Tăng trưởng xanh: Cần phương thức tiếp cận đa chiều

(ĐTCK) Trong bối cảnh phát triển nóng của nền kinh tế thế giới cùng với sự gia tăng dân số kéo theo những hệ quả nghiêm trọng cho môi trường sống, khái niệm “tăng trưởng xanh” được đông đảo các chuyên gia kinh tế, môi trường, lãnh đạo các nước phát triển và các tổ chức quốc tế khẳng định là sẽ là cứu cánh cho thế giới và là xu thế tất yếu cho sự phát triển kinh tế của thế kỷ 21.
Ảnh Internet

Ảnh Internet

Tại Hội thảo “Tăng trưởng xanh - Ý tưởng ứng dụng tại Việt Nam” được tổ chức tại Hà Nội chiều ngày 14/5, các diễn giả GS. Eric De Keuleneer, Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Tự do Brussel, ông Trần Quốc Huân, Phó tổng giám đốc Công ty Friesland Campina Vietnam và PGS-TS. Nguyễn Văn Phúc, Hiệu trưởng Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh đã thảo luận và trao đổi hiểu biết về một trong những đề tài quan trọng nhất cho tương lai gần của Việt Nam.

Tăng trưởng xanh, sự tăng trưởng đạt được bằng cách tiết kiệm và sử dụng các nguồn tài nguyên và năng lượng hiệu quả để giảm thiểu biến đổi khí hậu và thiệt hại tới môi trường, tạo ra các động lực tăng trưởng mới thông qua nghiên cứu và phát triển công nghệ xanh, tạo các cơ hội việc làm mới và đạt được sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Nhờ vậy, không chỉ môi trường sống được bảo vệ mà sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia ứng dụng tăng trưởng xanh cũng được đảm bảo bền vững. 

Các Diễn giả đã chia sẻ, đầu tư cho tăng trưởng xanh mạnh mẽ nhất được thực hiện ở khu vực Tây Âu và  Đông Á, nơi các nước đều dành ưu tiên cao cho lĩnh vực năng lượng sạch, giao thông thân thiện môi trường, đô thị hóa bền vững, nông nghiệp sinh thái, công nghiệp văn hóa, xây dựng lối sống xanh…

Kinh nghiệm của các quốc gia cho thấy, hiện có một số cách tiếp cận để thúc đẩy tăng trưởng xanh. Tuy nhiên, với cách tiếp cận nào, nội dung của tăng trưởng xanh chủ yếu bao gồm các vấn đề: Sản xuất và tiêu dùng bền vững; giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu; xanh hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua phát triển công nghệ xanh, phát triển các ngành công nghiệp cao, sử dụng ít tài nguyên, áp dụng các biện pháp sản xuất sạch; xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững; bảo vệ, khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên; cải tổ và áp dụng các công cụ kinh tế; xây dựng và thực hiện các chỉ số sinh thái.

Được biết, tại Việt Nam, tăng trưởng xanh tuy đã được nhiều địa phương quan tâm, nhiều DN ứng dụng, song chưa thành xu thế do tầm quan trọng của tăng trưởng xanh chưa được thực sự đề cao so với việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chính vì thế, số đông người dân và DN chưa có nhận thức đầy đủ về sự cấp thiết của tăng trưởng xanh.

Đây sẽ là điểm yếu đặc biệt đối với DN Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, khi các công ty mong muốn thu hút nguồn vốn và tìm kiếm khách hàng, đối tác từ nước ngoài. Ngày nay, các tổ chức tài chính chuyên nghiệp đều có chỉ tiêu về tăng trưởng xanh trong đánh giá đầu tư, và dân chúng ngày càng nhạy cảm hơn đối với những hoạt động ảnh hưởng tới môi trường của doanh nghiệp.

GS. Eric De Keuleneer đề xuất ý tưởng ứng dụng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững tại Việt Nam theo ba quan điểm:

Thứ nhất, tiếp cận từ trên xuống khi chính phủ và DN nhà nước thực hiện các quy định liên quan đến tăng trưởng bền vững.

Thứ hai, tiếp cận từ phía các tổ chức tham gia và các chỉ số tăng trưởng bền vững; Thứ ba, tiếp cận từ dưới lên khi các DN tư nhân chủ động thực hiện trách nhiệm xã hội của DN (CSR).

Cùng ngày 14/5, Lễ kỷ niệm 20 năm Chương trình Cao học Việt Bỉ đã được tổ chức với sự hiện diện của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và ông Bruno Angelet, Đại sứ Vương quốc Bỉ.

Chương trình cao học Việt Bỉ được thành lập từ năm 1995 theo thỏa thuận hợp tác của Chính phủ Việt Nam và Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp, nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam sau thời kỳ đổi mới.

Trải qua 20 năm, các chương trình cao học về các ngành quản trị chuyên môn đã lần lượt được giới thiệu. Cho đến nay, Chương trình Cao học Việt Bỉ đã tổ chức thành công 58 lớp thông qua 5 chương trình đào tạo thạc sỹ. Đã có hơn 2.200 thạc sỹ tốt nghiệp, đa số họ trở thành các nhà lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản trị DN.

Tin bài liên quan