DN vẫn chưa mặn mà đối với các mối liên kết để tăng sức cạnh tranh cho các mặt hàng nông sản

DN vẫn chưa mặn mà đối với các mối liên kết để tăng sức cạnh tranh cho các mặt hàng nông sản

Tái cơ cấu chưa chuyển biến lớn

(ĐTCK) Sau phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, bên lề Quốc hội, các đại biểu đánh giá cao những nỗ lực và thành quả đạt được nhưng đồng thời cho rằng, một điểm yếu của kinh tế Việt Nam là yếu tố liên kết, phối hợp vẫn còn tồn tại.

Trong phiên thảo luận tại hội trường, đa số các đại biểu ghi nhận Chính phủ đã có những biện pháp quyết liệt giúp nền kinh tế tăng trưởng so với nhiều năm trước. Tuy nhiên, những khó khăn, hạn chế cơ bản vẫn kéo dài trong nhiều năm qua, chẳng hạn như vấn đề phát triển DN. Theo đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình), số DN giải thể, ngừng hoạt động khá lớn, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2014, số DN phát sinh thuế thu nhập DN chỉ chiếm tỷ lệ dưới 50%.

Theo phản ánh của một số DN, các chính sách điều hành kinh tế còn giật cục, thiếu tính ổn định, làm cho nhà đầu tư trong và ngoài nước e ngại, lo lắng. Lãi suất cao trong thời kỳ trước cũng khiến cho DN tuy có phục hồi nhưng rất chậm.

Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) nêu lên hàng loạt chủ trương, chính sách được Chính phủ đề xuất, Quốc hội thông qua nhưng khi đi vào thực tế thì... chững lại. Đó là gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng về hỗ trợ nhà ở cho người có thu nhập thấp, đến nay mới chỉ giải ngân được trên 20%; nguồnvốn 16.000 tỷ đồng hỗ trợ cho ngư dân, đến nay mới chỉ hỗ trợ được 3 tàu đóng mới; cải cách hành chính qua 15 năm thực hiện vẫn còn nhiều lĩnh vực có thủ tục phiền hà, thực thi chưa nghiêm, gây tốn kém thời gian và chi phí của người dân cùng DN.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) nhấn mạnh, cần nhìn thẳng vào sự thật, nền kinh tế có phục hồi nhưng chủ yếu là về số lượng, chưa thay đổi về chất lượng và sức cạnh tranh, cơ cấu và mô hình tăng trưởng vẫn như cũ. Sau 2 năm tái cơ cấu, hầu như vẫn chưa có chuyển biến căn bản, tình trạng mất cân đối giữa khu vực sản xuất nội địa và khu vực FDI ngày càng sâu sắc. Năng lực sản xuất khu vực DN nội địa vẫn yếu, còn gặp nhiều khó khăn. Môi trường kinh tế trong nước đang có vấn đề lớn, việc phá sản, dừng hoạt động của DN nội địa tiếp tục gia tăng, năm sau cao hơn năm trước.

Trước tình hình này, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp, kiến nghị như: xem xét tiếp tục giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn thêm 2 – 2,5%; bố trí nguồn ngân sách hỗ trợ cho các DN có dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; có cơ chế liên kết kinh tế vùng cho nông nghiệp, ưu tiên tiền thuê đất... Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. HCM) kiến nghị Chính phủ xây dựng gói hỗ trợ cho DN tiếp cận vốn trung và dài hạn, với lãi suất thấp, ổn định trong 5 - 10 năm. Việc này giúp DN có nguồn vốn mua máy móc thiết bị, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Có đại biểu đề nghị cần rà soát các luật liên quan để sửa đổi, xây dựng cơ chế đồng bộ nhằm tháo gỡ nút thắt tín dụng về cho vay tín chấp. Ở nước ta, ngoài một số DN Nhà nước thì việc cho vay tín chấp còn khá xa lạ. Hiện nay, việc tiếp cận nguồn vốn đã được thông thoáng, nhưng vẫn còn những trở ngại. Ngân hàng có lượng tiền cho vay, DN thiếu vốn; nhiều DN có điều kiện mở rộng sản xuất, kinh doanh, mong muốn tham gia đầu tư vào những dự án hạ tầng lớn, có tính khả thi cao, nhưng không vay được vốn vì không có tài sản thế chấp. Mặc dù, Chính phủ đã có chỉ thị khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay tín chấp nhưng trên thực tế, các tổ chức tín dụng vẫn ngại mở rộng hoạt động này.

Trao đổi bên lề Quốc hội, một số đại biểu nhấn mạnh yếu tố liên kết, phối hợp trong nền kinh tế Việt Nam. Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng, Ủy ban Kinh tế) cho rằng, trước hết, chủ trương liên kết giữa người nông dân với những người làm công tác phân phối, lưu thông là chủ trương đúng đắn và chúng ta hay dùng hình tượng dễ hiểu là “liên kết bốn nhà”. Nhưng trong 2 năm qua, chúng ta chưa có mô hình đủ sức thuyết phục người dân và dần phải chấp nhận thực tế là không có một mô hình duy nhất cho các loại hình sản phẩm mà mỗi một loại sản phẩm phải có một mô hình sản xuất riêng.

Vai trò của DN hết sức quan trọng trong mối liên kết này nhưng các DN vẫn chưa mặn mà đối với các mặt hàng nông sản. “Điểm yếu nhất của chúng ta là sự liên kết ở 2 khâu: thứ nhất là sự liên kết của nhà khoa học với người nông dân và thứ hai là khâu liên kết người nông dân với thị trường”, đại biểu Nguyễn Đức Kiên nói.

Bổ sung thêm vào ý kiến này, đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) dẫn ví vụ thực tế ở địa phương, hợp đồng đã ký nhưng đến vụ thu hoạch, giá thấp hơn là DN bỏ. Còn người nông dân, khi giá cao hơn cũng sẽ bỏ DN. Có thể thấy, mối ràng buộc giữa DN và người nông dân rất lỏng lẻo dù đã ký hợp đồng, do đó, cần có cơ chế ràng buộc...

Tin bài liên quan