TS. Vũ Thành Tự Anh

TS. Vũ Thành Tự Anh

Tái cấu trúc DNNN, cần tách bạch chức năng xã hội và kinh tế

(ĐTCK) Đó là quan điểm của TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright khi trao đổi với phóng viên Đầu tư Chứng khoán.

Theo ông, để tái cấu trúc các tập đoàn kinh tế, đâu là việc đầu tiên phải triển khai?

Năm 2005, những tập đoàn kinh tế nhà nước đầu tiên được hình thành, đến nay mặc dù vẫn còn trong giai đoạn thí điểm đã có tới 12 tập đoàn. Như vậy, quá trình hình thành và phát triển là rất vội vã. Nói cách khác, chúng ta đã nhân rộng quá nhanh trước khi có sự đánh giá, tổng kết nghiêm túc và khách quan về những kết quả cũng như những hệ lụy mà mô hình này đem lại.

Chúng ta chỉ có thể tái cấu trúc thành công khi thực sự hiểu mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước là gì, nó đã làm được gì và sẽ dẫn nền kinh tế đi về đâu? Nhưng đến thời điểm này, cả ba câu hỏi trên đều rất mơ hồ và số liệu thì không đầy đủ, thậm chí không chính xác. Chẳng hạn như số liệu về tín dụng, nợ xấu mỗi nguồn một khác. Rõ ràng, khi không có những số liệu cơ bản thì bắt tay vào tái cấu trúc sẽ là quá vội vã.

Tháng 9/2011, Chính phủ đã giao cho Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN và Bộ Tài chính đồng thời xây dựng hai đề án về tái cấu trúc DNNN, trọng tâm là các tập đoàn và tổng công ty. Chỉ trong vòng 2 tháng, các cơ quan này đã đệ trình lên Chính phủ đề án tái cơ cấu của mình. Do vậy, không ngạc nhiên nếu hai đề án đó khá sơ sài, những vấn đề cơ bản nhất của các tập đoàn kinh tế cũng như tổng công ty đều chưa được làm rõ và vì vậy, rất khó có thể có những phương án tái cơ cấu hiệu quả và khả thi.

Đóng góp cho GDP (%)

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Thống kê

 

 

Như vậy, để Đề án tái cấu trúc tập đoàn khả thi hơn, việc tổng kết, rút kinh nghiệm phải tiến hành như thế nào?

Trước hết, phải có những đánh giá khách quan và toàn diện về mô hình này, phải đánh giá nó như là một mô hình chứ không thể xé lẻ từng tập đoàn ra để đánh giá. Cụ thể như, những vấn đề về quản trị, hiệu quả hoạt động, những đóng góp và hệ lụy... đối với nền kinh tế và đặc biệt đối với sự bất ổn vĩ mô của nền kinh tế trong giai đoạn vừa qua.

 Sau khi có bức tranh tương đối rõ ràng mới nghĩ đến chuyện tiếp theo chúng ta phải làm gì với mô hình này nói chung, rồi mới đến việc làm gì với từng tập đoàn. Nếu không làm tuần tự những bước đó thì tất cả những gì chúng ta làm hoặc là “bình mới rượu cũ”, hoặc là có tính chủ quan và cả hai đều không phải những cách làm tốt để dẫn tới thành công.

 

“Cắt giảm chi phí để tái cơ cấu”, ông có bình luận gì về mệnh đề này?

Việc cắt giảm chi phí là cần thiết, song thực ra câu này nên được đảo ngược lại thành tái cơ cấu để cắt giảm chi phí và qua đó nâng cao nâng lực cạnh tranh. Nghĩa là cắt giảm chi phí là một trong những kết quả đạt được của tái cơ cấu, chứ không nên được coi như biện pháp chủ lực trong tái cơ cấu.

Nếu tái cơ cấu mà không cắt giảm được chi phí thì tái cơ cấu thất bại, vì nếu không cắt giảm được chi phí thì không có năng lực cạnh tranh. Nhưng nếu dùng việc cắt giảm chi phí như một biện pháp chủ đạo để tái cơ cấu thì lại không phải. Cắt giảm chi phí, một cách cao nhất thì cũng chỉ có thể coi như một bước trung gian, chứ không phải là một công cụ chính.

DNNN tuy sử dụng nhiều nguồn lực nhưng đóng góp lại nhiều hạn chế

Tái cấu trúc DNNN, cần tách bạch chức năng xã hội và kinh tế ảnh 2

Nguồn: Tổng cục Thống kê, Bộ Tài chính, IMF (đơn vị: tỷ USD)

Ghi chú: Số liệu 2010 là ước tính. Số liệu việc làm là của giai đoạn 2001-05 và 2006-09.

 

Vậy theo ông, biện pháp chủ lực của tái cơ cấu là gì?

Mục tiêu của tái cơ cấu là đảm bảo các DNNN nói chung cũng như các tập đoàn và tổng công ty nói riêng phải hoạt động có hiệu quả và trên cơ sở đó đạt được năng lực cạnh tranh quốc tế. Với mục tiêu như vậy, cần phải thực hiện ít nhất 5 nhóm biện pháp:

Thứ nhất, phải tạo ra động lực đúng đắn hơn ở các tập đoàn và tổng công ty, khi có động lực đúng rồi mới có thể nói đến việc nâng cao hiệu quả.

Hiện nay, khi đứng trước bất kỳ ý kiến nào về việc các DNNN hoạt động kém hiệu quả, đầu tư ngoài ngành, lãng phí, thì các đơn vị này đều có thể nói rằng, lý do chính của việc đó là họ phải đầu tư vào các khu vực khó khăn, phải tham gia điều tiết vĩ mô, các chương trình an sinh, phúc lợi xã hội...

Rõ ràng, khi không tách bạch các chức năng kinh tế và chức năng xã hội thì việc đánh giá luôn có sự nhập nhằng, khiến cho việc áp dụng các kỷ luật của Nhà nước đối với các tập đoàn là rất khó khăn.

Bên cạnh đó, khi các tập đoàn và DNNN được giao vai trò chủ lực của nền kinh tế thì các nguồn lực tiếp tục được đổ vào đây. Điều này đồng nghĩa với việc khó có thể có một môi trường cạnh tranh bình đẳng, cũng như việc phân bổ nguồn lực khó đạt hiệu quả mong muốn.

Thứ hai, cần phải để các DNNN đối diện với giá thị trường, nhất là đối với các loại giá cơ bản như lãi suất, tỷ giá, đất đai và năng lượng. Khi những loại giá cơ bản này bị bóp méo, không những nguồn lực bị phân bổ kém hiệu quả mà còn tạo ra mảnh đất màu mỡ cho các cuộc đua tranh giành đặc quyền, đặc lợi. Hiển nhiên là trong cuộc đua này, các DNNN luôn chiếm thế thượng phong và kết quả là họ không cần phải hoạt động hiệu quả mà vẫn có lợi nhuận.

Thứ ba, cần phải buộc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đối diện với cạnh tranh cả trong và ngoài nước, vì cạnh tranh là cơ sở để có hiệu quả và là động lực để phát triển. Hay nói cách khác, nếu một DN được hưởng nhiều ưu đãi, được hưởng vị thế độc quyền và bao bọc bởi hành lang pháp lý cũng như vị thế kinh tế chính trị ưu đãi thì sẽ không có động cơ hoạt động hiệu quả.

Thứ tư, phải cải cách hệ thống quản trị của các tập đoàn. Ở cấp độ hệ thống, phải tách bạch các chức năng điều tiết kinh tế, quản lý hành chính và sản xuất - kinh doanh. Ở cấp độ công ty, cần minh bạch tối đa kết quả hoạt động của doanh nghiệp và đảm bảo trách nhiệm giải trình của hội đồng quản trị và ban giám đốc.

Cuối cùng, như đã nói ngay từ đầu, cần đánh giá một cách khách quan, toàn diện chương trình thí điểm mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước để từ đó đưa ra chiến lược và chính sách tái cơ cấu thích hợp.