Sau giai đoạn khó khăn nhất, nền kinh tế vẫn còn “mong manh, dễ vỡ”

Thừa nhận nền kinh tế đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất với tốc độ tăng trưởng GDP trong quý I/2014 là 4,96% - cao hơn tốc độ tăng trưởng cùng kỳ 3 năm gần đây, song các chuyên gia tham dự Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân 2014, do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức vào đầu tuần này, luôn nhắc đến cụm từ “mong manh, dễ vỡ”, thậm chí là “thiếu sức sống” khi nói về thực trạng kinh tế.
Sau giai đoạn khó khăn nhất, nền kinh tế vẫn còn “mong manh, dễ vỡ”

“Kinh tế vĩ mô đã và đang ổn định hơn, nhưng vẫn thiếu sức sống. Nền kinh tế của chúng ta hiện “lờ đờ” như người vừa qua cơn bạo bệnh”. TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM nhận định.

Ông Lịch chứng minh, trong 4 tháng đầu năm, cả nước có 21.489 doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể, ngừng hoạt động, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2013. “Đây là khối doanh nghiệp được gọi là nhóm 3, còn hàng trăm ngàn doanh nghiệp thuộc nhóm 2, tức là vẫn đang hoạt động, nhưng chỉ hoạt động cầm chừng và đang gặp rất nhiều khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất vẫn là vốn.

Theo ông Lịch, rất dễ nhận thấy sự yếu kém, mong manh, dễ vỡ nhất là khả năng hấp thụ vốn. Điều này được minh chứng, trong 4 tháng đầu năm, Chính phủ phát hành bao nhiêu trái phiếu, ngân hàng ôm hết bấy nhiêu. “Ngân hàng huy động vốn của dân, đáng ra phải cho doanh nghiệp vay để tập trung vào sản xuất, thì lại đi mua trái phiếu chính phủ. Kho bạc Nhà nước huy động được trái phiếu chính phủ lại đem tiền cho khu vực công chi tiêu, đầu tư thì làm gì còn vốn cho doanh nghiệp”, ông Lịch nhấn mạnh.

Về đầu tư của khu vực công, theo TS. Nguyễn Đình Cung, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, là hiệu quả thấp, ít nhất là so với việc đầu tư của khu vực tư nhân. “Chúng ta đang thấy rõ sự bất cập là tiền chảy vào khu vực đầu tư có hiệu quả thấp, sử dụng ít lao động, khiến lao đông phi chính thức gia tăng, tạo áp lực cho việc giải quyết an sinh xã hội. Nếu tiếp tục chính sách đầu tư như hiện nay, trước mắt có thể xuất hiện “một vài điểm sáng mờ nhạt”, nhưng trong trung hạn, nền kinh tế rơi vào bất ổn như đã từng xảy ra”, ông Cung cảnh báo và đề nghị các thành viên của Ủy ban Kinh tế phải sớm lên tiếng về việc hạn chế đầu tư công bằng các nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư từ phát hành trái phiếu chính phủ.

Ông Cung ví von, chính sách tài khoá đang “cưỡi trên lưng cọp”. Muốn tăng trưởng kinh tế trong khi đầu tư của khu vực tư nhân đang hạn chế thì phải nới lỏng chính sách tài khoá nhằm tăng đầu tư công với hy vọng đầu tư công trở thành đầu tàu để kéo đầu tư toàn xã hội tăng lên. Nhưng tăng đầu tư công thì lại hút hết nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác. “Không nên phát hành quá nhiều trái phiếu chính phủ, hút hết nguồn đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân”, ông Cung khuyến nghị.

Bày tỏ sự lo lắng về hiệu quả đầu tư công, nguyên Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nói: “Xây dựng đường ống dẫn nước sạch từ sông Đà về Hà Nội chẳng có gì là phức tạp vậy mà trong 2 năm đã 6 lần bị vỡ. Ví dụ này cho thấy, chất lượng và hiệu quả đầu tư công vẫn chưa  được cải thiện”.

Dưới góc độ doanh nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Cao Sỹ Kiêm nhận thấy rất rõ nền kinh tế đang mong manh, dễ vỡ. Theo ông, trong 4 tháng đầu năm có 25.729 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới nhiều hơn số giải thể, ngừng hoạt động 21.489 doanh nghiệp. Nhưng phải nhìn nhận thực tế rằng, số doanh nghiệp thành lập mới mới chỉ là đăng ký trên giấy tờ, chưa hoạt động, hoặc hoạt động cầm chừng, hoạt động “lấy ngày”, với mục tiêu thăm dò thị trường là chính.

“Chỉ cần bất cứ tác động rất nhỏ nào từ chính sách, cơ chế, thiên tai, lũ lụt thì rất nhiều doanh nghiệp mới thành lập sẽ rơi vào tình trạng giải thể, ngừng hoạt động vì sức khoẻ của doanh nghiệp mới thành lập rất mong manh”, ông Kiêm nói.      

Tin bài liên quan