Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật quản lý ngoại thương sáng 27/10.

Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật quản lý ngoại thương sáng 27/10.

Tán thành việc giao Thủ tướng quyết định tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa

Báo cáo thẩm tra dự án Luật quản lý Ngoại thương do Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày trước Quốc hội sáng 27/10 đã tán thành giao Thủ tướng Chính phủ quyết định tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa.     
Theo ông Vũ Hồng Thanh, đối với  nguyên tắc áp dụng cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu quy định tạo Điều 9; Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu  quy định tại Điều 10 và cấm kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu (Điều 40), có  ý kiến cho rằng căn cứ pháp lý quy định tại các khoản 2, 3 và khoản 4 Điều 9; điểm c, điểm d khoản 1 Điều 40 chưa rõ ràng để áp dụng biện pháp cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, cấm kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu khi hàng hóa thuộc những trường hợp quy định tại các khoản này. Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát, làm rõ cơ sở pháp lý của các nội dung quy định tại các điều khoản trên để thuận lợi khi áp dụng trong thực tế.

"Ủy ban Kinh tế tán thành giao Thủ tướng Chính phủ quyết định tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, đồng thời quy định rõ nguyên tắc, các trường hợp áp dụng biện pháp tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu và có sự phân biệt với các trường hợp áp dụng biện pháp cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu"

- Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh.

Về thẩm quyền quy định "Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu", một số ý kiến tán thành với quy định của dự án Luật giao Chính phủ quy định chi tiết Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, nhằm bảo đảm tính linh hoạt, chủ động trong quản lý, điều hành phù hợp với từng thời kỳ.

Một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu tại dự án Luật nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch, ổn định trên cơ sở đánh giá, rà soát từng mặt hàng, đảm bảo phù hợp với thực tế, áp dụng ổn định, thực hiện đúng các cam kết quốc tế.

Ủy ban Kinh tế nhận thấy việc xây dựng Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu không những dựa trên thực tiễn hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu mà còn phải phù hợp với các nguyên tắc, tiêu chí của điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, chịu sự giám sát của các đối tác thương mại của Việt Nam trong Tổ chức Thương mại Thế giới và trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên, khó có thể áp dụng tùy tiện trong xây dựng Danh mục này. Do vậy, Ủy ban Kinh tế tán thành quy định giao Chính phủ quy định chi tiết Danh mục này bảo đảm quyền tự do kinh doanh của tổ chức, cá nhân, đáp ứng tính linh hoạt, kịp thời trong quản lý, điều hành.

 Ngoài ra, nhiều ý kiến đề nghị rà soát chi tiết Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu để bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và thống nhất với các luật chuyên ngành về hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Về thẩm quyền áp dụng tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu hàng hóa  theo Điều 14,  đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế đề nghị quy định Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền quyết định tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa vì việc tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu có liên quan đến lĩnh vực của các bộ, ngành khác nhau.

Có ý kiến tán thành với dự án Luật, quy định Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa trên cơ sở lấy ý kiến của các bộ, ngành có liên quan để đáp ứng yêu cầu về thời điểm, cơ chế, quy trình trong việc ra quyết định tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa và quy định cho tiếp tục xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa sau khi đã tạm ngừng.

"Ủy ban Kinh tế tán thành giao Thủ tướng Chính phủ quyết định tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, đồng thời quy định rõ nguyên tắc, các trường hợp áp dụng biện pháp tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu và có sự phân biệt với các trường hợp áp dụng biện pháp cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu", ông Vũ Hồng Thanh cho biết. 

Tin bài liên quan