Cao tốc TP.HCM - Trung Lương đưa vào khai thác từ năm 2010, hiện do Công ty Yên Khánh thu phí

Cao tốc TP.HCM - Trung Lương đưa vào khai thác từ năm 2010, hiện do Công ty Yên Khánh thu phí

Quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương: “Con tin” của Yên Khánh

Việc truy thu hơn 900 tỷ đồng tiền bán quyền thu phí sử dụng đường bộ Đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương sau 16 tháng chuyển giao vẫn đang bế tắc.

Theo thông tin của Báo Đầu tư, Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh (đơn vị giành được quyền thu phí tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương trong thời gian 5 năm, bắt đầu từ tháng 1/2014), vừa đồng ý thanh toán thêm 500 tỷ đồng với thời hạn chậm nhất đầu tháng 7/2015.

Trong văn bản gửi Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) cuối tuần trước, bà Vũ Thị Hoan, Tổng giám đốc Yên Khánh cho biết, nhà đầu tư này đã phải “chấp nhận thiệt thòi” vì mục tiêu gắn bó lâu dài với ngành GTVT.

Được biết, động thái thực hiện nghĩa vụ thanh toán chỉ được Yên Khánh “rục rịch” sau khi Bộ GTVT tổ chức cuộc họp khẩn với sự tham dự của Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (CIMP Cửu Long), đơn vị được giao tổ chức bán quyền thu phí và Yên Khánh để làm rõ lý do của việc Hợp đồng số 4746/CIMP - HĐ ngày 30/12/2013 không được tôn trọng.

Tại cuộc họp được tổ chức vào ngày 18/6, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã  yêu cầu các bên thực hiện nghiêm túc các điều khoản hợp đồng đã được ký kết.

Trong trường hợp thực hiện đúng cam kết nói trên, nhà đầu tư vẫn còn nợ Nhà nước khoảng 402,5 tỷ đồng tiền mua quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Nếu tính cả số tiền phạt do chậm thanh toán 700 ngày được quy định tại khoản a Điều 13 của Hợp đồng số 4746/CIMP - HĐ ngày 30/12/2013, Yên Khánh vẫn còn nợ khoảng 537 tỷ đồng. Điều đáng nói là Yên Khánh không có bất cứ tín hiệu nào cho thấy họ sẽ trả khoản tiền phạt chậm thanh toán được CIPM Cửu Long áp theo mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố.

Trái với quan điểm của Yên Khánh, CIPM Cửu Long cho rằng, theo khoản 3, Điều 5 của Hợp đồng mua bán quyền thu phí, thời hạn thanh toán đợt cuối cùng phải được hoàn thành trong tháng 11/2014. Bà Dương Thị Trâm Anh, Phó tổng giám đốc CIMP Cửu Long cho biết, đại diện bên bán đã có không dưới 10 văn bản thúc nợ, nhưng Yên Khánh mới chỉ thanh toán được 1.101/2.001,153 tỷ đồng (đạt 54%).

Trong khi đó, theo khoản 1a, Điều 14 của Hợp đồng thì sau khi hợp đồng có hiệu lực (6/1/2014), nếu bên B (Yên Khánh) thanh toán chậm quá thời hạn 30 ngày mà không có lý do chính đáng, thì bên A sẽ thông báo chấm dứt hợp đồng. Đối với trường hợp này, bên B phải dừng thu phí và bàn giao lại cho bên A các trạm thu phí, lao động, trang thiết bị của các trạm. Bên A sẽ hoàn trả lại tiền của các đợt thanh toán trước (nếu có) và không tính lãi phát sinh.

“Do vậy, CIPM Cửu Long kiến nghị Bộ GTVT xem xét quyết định chấm dứt hợp đồng và tịch thu bảo lãnh thực hiện hợp đồng”, đại diện CIMP Cửu Long đề xuất.

Trước đó, tại văn bản gửi Bộ GTVT vào cuối năm 2014, Yên Khánh lý giải cho việc chậm trễ trong quá trình thanh toán cho việc mua quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương là do việc thu phí gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại khách quan, làm giảm sút nghiêm trọng lưu lượng xe, kéo theo doanh thu không đạt như mong đợi.

Nhà đầu tư này nêu ra tới 7 lý do ảnh hưởng tới hoạt động thu phí theo hợp đồng đã ký kết gồm: ảnh hưởng từ việc thi công hệ thống kiểm soát giao thông thông minh; các yếu tố vĩ mô; ảnh hưởng của việc kiểm soát tải trọng xe; quá tải, ùn tắc giao thông tại các tuyến đường dẫn; địa phương thu thuế không đúng; việc làm mới, mở rộng các tuyến đường song song; gia tăng lượng xe sử dụng vé miễn phí toàn quốc; công tác hỗ trợ hoạt động của đường cao tốc chưa đạt yêu cầu.

Trong số các yếu tố bất lợi nói trên, nặng nhất là ảnh hưởng của các yếu tố vĩ mô gây sụt giảm doanh thu thu phí (287,6 tỷ đồng) và Cục Thuế tỉnh Long An yêu cầu kê khai nộp thuế VAT trong hoạt động thu phí (200 tỷ đồng) không được xử lý dứt điểm đã gây rất nhiều bất lợi cho hoạt động của Yên Khánh.

Công ty Yên Khánh cũng cho biết là sẽ chỉ thanh toán các khoản tiền còn lại sau khi những vướng mắc được các cơ quan tháo gỡ triệt để, đảm bảo quyền lợi chính đáng của họ theo hợp đồng đã ký.

Theo một chuyên gia giao thông, những vướng mắc của Yên Khánh là có thật, nhưng việc đặt điều kiện như vậy vô hình trung biến “quyền thu phí” tuyến cao tốc huyết mạch về miền Tây này thành “con tin”, trong khi dòng tiền thu phí tuyến cao tốc huyết mạch từ miền Tây về TP.HCM mỗi ngày vẫn đều đặn chảy về tài khoản của nhà đầu tư.

Tin bài liên quan