Cộng đồng doanh nghiệp trông đợi bước cải cách thực sự về cơ chế quản lý thuế

Cộng đồng doanh nghiệp trông đợi bước cải cách thực sự về cơ chế quản lý thuế

Sửa Luật Quản lý thuế: Để tránh “hành” doanh nghiệp

(ĐTCK) Góp ý cho dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi, ý kiến từ phía doanh nghiệp đề xuất cơ chế thanh tra thuế cần được cải cách theo hướng tránh “hành” doanh nghiệp.

Tránh kéo dài thời gian thanh tra

Đoàn thanh, kiểm tra này chưa đi, đoàn khác lại đến… Đây là bức xúc của nhiều doanh nghiệp, nhưng trong nhiều trường hợp họ không thể giãi bày vì sợ bị trù dập. Trong đó thanh tra, kiểm tra thuế luôn là điểm nóng.

Liên quan đến thời hạn thanh tra thuế, theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhiều cuộc thanh, kiểm tra thuế kéo dài vài tháng, gây tốn kém chi phí cho doanh nghiệp, vì họ phải bố trí nhân sự, nguồn lực trong quá trình cung cấp tài liệu, trao đổi thông tin. Đó mới chỉ là thanh tra, kiểm tra thuế, trong khi doanh nghiệp còn phải đối mặt với nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra từ các ngành khác nhau.

Tại cuộc tọa đàm lấy ý kiến doanh nghiệp về điều kiện kinh doanh do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với VCCI tổ chức mới đây, ông Nguyễn Khánh Trình, Giám đốc CTCP Sói Biển Trung Thực (hệ thống trang trại và cửa hàng cung cấp thực phẩm sạch) đã than phiền, trong 20 ngày vừa qua, ông đã tiếp khoảng 7 đoàn thanh tra, kiểm tra. Công ty phải lập một bộ phận riêng gồm ba người để tiếp đón các đoàn này.

“Nhân viên Công ty thấy nhiều anh chị thanh tra đến mặt đằng đằng sát khí, đi xe bật còi hú nên rất ngại. Tôi phải động viên mọi người rằng mình có thể thiếu 1 - 2 tờ giấy, nhưng không làm gì sai thì không phải ngại. Tôi thấy hành vi này của cán bộ thanh tra không sạch, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp”, ông Trình bức xúc.

Từ thực tế trên, đại diện cho tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, VCCI vừa gửi nhiều ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi tới Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế. Theo đó, trong lần sửa luật này, cần khắc phục những bất cập của cơ chế thanh tra, kiểm tra thuế như kéo dài thời hạn thanh tra. Muốn thế, cần bổ sung vào dự thảo Luật các tiêu chí rõ ràng, chặt chẽ về căn cứ gia hạn thanh tra; tạm dừng, tạm hoãn thanh tra...

Theo phản ánh của một số doanh nghiệp, hiện Luật Quản lý thuế chưa quy định thời hạn được miễn kiểm tra, thanh tra nếu doanh nghiệp không nằm trong danh sách kiểm tra, thanh tra thuế của cơ quan thuế.

Để tránh trường hợp doanh nghiệp không được kiểm tra, thanh tra trong thời gian dài (5 - 10 năm hoặc lâu hơn), dẫn đến những rủi ro về thuế, chẳng hạn bị phạt chậm nộp thuế lớn nếu sai phạm bị phát hiện, doanh nghiệp đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định về thời hạn được miễn kiểm tra, thanh tra. Hơn nữa, nếu để quá lâu không thanh tra, kiểm tra, chứng từ, tài liệu tồn quá nhiều, phải thuê kho lưu trữ phức tạp, gây tốn kém cho doanh nghiệp...

Quy định cần rõ ràng hơn

Một nội dung tại dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp, đó  là “trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày cơ quan thuế có văn bản thông báo, nếu người nộp thuế không hoàn chỉnh hồ sơ gửi cơ quan thuế, thì thủ trưởng cơ quan thuế quyết định việc tiếp nhận hay không tiếp nhận hồ sơ thuế và có thông báo gửi người nộp thuế biết”.

Trong trường hợp này, khi người nộp thuế không hoàn chỉnh hồ sơ đúng thời hạn quy định, thủ trưởng cơ quan thuế sẽ có quyền ra quyết định không tiếp nhận. Tuy nhiên, quy định này chưa rõ căn cứ cụ thể để thủ trưởng cơ quan thuế quyết định tiếp nhận hay không tiếp nhận.

Do đó, doanh nghiệp đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể hoặc dẫn chiếu các tiêu chí, để từ đó công chức thuế có đủ cơ sở giải thích với doanh nghiệp, đồng thời doanh nghiệp cũng có đủ căn cứ để chuẩn bị hồ sơ khai thuế bảo đảm không bị sai sót, giảm thiểu thời gian thực hiện thủ tục nhiều lần.

Liên quan đến nội dung về quản lý thu thuế đối với thương mại điện tử, dự thảo đề xuất phương thức thu thuế đối với hàng hóa chuyển phát nhanh qua biên giới theo hướng: Mức thu đối với một sản phẩm hàng hóa có giá trị từ 1 triệu đồng/lần trở lên thì thu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân theo một tỷ lệ (%), không thu thuế đối với một sản phẩm hàng hóa có giá trị dưới 1 triệu đồng/lần.

Trường hợp một sản phẩm hàng hóa dưới 1 triệu đồng mà tần suất giao dịch từ 2 lần/ngày, thì thực hiện thu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân theo quy định.

Với quy định trên, doanh nghiệp và chuyên gia băn khoăn về tính khả thi của hệ thống theo dõi, thống kê nhằm xác định một sản phẩm hàng hóa dưới 1 triệu đồng có tần suất giao dịch từ 2 lần/ngày để tiến hành thu thuế.

Về tiêu chí cụ thể để ghi nhận các lô hàng giống nhau, nếu không rõ ràng, quy định này có nguy cơ tạo ra sự diễn giải và áp dụng tuỳ tiện trên thực tế, gây khó cho doanh nghiêp và người dân. Các chuyên gia và doanh nghiệp đề nghị Ban soạn thảo xem xét để đưa ra quy định về nội dung này sao cho có tính khả thi, đảm bảo tính minh bạch và thống nhất.

Tin bài liên quan