giai đoạn 2016 - 2020 vừa được công bố chỉ rõ, Việt Nam cần xây dựng một nền kinh tế thị trường năng động hơn, có khả năng cạnh tranh toàn cầu và đạt mức tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Khu vực tư nhân cần đảm nhiệm vai trò lớn hơn trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam và giảm tác động méo mó mà các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và khu vực tài chính mong manh gây ra đối với đổi mới sáng tạo và tạo việc làm.

Bên cạnh đó, “tăng dân số, công nghiệp hoá và đô thị hoá là những yếu tố góp phần làm môi trường suy thoái, năng suất trong nông nghiệp thấp, làm suy giảm chất lượng nước và không khí, suy giảm đa dạng sinh học. Những thách thức này càng trầm trọng hơn dưới tác động của biến đổi khí hậu, vấn đề đang đặt Việt Nam đứng trước những rủi ro cao”, ông Aaron Batten, chuyên gia kinh tế ADB cho biết.

Để giải quyết những thách thức trên, ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam cho biết, CPS của ADB dành cho Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 sẽ hỗ trợ cho các hoạt động đầu tư và cải cách chính sách nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng đều và bền vững với môi trường. Để đạt được mục tiêu này, khuôn khổ chiến lược của ADB sẽ dựa trên ba trụ cột, cụ thể: Thứ nhất, thúc đẩy tạo việc làm và năng lực cạnh tranh; Thứ hai, tăng cường tính bao trùm toàn diện trong cung cấp hạ tầng và dịch vụ; Thứ ba, cải thiện tính bền vững môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Việt Nam hiện nay đang thuộc nhóm quốc gia loại B-được tiếp cận với nguồn vốn vay OCR ưu đãi và vay thông thường. Khi Việt Nam được chuyển sang nhóm C theo kế hoạch thì sẽ được phân bổ nguồn vốn vay OCR thông thường tương đương bù cho nguồn vốn OCR ưu đãi đã ngừng được vay. ADB đề xuất cho vay 4,3 tỷ USD trong giai đoạn 2017 - 2019. Ông Aaron Batten cho biết, ADB có thể gia tăng sử dụng nguồn lực một khi đạt được tiến bộ đáng kể trong hiệu quả thực hiện danh mục và tính bền vững của dự án.

Để đảm bảo có một danh sách dự kiến các dự án đầu tư quan trọng sẵn sàng để tài trợ, ADB sẽ dành thêm nguồn lực hỗ trợ kỹ thuật để hỗ trợ cho các nỗ lực phát triển dự án và lập kế hoạch ngành ngay từ đầu. Chính phủ cũng yêu cầu ADB tăng cường sử dụng cho vay chính sách để hỗ trợ các chương trình cải cách và đầu tư của Việt Nam, tối đa hoá việc ADB sử dụng hệ thống quốc gia và hỗ trợ cho việc nâng cao hiệu quả thực hiện. 

Giám sát kết quả thực hiện CPS

ADB cho biết, sẽ giám sát kết quả thực hiện CPS thông qua khung kết quả mới được sửa đổi gần đây, khung kết quả này sẽ được cập nhật hàng năm trong các đánh giá danh danh mục quốc gia và đoàn chương trình quốc gia. Cơ quan này sẽ giám sát sự thống nhất của CPS với Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016 - 2020. Khung kết quả cập nhật sẽ được sử dụng để khẳng định và điều chỉnh CPS và chương trình quốc gia. Đồng thời sẽ tiếp tục hỗ trợ cho các cơ quan chủ quản then chốt xây dựng năng lực quản lý kết quả của mình thông qua các hội thảo đào tạo có mục tiêu.

Đặc biệt, ông Eric Sidgwick nhấn mạnh, ADB coi trọng vấn đề chống tham nhũng và quản trị tốt. ADB có cơ chế đảm bảo nghiêm ngặt trong xây dựng dự án để bảo đảm xác định được những rủi ro tham nhũng và giảm nhẹ tham nhũng bằng những cơ chế khác nhau. Lĩnh vực có rủi ro tham nhũng cao hơn là lĩnh vực đấu thầu mua sắm hàng hoá các hợp đồng xây lắp. Cơ quan này có cơ chế bảo vệ an toàn nghiêm ngặt và các cán bộ sẽ phải rà soát đánh giá các yêu cầu từ phía cơ quan chính phủ, các cơ quan thực hiện dự án thì mới giải ngân.

“Các đơn vị khác nhau của ADB sẽ rà soát việc giải ngân cũng như hồ sơ các chương trình dự án chứ không phải ở Việt Nam. ADB tích luỹ nhiều kinh nghiệm từ các dự án ở Việt Nam cũng như nhiều nước khác, do vậy, chúng tôi biết phải ngừa cái gì, nhìn vào cái gì để xác định, giảm nhẹ rủi ro tối đa trong khả năng tại tất cả các dự án ADB tài trợ”, ông Eric Sidgwick nói và nhấn mạnh, nguồn vốn sử dụng cho các dự án là tiền của các quốc gia cổ đông. ADB phải giải trình, giải thích được việc sử dụng nguồn vốn này như thế nào, đảm bảo nguồn vốn được dùng đúng mục đích đề ra.

Tin bài liên quan