Sách Trắng 2016: Làn sóng đầu tư chất lượng cao từ EU vào Việt Nam sẽ được kích hoạt

Sách Trắng 2016: Làn sóng đầu tư chất lượng cao từ EU vào Việt Nam sẽ được kích hoạt

(ĐTCK) “Đối với nhiều nhà đầu tư nước ngoài, sự phát triển tích cực của nền kinh tế Việt Nam và các đặc điểm cơ bản của Việt Nam vẫn hấp dẫn bất chấp những rủi ro hiện có”.

Đó là đánh giá của Sách Trắng về thương mại và đầu tư của Việt Nam 2016 vừa được Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) công bố sáng nay (2/3) tại Hà Nội.

Đây là lần đầu tiên ấn phẩm này được công bố dưới hình thức hội thoại với sự tham dự của các bộ, ban ngành, các cơ quan liên quan nhằm thảo luận về các nội trong ấn phẩm cũng như trình bày về Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA).

Theo Sách Trắng 2016, năm 2014, Việt Nam thu hút 21,92 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới đến từ 1.843 dự án và 16,5 tỷ USD vốn đăng ký thêm, tăng 14% so với năm trước. Trong đó, Liên minh châu Âu (EU) là nhà đầu tư lớn thứ 5 với tổng số vốn FDI cam kết đạt 587,1 triệu USD.

Nhân dịp này, VCCI và EuroCham đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược nhằm phát triển việc cung cấp và hỗ trợ thông tin về EVFTA cho các doanh nghiệp thành viên hai bên.

Còn tính trong 25 năm qua (tính đến ngày 15/12/2014), các nhà đầu tư đến từ 23 trong số 28 quốc gia thành viên EU đầu tư vào Việt Nam 19,1 tỷ USD với 1.566 dự án.

Bên cạnh FDI, mối quan hệ thương mại bền vững giữa Việt Nam và EU còn được thể hiện thông qua các chương trình như Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại đa biên (MUTRAP), trị giá hơn 35,12 tỷ euro.

MUTRAP đã đóng góp vào việc hỗ trợ những nỗ lực đàm phán của Việt Nam trong quá trình gia nhập WTO và hiện đang tiếp tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc thực thi các cam kết thương mại.

Sách Trắng nhận định, sự phát triển và sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài là không thể phủ nhận, bởi Việt Nam đang không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh trong nước, tuy nhiên, những cải tiến cần thiết tiếp theo cũng được các doanh nghiệp EU chỉ rõ.

Bà Nicola, Connolly, Chủ tịch EuroCham nói: “Vẫn còn nhiều vấn đề cần được quan tâm nhằm duy trì những thành quả đã đạt được, cũng như đưa ra những nhận định sâu sắc hơn về thị trường đầu tư và thương mại”.

Sách Trắng 2016 cũng cho biết, các quy định hướng dẫn cho nhiều văn bản luật mới vẫn chưa được ban hành và quá trình xử lý hồ sơ cho các nhà đầu tư đang còn bị trì hoãn. Các doanh nghiệp EU mong đợi sự cải thiện trong thời gian xử lý hồ sơ một khi các quy định hướng dẫn thi hành mới có hiệu lực và các cán bộ xử lý hồ sơ sẽ nhanh chóng làm quen với những thay đổi này.

Ông Bruno Angelet, Đại sứ - Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam cho rằng, EVFTA sẽ kích hoạt cho một làn sóng đầu tư chất lượng cao lớn hơn của EU vào Việt Nam và thúc đẩy hội nhập sâu, cũng như giá trị gia tăng cho nền kinh tế Việt Nam, nhưng điều này phải được hỗ trợ bằng chính lĩnh vực tư nhân của Việt Nam. Trong khi đó, lĩnh vực này phải tăng cường cung cấp cho các công ty châu Âu tại Việt Nam để họ có thể tìm nguồn tại chỗ thay vì nhập khẩu linh kiện từ nước ngoài.

“Các công ty của Việt Nam cũng phát triển thông qua thương mại và xuất khẩu, khai thác các thị trường châu Âu nhiều hơn. Nói cách khác, xuất khẩu của Việt Nam phải ngày càng do các công ty của Việt Nam tạo ra, tạo thêm giá trị gia tăng cho nền kinh tế nội địa”, ông Bruno Angelet nói.

Liên quan đến vấn đề năng lực cạnh tranh trên toàn cầu, theo Báo cáo 2015 - 2016 của Diễn đàn Kinh tế thế giới, Việt Nam xếp hạng 56 trong 144 nền kinh tế, tăng 12 bậc so với vị trí thứ 68 của năm trước. Tuy nhiên, các chỉ số trong nghiên cứu này cũng cho thấy một số vấn đề quan trọng liên quan đến vấn đề môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn cần được tiếp tục cải thiện.

Chẳng hạn, các chuẩn mực kiểm toán và báo cáo còn nhiều điểm chưa hoàn thiện (xếp hạng 130) và thủ tục thành lập doanh nghiệp còn rườm rà (xếp thứ 116), vẫn là những rào cản đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Một vấn đề nữa các thành viên của EuroCham muốn nhấn mạnh, là việc nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn gặp khó khăn đáng kể khi làm việc với hệ thống hành chính của Việt Nam. Việc khai báo thuế, thủ tục thông quan, thủ tục đăng ký kinh doanh và cấp giấy phép, các thủ tục hành chính khác thường bị trì hoãn, kết quả xử lý hồ sơ thường không thể lường  trước được. Các doanh nghiệp thường phải tiêu tốn nguồn lực cho các thủ tục hành chính mà lẽ ra có thể được dùng để đầu tư mở rộng hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp.

Ông Bruno Angelet nói: “Để tạo ra thêm giá trị gia tăng, Việt Nam sẽ phải giải quyết vấn đề nguồn nhân lực thông qua đào tạo nghề, tăng năng suất lao động và cải thiện việc phân bổ vốn thông qua các quá trình tạo ra quyết định tốt hơn và minh bạch hơn. Nói cách khác, FTA sẽ hỗ trợ cải cách và trở thành có hiệu quả hơn đối với người Việt Nam, nhưng FTA sẽ không kích hoạt cải cách, mà nó phụ thuộc hoàn toàn vào Chính phủ Việt Nam trong việc nắm lấy cơ hội và thực thi sứ mệnh lịch sử cho quốc gia”.

“Bất chấp những trở ngại đang còn tồn tại, Chính phủ Việt Nam đã thể hiện sự nắm bắt sát sao các vấn đề liên quan đến đầu tư nước ngoài. Với việc nới rộng khả năng tiếp cận thị trường cho các nhà đầu tư nước ngoài, dòng vốn FDI được mong đợi sẽ tiếp tục tăng. Đối với nhiều nhà đầu tư nước ngoài, sự phát triển tích cực của nền kinh tế Việt Nam và các đặc điểm cơ bản của Việt Nam vẫn hấp dẫn bất chấp những rủi ro hiện có”, Sách Trắng 2016 nhận định.

Tin bài liên quan