Giai đoạn 5 năm 2011 - 2015, không chỉ là vốn ký kết, mà cả vốn giải ngân ODA cũng đang có xu hướng giảm dần

Giai đoạn 5 năm 2011 - 2015, không chỉ là vốn ký kết, mà cả vốn giải ngân ODA cũng đang có xu hướng giảm dần

Thách thức giải ngân vốn ODA

Liệu có đạt được mục tiêu đặt ra trong giai đoạn 2016 – 2020 là tổng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi dự kiến giải ngân đạt khoảng 25-30 tỷ USD, bình quân đạt 5 - 6 tỷ USD/năm?

Đề án Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài thời kỳ 2016 - 2020 đã chính thức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với một trong những mục tiêu hàng đầu là tổng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi dự kiến giải ngân thời kỳ 2016 -2020 đạt khoảng 25-30 tỷ USD, bình quân năm đạt 5 - 6 tỷ USD, tăng 14% so với thời kỳ 2011 - 2015 và chiếm khoảng 55 - 66% vốn đầu tư phát triển huy động từ bên ngoài.

Một mục tiêu phù hợp và cần thiết, bởi trong bối cảnh nguồn lực trong nước còn hạn chế, thì huy động được và sử dụng hiệu quả nguồn lực từ bên ngoài, đặc biệt là vốn ODA và vốn vay ưu đãi để phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội là điều kiện quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020.

Thậm chí, nếu so sánh với tổng nhu cầu huy động và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi thời kỳ 2016-2020 mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ, lên tới khoảng 39,5 tỷ USD, thì con số 25 - 30 tỷ USD vẫn còn khá hạn chế.

Mặc dù vậy, đạt được mục tiêu này hay không lại không phải là chuyện đơn giản. Lý do là, giai đoạn 5 năm 2011 - 2015, giải ngân vốn ODA dù đã có những tiến bộ vượt bậc, ước đạt 22,325 tỷ USD (bình quân khoảng 4,46 tỷ USD/năm), cao gấp 1,6 lần tổng vốn ODA giải ngân giai đoạn 2011 - 2015, nhưng không chỉ là vốn ký kết, mà cả vốn giải ngân ODA cũng đang có xu hướng giảm dần.

Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, sau khi Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp vào năm 2010, sự suy giảm vốn ODA khá rõ nét.

Tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết từ chỗ đạt mức cao nhất là trên 6,9 tỷ USD vào năm 2011 đã giảm dần xuống còn hơn 2,75 tỷ USD vào năm 2015. Vốn giải ngân sau hai năm 2013 - 2014 đạt mức kỷ lục, tương ứng trên 5,1 tỷ USD và 5,65 tỷ USD, đã giảm xuống chỉ còn 3,7 tỷ USD vào năm 2015 - chỉ bằng 65,42% mức giải ngân năm 2014 và thấp hơn mục tiêu đã đề ra (5 tỷ USD).

Giải ngân thấp nên cho đến nay, vẫn “còn tồn” gần 22 tỷ USD vốn đã được ký kết mà chưa được giải ngân, trong đó phần lớn là những dự án đầu tư của nhóm 6 ngân hàng phát triển với các khoản vay ưu đãi. Vốn có sẵn mà không thể giải ngân, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đó là một điều đáng tiếc.

Chậm giải ngân, như Báo Đầu tư đã thông tin, có nguy cơ hàng loạt dự án sử dụng vốn vay của các đối tác phát triển sẽ bị hủy vốn, một khi Việt Nam “tốt nghiệp” vốn vay ưu đãi, lãi suất thấp.

Năm ngoái, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) rà soát lại các dự án sử dụng vốn vay ưu đãi từ đối tác này giải ngân thấp và nhiều dự án có nguy cơ thuộc diện này, như Dự án Giao thông đô thị Hải Phòng; Dự án Phát triển giao thông đô thị Hà Nội; hay Dự án Phát triển năng lượng tái tạo…

Thời điểm “cai” vốn vay ưu đãi của WB đã được xác định là cuối năm 2017. Theo đó, WB sẽ dừng cấp vốn vay ưu đãi (IDA) cho Việt Nam, thay vào đó là các khoản vay kém ưu đãi hơn (IBRD). Trong khi đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) có thể cũng sẽ ngừng cung cấp các khoản vay ưu đãi (ADF), thay vào đó là vốn vay kém ưu đãi hơn (OCR) sau WB trong 1-2 năm.

Chính vì thế, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ 2016 - 2020 là phải tập trung cao độ giải ngân khoản vốn còn tồn để hoàn thành các chương trình, dự án này theo đúng tiến độ và thời hạn cam kết, đưa các công trình vào khai thác, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Liên quan đến vấn đề này, ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cũng cho rằng, trước tiên, Việt Nam cần tận dụng hiệu quả hơn nữa nguồn vốn ODA sẵn có.

“Hiện khả năng tận dụng tối đa nguồn lực ODA của Việt Nam khá hạn chế bởi các chính sách phức tạp không cần thiết, làm kéo dài quá trình chuẩn bị và phê duyệt của các dự án do bên ngoài tài trợ, làm giảm hiệu suất và hiệu quả của nguồn tài chính bên ngoài đối với việc hỗ trợ cơ sở hạ tầng”, ông Eric Sidgwick nói.

Theo ông Eric Sidgwick, dù việc Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình sẽ làm giảm các cơ hội tiếp cận nguồn hỗ trợ vay ưu đãi từ các ngân hàng phát triển đa phương, song nguồn tài chính này vẫn ưu đãi hơn về lãi suất, phí vay và thời hạn trả nợ so với nguồn tài chính tư nhân thông thường. Do vậy, đây vẫn là nguồn lực quan trọng để Việt Nam thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

“Khi các nguồn viện trợ đa phương có xu hướng giảm và Việt Nam tốt nghiệp nguồn vốn vay ODA ưu đãi, thì cần có một chính sách rõ ràng để hướng dẫn các nguồn đầu tư trong tương lai cho những lĩnh vực mà Việt Nam ưu tiên”, ông Eric Sidgwick nhấn mạnh.

Dù khó khăn, song theo nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mục tiêu giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi trong giai đoạn 2016 - 2020 là khả thi cao vì hầu hết đều là các chương trình, dự án chuyển tiếp từ thời kỳ 2011 - 2015 và được sắp xếp trong kế hoạch đầu tư trung hạn 2016 - 2020, với các điều kiện đảm bảo vốn đối ứng để thực hiện các chương trình, dự án theo tiến độ của các điều ước quốc tế và thỏa thuận tài trợ đã ký kết.

Tin bài liên quan