Rộng đường pháp lý cho báo chí kết nối với doanh nghiệp

Rộng đường pháp lý cho báo chí kết nối với doanh nghiệp

(ĐTCK) Trong số nhiều nội dung mới của Luật Báo chí 2016, có điểm đáng chú ý là luật hóa rõ hơn không gian kết nối giữa báo chí với doanh nghiệp, cũng như hoạt động kinh doanh dịch vụ của cơ quan báo chí.

Điều này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp, qua đó hỗ trợ cho sự phát triển hiệu quả, năng động của cả hai.

Luật Báo chí 2016 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2017) quy định mở hơn luật hiện hành về hoạt động kinh doanh, dịch vụ của cơ quan báo chí. Theo đó, nguồn thu của cơ quan báo chí gồm thu từ hoạt động kinh doanh, dịch vụ của cơ quan báo chí, các đơn vị trực thuộc cơ quan báo chí...

Luật mới cũng bổ sung quy định về liên kết trong hoạt động báo chí. Cơ quan báo chí được phép liên kết trong hoạt động báo chí với pháp nhân, cá nhân có đăng ký kinh doanh phù hợp với lĩnh vực liên kết theo quy định của pháp luật. Điều này cho phép cơ quan báo chí chủ động thực hiện liên kết, mà không phải xin phép cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, qua đó cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ quan báo chí.

Định hướng mở trên được kỳ vọng sẽ thúc đẩy mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp ngày càng gắn bó, minh bạch và lành mạnh hơn, như Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhìn nhận: “Họ vừa là những người bạn đồng hành thân thiết, vừa tương trợ lẫn nhau để cùng phát triển”, khi ông phát biểu tại Diễn đàn đối thoại “Báo chí và doanh nghiệp thời hội nhập” do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức nhân kỷ niệm 91 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Báo chí cần doanh nghiệp vì đây là nguồn thông tin phong phú, hấp dẫn, đồng thời là khách hàng quan trọng mang lại nguồn thu cho cơ quan báo chí để trang trải các chi phí hoạt động, nhất là với các cơ quan báo chí kinh tế. Vì tính chất quan hệ này mà ranh giới giữa khen “vừa độ” về doanh nghiệp với “quá độ” là khá mong manh. Trong tình huống này, đòi hỏi cái tâm của nhà báo, trách nhiệm trước cộng đồng, xã hội để cung cấp thông tin chuẩn xác nhằm động viên, khích lệ doanh nghiệp, đồng thời tránh đưa tới công chúng những thông tin “tô hồng” về doanh nghiệp. Với lĩnh vực chứng khoán, chỉ cần nhà báo “quá lời” trong khen doanh nghiệp, cũng như cổ phiếu của họ là có thể tạo nên “cái bẫy” với nhà đầu tư.

Cái tâm của người làm nghề báo không chỉ thể hiện qua cách khen doanh nghiệp khi họ gặt hái được những thành công trong sản xuất - kinh doanh, mà quan trọng hơn là ở cách chê doanh nghiệp, nhất là khi họ đối mặt với tình huống khủng hoảng. Chê làm sao để doanh nghiệp tâm phục, khẩu phục, qua đó giúp họ nhận ra cái sai mà sửa. Làm được như vậy, báo chí không chỉ góp phần thúc đẩy doanh nghiệp phát triển lành mạnh, mà còn mang lại những giá trị tích cực cho xã hội, cộng đồng. Chứ chê đến mức vội vã “đánh”, thậm chí “đánh hội đồng” khi thông tin chưa đa chiều, chưa chuẩn xác, không khéo là “bức tử” doanh nghiệp, như nhìn nhận của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI: bài báo có thể giúp doanh nghiệp gượng dậy thành công, nhưng cũng có bài đẩy doanh nghiệp ngã xuống không bao giờ dậy được.

Vì vậy, vai trò, tác động của báo chí rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi Chính phủ đang thực hiện nhiều biện pháp để đến năm 2020, cả nước có 1 triệu doanh nghiệp. Ở đây, báo chí không chỉ góp phần khuyến khích thành lập lớp doanh nghiệp mới thông qua cổ vũ tinh thần khởi nghiệp, mà còn duy trì và làm lớn mạnh lượng doanh nghiệp hiện có thông qua động viên, khuyến khích, bảo vệ doanh nghiệp trước những rủi ro trên thương trường.

Ngược lại, để đưa hình ảnh, thương hiệu, cũng như sản phẩm, dịch vụ tới rộng rãi khách hàng, các doanh nghiệp đang ngày càng tận dụng tối đa ưu thế nhanh, có sức lan tỏa lớn của các phương tiện truyền thông, đặc biệt là hệ thống báo chí điện tử. Xét trên khía cạnh này, không loại trừ doanh nghiệp có lối ứng xử “ai trả tiền, người ấy có quyền chọn nhạc”.

Nếu báo chí, thậm chí cả nhà báo vì “cơm áo”, mà tiếp sức cho doanh nghiệp công khai những thông tin thiếu chuẩn xác và chưa trung thực, thì cơ quan báo cũng như người làm báo sẽ dần đánh mất uy tín cũng như vị thế của mình, thậm chí làm mất niềm tin trong công chúng. Ở đây, một lần nữa đòi hỏi sự công tâm, chính trực của cơ quan báo chí và người làm báo để cân bằng lợi ích giữa 3 bên: doanh nghiệp, bản báo và công chúng tiếp nhận thông tin.

Chân tâm, tôn trọng nhau, chuyên nghiệp hơn trong cung cấp và xử lý thông tin, là những điều cả doanh nghiệp và báo chí cần cùng cải thiện, để thực sự thấu hiểu và hỗ trợ nhau hiệu quả trên bước đường đi tới đích mà mỗi bên hướng tới.      

Tin bài liên quan