Tái cơ cấu kinh tế: Chỉnh sửa hay phải đổi cách làm

Tái cơ cấu kinh tế: Chỉnh sửa hay phải đổi cách làm

Bàn về Đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 5 năm 2016-2020, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đang đặt câu hỏi: phương cách tái cơ cấu 5 năm qua có thực sự hợp lý?.     

Sau 5 năm tái cơ cấu, mô hình tăng trưởng vẫn thế?

Ông Thiên đã đặt câu hỏi này cho “Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2016 trong giai đoạn mới: thách thức tái cơ cấu và triển vọng” diễn ra sáng nay, 12/10 tại Hà Nội.

“Chúng tôi kỳ vọng câu hỏi này cùng được xới xáo và trả lời. Bởi, nếu đặt sai mục tiêu thì phải sửa, còn nếu chỉ do cách  làm dở thì cách xử lý cho giai đoạn 5 năm tới sẽ chỉ là tập trung hành động”, ông Thiên trao đổi trước thềm Diễn đàn.

Có khá nhiều lý do để vị Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đặt ra tình huống này, khi mà Đề án Tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 đang được trình Quốc hội xem xét.

Thứ nhất, 5 năm qua là 5 năm vật lộn với tái cơ cấu, nhưng kết quả lại không được nhiều. Cơ chế đầu tư công thực chất chưa thay đổi được, vẫn lấy “xin – cho” làm trụ, trong khi khó khăn ngân sách trở nên trầm trọng hơn, nợ công tăng nhanh.

Ông Thiên nhìn lại, 5 năm thực hiện phân bổ lại nguồn lực, kết quả là nguồn lực vẫn dựa vào nhà nước. Hệ thống giá, nhất là giá đầu vào cơ bản không không được đo lường đầy đủ bằng nguyên tắc thị trường, đó là đất đai, tiền lương, năng lượng và giá vốn. Hệ quả là giá điện mãi không điều chỉnh được, tiền lương cũng vậy, lãi suất không thể hạ hơn vì hệ thống phân bổ nguồn lực méo mó.

Hệ thống ngân hàng đã được trụ được qua cơn sóng gió, song cục máu đông- nợ xấy hầu như vẫn còn nguyên, thậm chí còn tăng lên.

Đặc biệt, nguồn lực không thay đổi theo thị trường thì mục tiêu tái cơ cấu doanh nghiệp theo cấu trúc kinh tế mới không thực hiện được.

Lực lượng doanh nghiệp nội địa, cả khu vực nhà nước và tư nhân – thấp về đẳng cấp, yếu về thực lực và sức cạnh tranh. Chính phủ đã cổ phần hóa được không ít doanh nghiệp nhà nước, song thực chất mục tiêu tái cơ cấu thông qua cổ phần hóa để phân bổ lại nguồn vốn quốc gia, chuyển một phần nguồn vốn cho khu vực tư nhân quản lý sử dụng chỉ đạt được không đáng kể, khoảng 10 - 15% tổng số vốn của các doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa.

Dường như cổ phần hóa vẫn theo logic hoàn thành nhiệm vụ hơn là đi vào kết quả thực chất của sứ mệnh này.

Với các kết quả này, hệ quả là sau 5 năm, mô hình tăng trưởng không thay đổi được bao.

“Khi đặt ra công cuộc tái cơ cấu, nhiều người đã nghĩ rằng quá trình này sẽ nhanh chóng thành công, sẽ chỉ mất 2 - 3 năm để  giải quyết 3 tuyến đột phá là nợ xấu ngân hàng, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và tái đầu tư công vì cách tiếp cận lần này khá giống với công cuộc Đổi mới năm 1986. Nhưng, thực tế khác xa. Có phải động lực cải cách đổi Đổi mới 1986 rất rõ, còn lần này thì không”, ông Thiên đặt vấn đề.

Những “cái khác” của 5 năm tới

Viện Kinh tế Việt Nam và Viện Nghiên cứu Phát triển Việt Nam (thuộc Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam) tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới chính vì đang nhìn thấy những điểm rất khác trong bối cảnh phát triển mới của Việt Nam.

Thứ nhất, hội nhập đã sang giai đoạn mới về chất. Các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia đều đòi hỏi trình độ và tiêu chuẩn rất cao. Việt Nam có đủ lực để bám vào các cấu trúc hội nhập này để vượt lên hay không đang là câu hỏi khó.

Giới phân tích kinh tế cũng đã nói, nếu không tái cơ cấu để tuân thủ các cam  kết hội nhập mới, thì kinh tế sẽ khó tránh khỏi lặp lại tình thế hậu WTO đã từng xảy ra, nghĩa là cơ hội của hội nhập gần như chỉ được các doanh nghiệp ngoại tận khai.

Thứ hai, đó là tác động của nền kinh tế Trung Quốc  được được cho là sẽ tiếp tục giảm tốc trong bất ổn – tới kinh tế Việt Nam. Làm sao để giảm thiểu tác động, làm sao để nhanh chóng thoát khỏi sự lệ thuộc cơ cấu vào nền kinh tế Trung Quốc đang là các câu hỏi không thể không đặt ra.

Thứ ba, Cộng đồng Kinh tế ASEAN đã hình thành một thị trường và một cơ sở sản xuất thống nhất, nhưng công cụ thực hiện vẫn chủ yếu dựa trên nguyên lý sức mạnh cạnh tranh của các nền kinh tế thành viên, của các tập đoàn, doanh nghiệp.

Trong cuộc đua tranh sắp xếp chiến lược này, phải thẳng thắn nhìn thấy Việt Nam đang bị kém thế trên nhiều phương diện.

Đó là chưa kể tới tác động của biến đổi khí  hậu, nước biển dâng và cuộc tranh chấp nước sông Mekong, chưa kể tới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư...

Cần có chương trình tái cơ cấu mới?

Theo các chuyên gia của Viện Kinh tế Việt Nam, các vấn đề trên phải là một bộ phận tách rời của chiến lược tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng của Việt Nam trong giai đoạn tới.

Đây là lý do các chuyên gia cho rằng cần phải tư duy lại vấn đề tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng.

“Cần phải thiết kế, xây dựng một chương trình tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng mới”, ông Thiên khuyến nghị.

Cụ thể hơn, ông Thiên cho rằng, cần sự thay đổi tư duy phát triển triệt để, theo logic của một cuộc đổi mới lần hai, được dẫn dắt bởi một tầm nhìn phát triển mới, tầm nhìn thời đại, đảm bảo nền kinh tế thoát khỏi lệ thuộc bên ngoài và nhập được vào đội hình bay – hội nhập mới.

Tin bài liên quan