Sẽ có Luật thúc đẩy cổ phần hóa

Sẽ có Luật thúc đẩy cổ phần hóa

(ĐTCK) Dự thảo Đề án tái cấu trúc nền kinh tế đánh giá, công tác cổ phần hóa DNNN tiến hành chậm, thiếu thực chất, giá trị vốn Nhà nước thu về từ tái cơ cấu chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng vốn Nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp. 

Cổ phần hóa DNNN không làm giảm sự can dự của Nhà nước vào nền kinh tế vì quan hệ thân hữu giữa doanh nghiệp với quan chức nhà nước được duy trì ngay cả khi doanh nghiệp đã được cổ phần hóa.

Lợi nhuận của cả khu vực DNNN chủ yếu đến từ một số tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn trong các ngành có tính độc quyền tự nhiên, còn phần lớn DNNN có kết quả kinh doanh thấp, đặc biệt khi so sánh với doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Xét trên bình diện tổng thể từ năm 2000 đến nay, tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên tổng nguồn vốn của khu vực DNNN chưa năm nào vượt quá 6%, trong khi đó các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thường xuyên duy trì ở mức trên dưới 10%.

Theo đó, Đề án đặt ra mục tiêu cải cách mạnh mẽ khu vực DNNN để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực nhà nước và hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020 là giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phần của Nhà nước trong phần lớn doanh nghiệp có vốn nhà nước; giảm bớt các ngành nghề được quy định Nhà nước cần nắm giữ đa số cổ phần (Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg); thoái toàn bộ vốn nhà nước khỏi các doanh nghiệp không thuộc ngành nghề Nhà nước cần nắm giữ số cổ phần trên 50%.

Đề án cũng đề ra việc thành lập cơ quan chuyên trách thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu tại DNNN và phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong năm 2017, đồng thời ban hành Luật thúc đẩy cổ phần hóa DNNN, tập trung tháo gỡ vướng mắc, nhất là về định giá doanh nghiệp và ngăn ngừa thất thoát tài sản.

Tin bài liên quan