Ảnh Internet

Ảnh Internet

Tăng trưởng kinh tế: Chấp nhận giảm lượng để tăng chất

(ĐTCK) Quốc hội vừa thông qua mục tiêu tăng trưởng GDP cho năm 2017 là 6,7%, trong bối cảnh dự báo nhiều khả năng GDP năm nay tăng khoảng 6,3 - 6,5%. Một số ý kiến cho rằng, đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2017 về lượng đã là thử thách, nhưng thách thức hơn là làm sao tạo bước chuyển sắc nét trong tăng trưởng về chất.

Chấp nhận giảm lượng để tăng chất

Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 mà Quốc hội vừa thông qua bao gồm các chỉ tiêu chủ yếu: GDP tăng khoảng 6,7%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 6 - 7%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31,5% GDP...

Tăng trưởng GDP năm nay khó đạt mục tiêu đề ra là 6,7% do nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, dưới tác động của biến động bất lợi từ nền kinh tế thế giới, cũng như các hạn chế nội tại chậm được khắc phục như: năng suất, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, cũng như những yếu kém còn tồn tại.

“Với bối cảnh trên, để đạt mục tiêu GDP tăng trưởng 6,7% trong năm tới là thách thức, bởi tăng trưởng vẫn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố ‘thô’ như tăng vốn đầu tư, khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ... Trong khi các yếu tố này đã chạm tới trần và khó có thể mở rộng thêm. Do đó, điểm tựa hỗ trợ cho tăng trưởng về chiều rộng đang bị thu hẹp thêm”, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhìn nhận.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, điều quan trọng hơn là trong năm tới, Chính phủ cần thúc đẩy các cấp, các ngành hành động để tạo chuyển biến sắc nét trong dịch chuyển nền kinh tế tăng trưởng theo chiều sâu.

Theo ông Long, một khi Chính phủ dồn sức chuyển tăng trưởng theo chiều rộng sang chiều sâu, cần chấp nhận đánh đổi lượng tăng trưởng giảm, nhưng năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, cũng như doanh nghiệp tăng lên. Khi nền kinh tế tạo được chuyển biến rõ nét về dịch chuyển tăng trưởng theo chiều sâu thì dần dần sẽ mở rộng dư địa cho tăng trưởng GDP bền vững. 

Đừng để địa phương vô hiệu hóa trung ương

Điểm đáng chú ý trong Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 là Quốc hội yêu cầu Chính phủ triển khai các giải pháp để khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp. Đây được nhìn nhận là một trong những giải pháp quan trọng để giải phóng tiềm năng sản xuất, kinh doanh trong dân, qua đó ngày càng có đóng góp quan trọng hơn cho tăng trưởng GDP.

Chính phủ, Thủ tướng đang nỗ lực cao độ cho xây dựng Chính phủ hành động, liêm chính, phục vụ, coi thành công của người dân và doanh nghiệp là thành công của Chính phủ. Các chuyên gia, cũng như doanh nghiệp ghi nhận sự chuyển biến rõ nét của Chính phủ trong nói và làm nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp phát triển. Thế nhưng, bộ máy chính quyền cấp địa phương còn nhiều trì trệ, nên nhiều chính sách, cơ chế tốt của Chính phủ chưa “ngấm” xuống bên dưới, doanh nghiệp chưa cảm nhận được và càng chưa được thụ hưởng.

“Sự trì trệ của chính quyền địa phương trong triển khai các chính sách cải cách của Chính phủ về môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp đang làm xuất hiện một quan ngại là không cẩn thận bên dưới vô hiệu hóa bên trên. Đây đang là thách thức đối với Chính phủ trong đưa các chính sách cải cách vào cuộc sống để trợ giúp doanh nghiệp phát triển, qua đó hỗ trợ đắc lực cho chuyển dịch tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu”, ông Long nói.

Ông Long tỏ ra quan ngại khi Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ qua kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại nhiều bộ, địa phương cho thấy các cơ quan này còn nợ nhiều việc. Thế nhưng, sau khi những “món nợ” này được chỉ ra, vẫn chưa rõ kết quả khắc phục của các bộ, địa phương ra sao. Nếu những “món nợ” này không được xử lý triệt để thì sẽ là trở ngại không nhỏ đối với Chính phủ trong nỗ lực đưa các chính sách tốt vào cuộc sống.

Dẫn ví dụ chứng minh cho sự trì trệ, nhũng nhiễu của chính quyền địa phương gây khó dễ cho doanh nghiệp, đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho biết: “Nhiều doanh nghiệp nhỏ có nói với tôi, chính quyền, kể cả lực lượng chức năng đóng trên địa bàn thường xuyên “thăm hỏi” doanh nghiệp, nhưng không phải để kiểm tra, xem xét hay chấn chỉnh vấn đề gì mà để xin kinh phí hỗ trợ. Trước kia họ chỉ xin hỗ trợ dịp Tết Nguyên đán, nay thì dịp lễ, nghỉ hè, tổ chức hội nghị gì cũng xin. Việc cho hay không là quyết định của doanh nghiệp, nhưng nếu không sẽ chuốc lấy sự khó dễ nên đành chấp nhận”.

“Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ quan tâm hết mức, tìm mọi cách hỗ trợ, tạo điều kiện và cơ chế thông thoáng cho doanh nghiệp vì biết rằng muốn phát triển, sự đóng góp của doanh nghiệp là rất quan trọng. Nhưng nếu chính quyền địa phương nhũng nhiễu như vậy thì hiệu quả chỉ đạo giảm đi rất nhiều”, ông Cương chia sẻ.

Tin bài liên quan