“Tăng đầu tư công chỉ là giải pháp ngắn hạn”

“Tăng đầu tư công chỉ là giải pháp ngắn hạn”

(ĐTCK) Tại buổi hội thảo “Cơ hội sau khủng hoảng” do SSI tổ chức mới đây, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright cho rằng, kinh tế Việt Nam đã có những dấu hiệu tích cực, nhưng tăng trưởng vẫn ở mức thấp.

Theo đó, năm 2014, Việt Nam cần tập trung vào những chính sách ngắn hạn, quan tâm đến đầu tư công như trái phiếu chính phủ, khởi động lại các dự án đầu tư công và tín dụng ngân hàng cho nền kinh tế gồm hạ lãi suất, xử lý nợ xấu.

Từ khi Việt Nam mở cửa đến nay đã trải qua 2 giai đoạn tăng trưởng chậm. Giai đoạn đầu là sau khủng hoảng tài chính châu Á, lúc đó mất chưa tới 3 năm để phục hồi lại tăng trưởng. Giai đoạn 2 bắt đầu từ năm 2008, kết thúc năm 2013 là vừa tròn 6 năm của một chu kỳ tăng trưởng chậm. Vấn đề là, sau năm 1998 - 1999, kinh tế Việt Nam suy giảm tăng trưởng sâu hơn nhưng hồi phục nhanh hơn. Nguyên nhân là thời kỳ đó, sự phản ứng chính sách rất quyết liệt, còn bây giờ, dù đề ra rất nhiều chính sách, nhưng hầu hết mới chỉ dừng ở giai đoạn khởi động.

Theo ông Thành, kinh tế Việt nam giai đoạn vừa qua có điển hình là muốn tăng trưởng thì phải bơm tín dụng và cứ 7 - 8 tháng sau là lạm phát bùng nổ. Khi đó, Chính phủ lại thắt chặt tiền tệ để kéo lạm phát xuống, tín dụng giảm theo. Giai đoạn tăng trưởng trồi sụt này kéo dài cho đến năm 2012. Trong năm 2012 - 2013, tín dụng tăng trưởng thấp đi cùng với lạm phát thấp, kéo theo kinh tế tăng trưởng chậm, dù vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô được cải thiện đáng kể.

Theo đó, định hướng chính sách trong năm 2014 khá rõ ràng là cần phải thúc đầy đầu tư và tín dụng. Trong đó, cần coi đầu tư công là động lực thông qua đẩy mạnh phát hành trái phiếu chính phủ, khởi động lại các dự án đầu tư công đang bị ngưng và tín dụng ngân hàng cho nền kinh tế gồm hạ lãi suất, xử lý nợ xấu.

Một nguyên nhân khiến tín dụng tăng trưởng thấp, dù lãi suất đã giảm, là nợ xấu của ngân hàng chưa được giải quyết triệt để. Dù có thanh khoản dồi dào, nhưng ngân hàng vẫn không thể mạnh tay cho vay, nhất là với những dự án mà ngân hàng cảm thấy rủi ro cao, hoàn vốn lâu dài. Trong khi đó, ngân hàng có lựa chọn mua trái phiếu chính phủ rủi ro gần như bằng không với lãi suất 7 - 8%/năm, trong khi chỉ huy động với lãi suất 5 - 6%/năm. Điều này vô hình trung cản trở đẩy mạnh tín dụng cho khối doanh nghiệp tư nhân. Về phía những doanh nghiệp tốt, với dự báo tình hình kinh tế chưa vững chắc thì doanh nghiệp cũng không mạnh tay vay vốn.

Năm 2014, điểm tích cực của nền kinh tế là vẫn có xu hướng lạm phát thấp. Các chính sách cho thấy, Chính phủ sẽ đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng. Điều này chắc chắn sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, TTCK, môi trường đầu tư, nhưng vẫn có rủi ro là 6 - 8 tháng sau có thể sức ép lạm phát xuất hiện.

Ông Thành cho rằng, chính sách nới lỏng tài khóa sẽ dẫn đến mất cân đối vĩ mô, áp lực lạm phát, tỷ giá, nhưng ít nhất trong khoảng 8 tháng tới đây, tác động đó là rất thấp. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế có đạt được mục tiêu đề ra hay không lại phụ thuộc rất nhiều vào mức độ nới lỏng tín dụng.

Quy mô nới lỏng tín dụng hiện nay bằng khoảng nửa của năm kích cầu 2009, tức nới lỏng cả về tài khóa lẫn tiền tệ không mạnh bằng năm 2009 dù con số tuyệt đối rất lớn.

Quá trình thúc đẩy đầu tư công có thể chậm hơn vì việc phát hành trái phiếu mới được đẩy mạnh, do đó, nguồn vốn thu được dùng để khởi động các dự án đầu tư sẽ tác động tích cực trong năm nay và hệ lụy của việc này, nếu có, sẽ rơi vào năm 2015, trong điều kiện không có các yếu tố khác tác động. Tuy nhiên, kể cả khi sử dụng trụ đỡ đầu tư công, nền kinh tế cũng chỉ ổn định trong ngắn hạn, bởi xét về bản chất, các bất cập nội tại vẫn không thay đổi, vẫn là hoạt động không hiệu quả trong khu vực doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công dàn trải, nợ xấu vẫn còn lớn…

Về trung hạn, ông Thành cho rằng, cần quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm thay đổi thể chế nền kinh tế như đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước đầu tư ngoài ngành, được phép thoái vốn dưới mệnh giá, dưới giá trị sổ sách đối với các doanh nghiệp, dự án đầu tư không hiệu quả. Điều quan trọng hơn cả là dù bán với giá thấp, nhưng khi doanh nghiệp đó được tái cấu trúc, giá trị doanh nghiệp sẽ được nâng lên.   

Tin bài liên quan