Quy định chồng chéo giữa Luật Khoáng sản và Luật Bảo vệ môi trường khiến các doanh nghiệp mỏ chịu khổ vì vài chục cuộc thành tra/năm

Quy định chồng chéo giữa Luật Khoáng sản và Luật Bảo vệ môi trường khiến các doanh nghiệp mỏ chịu khổ vì vài chục cuộc thành tra/năm

Rà soát 37 luật, sẽ đề xuất loại bỏ thêm hàng chục giấy phép con

(ĐTCK) Việc rà soát 37 văn bản luật đang có hiệu lực cho thấy, có hơn 150 điểm chưa phù hợp, lạc hậu, thiếu tương thích với đời sống kinh tế hiện tại.

Nhiều con số đáng ngại mà Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra tại Hội thảo về đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh vừa diễn ra đã cho thấy tình trạng chồng chéo, vướng mắc của các văn bản pháp luật hiện hành liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh, đang gây rất nhiều khó khăn và rào cản đối với hoạt động của các DN.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, với một nhóm chuyên gia hẹp thực hiện rà soát 37 văn bản luật đang có hiệu lực, chỉ trong một thời gian rất ngắn đã phát hiện trên 150 điểm chưa phù hợp, lạc hậu, thiếu tương thích với đời sống kinh tế hiện tại. Đặc biệt, có luật còn tới 12 điều khoản không hợp lý, chồng chéo với văn bản pháp luật khác.

"Hiện nay, chỉ có luật Việt Nam quy định khai thác mỏ phải có giám đốc điều hành mỏ, quy định vậy nhưng lại không quy định rõ quyền và trách nhiệm cụ thể"

- Ông Lê Ái Thụ, Chủ tịch Hội kinh tế (Tổng hội Địa chất Việt Nam).

Cũng theo ông Tuấn, đáng chú ý trong số 37 luật này, có những luật vừa mới được ban hành. Tình trạng khá phổ biến là các luật thiếu liên thông, thiếu tương thích, nhiều quy định chồng chéo, gây trở ngại cho người dân và DN. Các luật được VCCI điểm danh này phần lớn rơi vào luật liên quan trực tiếp đến hoạt động của DN như Luật Thương mại, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường…

Theo ông Lê Ái Thụ, Chủ tịch Hội kinh tế (Tổng hội Địa chất Việt Nam), khi thực thi luật, yêu cầu về tính đồng bộ, ổn định và khả thi,… còn nhiều vấn đề tồn tại. Bên cạnh đó, tính cát cứ, cục bộ của các cơ quan soạn thảo, xây dựng văn bản luật là rất lớn, thể hiện tư duy bảo vệ lợi ích cục bộ của ngành.

Ông Thụ nêu ví dụ cụ thể là Luật Khoáng sản tuy đã ban hành từ năm 2010, song đến nay có một số điều khoản không thể triển khai bởi những quy định này không thực tế, trái với luật khác và không khả thi.

“Hiện nay, chỉ có luật Việt Nam quy định khai thác mỏ phải có giám đốc điều hành mỏ, quy định vậy nhưng lại không quy định rõ quyền và trách nhiệm cụ thể”, ông Thụ nêu ví dụ và cho rằng: “Quy định này là thiếu thực tế, bởi khi xảy ra sự cố, có tai nạn chết người trong hoạt động khai thác thì giám đốc DN là người bị phạt và phải chịu trách nhiệm, không phải giám đốc mỏ”.

Không chỉ có vậy, theo ông Thụ, Luật Khoáng sản và luật Bảo vệ môi trường có những quy định chồng chéo khiến các DN khổ vì một năm có đến vài chục cuộc thanh tra. Chỉ cùng một nội dung mà hai luật và các nghị định hướng dẫn luật đều quy định tới vài ba cơ quan thanh kiểm tra.

Hay như các quy định về thuế và phí, lệ phí tại Luật Thuế Tài nguyên theo mô tả của vị Chủ tịch Tổng hội Địa chất là tăng theo tốc độ “ngựa bay” khiến DN không thể kịp điều chỉnh  kế hoạch sản xuất kinh doanh.

Liên quan tới câu chuyện đăng ký kinh doanh, bà Đinh Thị Kim Anh, đại diện Ngân hàng SHB cho rằng quy định thì đơn giản song thực tế lại quá rối rắm và phức tạp. Theo đó, Luật Đầu tư 2014 đã quy định DN được tự do kinh doanh ngành nghề không bị cấm, DN tự áp mã khi đăng ký kinh doanh. Song khi nộp hồ sơ lên Sở KH&ĐT tại địa phương thì bị từ chối vì áp mã… không phù hợp!

Bà Kim Anh kiến nghị, để đơn giản cho DN, nên để cơ quan nhà nước thực hiện việc áp mã, đồng thời nên xem lại quy định về khắc dấu, thời gian công bố mẫu dấu trên cổng thông tin điện tử để giảm bớt thời gian và tránh để xảy ra hiện tượng nghị định hướng dẫn thi hành luật tiếp tục đẻ thêm giấy phép con.

Tiếp nhận những kiến nghị về khó khăn vướng mắc từ phản ánh và khảo sát tình hình thực tế hoạt động của DN và các nhà đầu tư, tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông khẳng định Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận để nghiên cứu và sớm có đề xuất chính thức về việc sửa đổi.

Còn theo VCCI, từ việc rà soát 37 luật hiện hành sẽ đề xuất bỏ gần 30 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đồng thời đề nghị sửa, bổ sung hợp nhất khoảng 18 ngành nghề có điều kiện khác.

“Đợt rà soát các điều kiện kinh doanh nâng từ Thông tư lên Nghị định vừa rồi đã loại bỏ được rất nhiều các điều kiện kinh doanh không cần thiết, không hợp lý, không minh bạch. Nhưng ngay trong các luật hiện hành cũng có rất nhiều các điều kiện kinh doanh chất lượng kém và cần tiếp tục được loại bỏ/sửa đổi”, ông Đậu Anh Tuấn cho biết và đưa thêm nhiều ví dụ.

“Luật Điện ảnh đòi hỏi DN phát hành phim phải có rạp chiếu phim; Luật Viễn thông yêu cầu DN phải có khả năng tài chính, tổ chức bộ máy và nhân lực phù hợp, có phương án kỹ thuật, phương án kinh doanh khả thi; Luật giá quy định thẩm định viên về giá phải có phẩm chất đạo đức, liêm khiết, trung thực...”.        

Tin bài liên quan