Tạo khuôn khổ cho đầu tư theo hình thức đối tác công tư

(ĐTCK) Sáng 25/3, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội nghị giới thiệu Nghị định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.
Ảnh Internet

Ảnh Internet

Theo ông Lê Văn Tăng, Cục truởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), bên cạnh các nguồn vốn truyền thống như ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ, vốn ODA thì nguồn vốn từ khu vực tư nhân là nguồn tiềm năng và đầy hứa hẹn về hiệu quả. Việc ra đời của hai nghị định nói trên sẽ là khung pháp lý cơ bản cho việc triển khai các dự án PPP tại Việt Nam, chính thức mở ra một cách làm mới trong thu hút vốn đầu tư nhằm phát triển cơ sở hạ tầng của đất nước.

Cụ thể, Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đối tác công tư có nội dung phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như mở rộng lĩnh vực cho phép triển khai theo hình thức PPP, từ dự án kết cấu hạ tầng đến y tế, giáo dục, dạy nghề; cho phép đa dạng hóa loại hình hợp đồng cũng như nhấn mạnh khẩu chuẩn bị dự án…

Việc thúc đẩy hình thức PPP là nhằm đáp ứng nhu cầu về vốn đầu tư cho phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, chia sẻ gánh nặng vè kinh phí đối với ngân sách nhà nước cũng như tạo điều kiện, cơ hội tham gia và tìm kiếm lợi nhuận cho nhà đầu tư. Sự quy định đầy đủ, rõ ràng trong nghị định sẽ tạo cơ sở pháp lý và khuyến khích sự quan tâm, tham gia của các ngân hàng-với vai trò là kênh cấp vốn và doanh nghiệp đầu tư vào các dự án PPP; từ đó tạo ra những công trình phục vụ lợi ích công công trên tinh thần bảo đảm hài hòa quyền lợi 3 bên gồm Nhà nước, doanh nghiệp và người sử dụng.

Dự báo, nhu cầu về vốn cho phát triển hạ tầng và dịch vụ công của Việt Nam sẽ tăng liên tục, ở mức cao trong 10 năm tới và cơ hội đang ở phía trước. Chính phủ đang và sẽ tiếp tục hoàn thiện hộ thống pháp luật, cải thiện chất lượng môi trường đầu tư-kinh doanh để hấp dẫn dòng vốn đầu tư từ khu vực tư nhân theo nguyên tắc bảo đảm công khai, rõ ràng, minh bạch và bình đẳng để tạo lập điều kiện cạnh tranh tự do và lành mạnh giữa các đơn vị tham gia đầu tư.

Ông Hoàng Mạnh Phương, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, sẽ có nhiều dự án, loại hợp đồng cũng như thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng các dự án PPP phải có đặc điểm chung là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và phục vụ lợi ích công, đáp ứng nhu cầu chung của xã hội.

Về lĩnh vực đầu tư, Nghị định số 15/2015/ND-CP đưa ra các quy định hướng dẫn các lĩnh vực đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) bao gồm công trình kết cấu hạ tầng giao thông vận tải và các dịch vụ có liên quan; hệ thống chiếu sáng, hệ thống cung cấp nước sạch, hệ thống thoát nước, hệ thống thu gom, xử lý nước thải, chất thải, nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư; nhà máy điện, đường dây tải điện; công trình kết cấu hạ tầng y tết, giáo dục, đào tạo, dạy nghề, văn hóa thể thao và các dịch vụ liên quan, trụ sở của cơ quan nhà nước; công trình kết cấu hạ tầng thương mại, khoa học công nghệ, khí tượng thủy văn, khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, ứng dụng công nghệ thông tin tập trung…

Đặc biệt, nghị định đưa ra điểm mới trong quy định về lĩnh vực đầu tư là thu hút đầu tư tư nhân vào các công trình kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và dịch vụ phát triển liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Về sử dụng vốn nhà nước đầu tư cho các dự án PPP, ông Phương cho biết, theo quy định tại Nghị định PPP, nhà nước có thể góp vốn đễ hỗ trợ xây dựng công trình đối với dự án kinh doanh, thu phí từ người sử dụng, những khoản thu không đủ để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận; hỗ trợ xây dựng công trình phụ trợ, tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư.

Cũng tại Hội thảo, Nghị định số 30/2015/NĐ-CP cũng đã được giới thiệu chi tiết, theo đó nghị định quy định về lựa chọn nhà đầu tư, bảo đảm công khai hóa thông tin trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư, trong đó các bên liên quan phải có trách nhiệm cung cấp các loại thông tin cụ thể; Báo Đấu thầu và hệ thống mạng đấu thầu quốc gia sẽ đăng tải thông tin.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng làm rõ các hình thức lựa chọn nhà đầu tư, trong đó đấu thầu quốc tế là hình thức chủ yếu, rộng rãi. Đặc biệt, nghị định này cũng chi tiết hóa phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu của nhà đầu tư nhằm tìm ra và lựa chọn đúng nhà đầu tư đủ năng lực, phù hợp và đáp ứng được mục tiêu của mỗi dự án.

Tin bài liên quan