Rà soát lại toàn bộ “ma trận” điều kiện kinh doanh

Rà soát lại toàn bộ “ma trận” điều kiện kinh doanh

(ĐTCK) Ngay trước cuộc họp chuyên đề để cho ý kiến về các dự thảo Nghị định quy định thi hành Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp vào ngày 23/6, Văn phòng Chính phủ đã chủ trì cuộc họp với 17 Bộ và cơ quan ngang bộ về tình hình tiến độ xây dựng các nghị định này.  

Đồng thời, cùng các bộ và 2 cơ quan phản biện độc lập là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) thực hiện tổng rà soát lại toàn bộ các điều kiện kinh doanh đã và dự kiến được các Bộ đưa vào dự thảo Nghị định để trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành vào ngày 1/7 tới đây. 

Chính phủ quyết đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng

Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, tính đến thời điểm này, Bộ Tư pháp đã hoàn thành thẩm định 49 trên tổng số 51 Nghị định hướng dẫn thi hành chi tiết Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp mà các Bộ ngành đã dự thảo và xây dựng. Đến nay, vẫn còn 2 nghị định do Bộ Quốc phòng và Kiểm toán Nhà nước xây dựng vẫn đang triển khai. Như vậy, về cơ bản, việc đảm bảo tiến độ ban hành các nghị định hướng dẫn thi hành 2 Luật vào thời hạn 1/7 là khả thi.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Dũng khẳng định, song song với những nỗ lực lớn của Chính phủ và các cơ quan bộ ngành đảm bảo về mặt tiến độ, thì chất lượng các nghị định cũng phải được đặt lên hàng đầu.

“Chủ trương xuyên suốt của Chính phủ là đảm bảo đúng tiến độ để kịp ban hành các nghị định đúng thời hạn, không tạo khoảng trống pháp lý, nghị định khi ban hành phải đi vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giảm tối đa giấy phép con, các quy định bất hợp lý, không phải là điều kiện kinh doanh phải đưa vào nghị định cần được rà soát chặt chẽ để sàng lọc, loại bỏ trước khi trình Thủ tướng ký ban hành”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Thậm chí, ông Dũng còn quyết liệt khẳng định, đối với việc tồn tại ranh giới giữa điều kiện kinh doanh với quy chuẩn, quy phạm thì quan điểm của Chính phủ là không cầu toàn, thà bỏ sót còn hơn đưa vào nghị định để trói buộc doanh nghiệp, gây cản trở sản xuất - kinh doanh. Theo Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, trên cơ sở các phản biện của các cơ quan độc lập và các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Tư pháp với vai trò là cơ quan thẩm định đối với các điều kiện kinh doanh một cách khách quan trên nhiều khía cạnh, sẽ thảo luận nhất trí các nội dung trình Thủ tướng, còn nội dung nào vẫn chưa thống nhất sẽ tiến hành biểu quyết tại cuộc họp chuyên đề của Chính phủ.

“Việc rà soát thẩm định sẽ phải làm tới cùng để không bỏ lọt, tới lúc đó, Bộ trưởng các Bộ sẽ phải chịu trách nhiệm trực tiếp trước Chính phủ”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh. 

Vẫn rơi rớt tư duy luyến tiếc

Một thực tế đáng lo ngại là mặc dù Chính phủ thể hiện quan điểm quyết liệt bãi bỏ các các điều kiện kinh doanh không cần thiết, không phù hợp, cộng đồng DN cũng hết sức bức xúc trước những quy định lỗi thời, gây khó khăn cản trở cho sản xuất - kinh doanh, song cho tới thời điểm cận kề thời hạn 1/7 này, vẫn còn khá nhiều Bộ ngành cố gắng nấn ná xin bảo lưu tư duy quản lý tiền kiểm, duy trì điều kiện kinh doanh.

Quá trình soạn thảo, xây dựng nghị định theo kiểu gấp rút để kịp tiến độ đã dẫn tới tình trạng thiếu công khai, minh bạch do không được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, thời gian thẩm định bị rút ngắn. Không ít dự thảo nghị định được xây dựng hoàn thiện dựa trên sự tổng hợp, nâng cấp, sửa đổi, lắp ghép các thông tư, trong đó có thể kể một số ví dụ cụ thể như Nghị định đồng thời sửa đổi, bổ sung một số quy định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực Công thương do Bộ Công thương soạn thảo dựa trên việc sửa đổi 8 nghị định, nâng cấp 23 thông tư; Nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực tài nguyên môi trường nâng từ 7 thông tư về khoáng sản, môi trường, nước; Nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong 8 lĩnh vực Nông nghiệp và phát triển Nông thôn tổng hợp từ 35 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện 39 thông tư trong lĩnh vực này.

Điều đáng nói là trong số các Nghị định này có những quy định không phù hợp, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh đã được nhiều doanh nghiệp và các chuyên gia luật nhiều lần góp ý đề xuất nên loại bỏ, sửa đổi cho phù hợp, song vẫn được đưa vào Nghị định như một số quy định quy định về kinh doanh khí, quản lý phân bón của Bộ Công thương, điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư, dịch vụ đào tạo bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới bất động sản… của Bộ Xây dựng.

Thậm chí, ngay tại cuộc họp rà soát lần cuối trước khi báo cáo tại cuộc họp chuyên đề của Chính phủ để xem xét thông qua trước khi trình Thủ tướng ký ban hành, đại diện hai Bộ này vẫn đưa ra nhiều lý do để bảo lưu giữ lại các điều kiện quy định nói trên.

Sự nấn ná này cho thấy một thực tế là vẫn còn nhiều bộ ngành lưu luyến, thậm chí là bảo thủ cố gắng giữ quan điểm cái gì cũng muốn quy định, không muốn cởi trói cho doanh nghiệp như tinh thần của Chính phủ. Thậm chí, trước sự nấn ná giữ lại phần lớn các điều kiện kinh doanh không phù hợp, gây cản trở sản xuất - kinh doanh của Bộ Công thương, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đã thẳng thừng đề nghị cần sớm có cuộc đối thoại trực tiếp giữa Bộ Công thương và cộng đồng doanh nghiệp dưới sự chứng kiến trực tiếp của Văn phòng Chính phủ để làm rõ nhiều vấn đề còn tranh cãi, trước mắt là trong 4 lĩnh vực kinh doanh ôtô, khí ga, dệt may và phân bón. 

Đề xuất tiếp tục bỏ điều kiện kinh doanh, chuyển sang quy chuẩn

Báo cáo tổng hợp rà soát dày hơn 200 trang của VCCI đối với các dự thảo nghị định về điều kiện kinh doanh đã đưa ra góp ý đề xuất đối với trên 311 điều kiện kinh doanh tại 49 dự thảo Nghị định của các Bộ ngành đã được Bộ Tư pháp thẩm định. Theo ông Lộc, báo cáo này đã tổng hợp khá đầy đủ trên cơ sở các đề xuất góp ý chi tiết từ cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia luật tại các cuộc họp rà soát lấy ý kiến liên tục gần đây.

Tại buổi rà soát có thể coi là lần sàng lọc cuối trước khi trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành này, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc vẫn điểm thêm 75 điều kiện kinh doanh không cần thiết đưa vào nghị định để kiến nghị loại bỏ, đồng thời kiến nghị sửa đổi 127 điều kiện kinh doanh không phù hợp trên cơ sở tập hợp, rà soát từ đề xuất góp ý của cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia luật.

Trước tình trạng này, ông Lộc thẳng thắn đề nghị, không phải cứ Chính phủ ký ban hành xong là coi như đã hoàn thiện mà vẫn cần tiếp tục rà soát để chắt lọc lại được những quy định hợp lý theo đúng tinh thần chủ trương cởi trói của Chính phủ.

“Những gì còn băn khoăn giữa tiền kiểm và hậu kiểm thì nên chuyển hết sang hậu kiểm, những gì cân nhắc giữa điều kiện kinh doanh và tiêu chuẩn kỹ thuật thì chuyển sang tiêu chuẩn kỹ thuật. Đối với quy định về quy chuẩn, quy phạm, Nhà nước cũng chỉ nên quy định ít thôi, còn nên để các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp tự công bố theo tinh thần xã hội và thị trường quy định”, ông Lộc mạnh mẽ nêu quan điểm. Không dừng lại ở đó, ông Lộc cũng đề xuất với tinh thần không quá cầu toàn khi ban hành các nghị định vào 1/7, song trong vòng 6 tháng tới vẫn cần tiếp tục rà soát để đầu năm 2017 có thể hoàn thiện ban hành được một bộ Nghị định hướng dẫn căn bản đáp ứng được kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp và phù hợp với thông lệ quốc tế, thực sự có những đột phá về tinh thần cởi trói cho sản xuất kinh doanh.     

Loại bỏ cơ chế độc quyền kinh doanh

Rà soát lại toàn bộ “ma trận” điều kiện kinh doanh ảnh 1

Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng 

Chủ trương của Chính phủ là loại bỏ cơ chế độc quyền kinh doanh, các doanh nghiệp được quyền kinh doanh tất cả những gì pháp luật không cấm, cần hạn chế tối đa việc chỉ định, bỏ giấy phép kinh doanh, tạo ra giấy phép là tạo ra cơ chế xin cho, do đó cần giảm dần và loại bỏ các điều kiện, kể cả cơ chế độc quyền kinh doanh, bóp nghẹt hạn chế doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp tư nhân khởi nghiệp cũng cần loại bỏ.

Thay vì tiền kiểm nên tập trung sang hậu kiểm

Rà soát lại toàn bộ “ma trận” điều kiện kinh doanh ảnh 2

 Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung

Cần tiếp tục rà soát cả 267 ngành nghề có điều kiện kinh doanh đã quy định trong Luật Đầu tư để có thể tiếp tục loại bỏ những ngành nghề khỏi danh mục ngành nghề phải có điều kiện kinh doanh. Nên bỏ các điều kiện kinh doanh không có căn cứ khoa học và thực tiễn, không có mục đích quản lý nhà nước rõ ràng theo kiểu cứ nhìn thấy cái gì cũng quy định. Bối cảnh hiện nay đã thay đổi buộc các bộ ngành cũng phải thay đổi tư duy và phương thức quản lý, chuyển từ quản lý đầu vào sang quản lý chặt đầu ra sản phẩm, thay vì tiền kiểm nên tập trung sang hậu kiểm để giảm can thiệp đầu vào sản xuất - kinh doanh, làm hạn chế, thui chột sự sáng tạo và khuyến khích phong trào khởi nghiệp mà chúng ta đang phát động.
Tin bài liên quan