Dự án phóng vệ tinh Vinasat 2 của VNPT, tổng vốn 5.462 tỷ đồng, từ năm 2012 đến 2016 lỗ hơn 1.200 tỷ đồng

Dự án phóng vệ tinh Vinasat 2 của VNPT, tổng vốn 5.462 tỷ đồng, từ năm 2012 đến 2016 lỗ hơn 1.200 tỷ đồng

Rà soát doanh nghiệp nhà nước, chóng mặt số tiền đầu tư không hiệu quả

(ĐTCK) Trong khi 12 dự án thua lỗ ngành Công thương vẫn đang loay hoay tìm cách khắc phục hậu quả, thì mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố tiếp danh sách 72 dự án có vốn đầu tư nhà nước đứng trước nguy cơ thua lỗ.

42.744 tỷ đồng đầu tư không hiệu quả

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 8/2017, có 43 dự án của các doanh nghiệp thuộc các bộ, 21 dự án thuộc các địa phương, 8 dự án thuộc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, với tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng khoảng 42.744 tỷ đồng, có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả.

Cụ thể, trong số 8 dự án thuộc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, có 2 dự án có tổng mức đầu tư phải điều chỉnh tăng so với mức đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; 6 dự án dừng hoạt động, hoặc đầu tư dở dang, chưa đưa vào hoạt động sản xuất, kinh doanh theo đúng kế hoạch đầu tư.

Trong đó, số dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả tại Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tổng công ty Giấy Việt Nam có giá trị lớn nhất, tập trung chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng, mở rộng, nâng cấp công suất nhà máy…, điển hình như dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam có vốn đầu tư 1.487 tỷ đồng, sau đó tăng 2,2 lần và hiện đã dừng hoạt động; dự án Bột giấy Thanh Hóa gần 1.700 tỷ đồng đang đắp chiếu; dự án phóng vệ tinh Vinasat 2 của VNPT, tổng vốn 5.462 tỷ đồng, từ năm 2012 đến 2016 lỗ hơn 1.200 tỷ đồng…

Trong số 43 dự án thuộc các bộ, ngành và 21 dự án thuộc địa phương có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả, có 8 dự án phải điều chỉnh số tiền đầu tư lên tới 15.464 tỷ đồng, chiếm 36% tổng mức đầu tư; 18 dự án đầu tư dở dang, tạm ngừng hoạt động, tập trung chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản và nông nghiệp, với mức đầu tư được phê duyệt sau cùng gần 3.700 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, có 21 dự án đầu tư thuộc các nhóm này đã đi vào hoạt động, nhưng không đảm bảo công suất thiết kế, không bù đắp được chi phí vận hành; chi phí sản xuất thực tế cao hơn chi phí sản xuất theo tính toán khi thiết kế dự án tại báo cáo nghiên cứu khả thi; thời gian lỗ thực tế kéo dài hơn thời gian lỗ kế hoạch…

Đứng đầu danh mục các cơ quan chủ quản có dự án thiếu hiệu quả là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với  27 dự án, trong đó phải kể đến Tổng công ty Lương thực miền Nam (11 dự án), Tổng công ty Cà phê (13 dự án), Công ty TNHH MTV Thuỷ sản Hạ Long (3 dự án)…, với mức đầu tư được phê duyệt sau cùng là 909,76 tỷ đồng, tập trung tại các nhóm dự án đã tạm dừng hoạt động (13 dự án), nhóm dự án đang sản xuất, vận hành nhưng thua lỗ (8 dự án).

Bộ Giao thông vận tải có 2 đơn vị có các dự án có dấu hiệu  đầu tư không hiệu quả là Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (SBIC) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Ngoài ra, nhiều dự án bất động sản của các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng quản lý nằm trong tình trạng tạm dừng, dở dang chưa hoàn thiện đầu tư…

… Và còn lớn hơn nhiều

Theo Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do thời gian đầu tư kéo dài nhiều năm, khiến phải tăng tổng mức đầu tư; dự án đi vào hoạt động, nhưng không đảm bảo công suất thiết kế, thua lỗ kéo dài.

Cùng với đó, công tác lập dự án còn nhiều yếu kém, trong khi năng lực và trách nhiệm quản lý dự án của các chủ đầu tư cũng rất hạn chế ở hầu hết công đoạn, từ việc lập, thẩm định, đến phê duyệt dự án đầu tư…

“Đáng chú ý, con số đầu tư không hiệu quả không chỉ dừng ở 42.744 tỷ đồng, mà còn có thể lớn hơn nhiều, bởi mới chỉ có 250 doanh nghiệp thuộc 12 bộ ngành, 37 địa phương, 2 tập đoàn kinh tế, 9 tổng công ty nhà nước gửi báo cáo, trong khi có tới 800 doanh nghiệp nằm trong diện phải thực hiện rà soát”, đại diện cơ quan này cho hay.

Đưa ra giải pháp đối với một số nhóm ngành cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất thực hiện việc thoái vốn, hoặc chuyển nhượng phần vốn góp tại các dự án đầu tư bất động sản theo nguyên tắc thị trường và bảo đảm không thất thoát vốn đầu tư đối với nhóm dự án đầu tư thuộc lĩnh vực xây dựng bất động sản.

Đối với nhóm dự án đầu tư thuộc lĩnh vực cơ sở hạ tầng (cảng biển, khu công nghiệp…), nghiên cứu tìm kiếm nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước để hình thành các doanh nghiệp dự án thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng. Trong trường hợp không có nhà đầu tư quan tâm thì thực hiện quyết toán dự án và chuyển giao cho các đơn vị đủ năng lực thực hiện.

Đối với nhóm dự án đầu tư thuộc lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, nghiên cứu chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo hình thức liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm..., nghiên cứu việc chuyển giao các dự án theo quy định hiện hành của Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Tin bài liên quan