Ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam

Ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam

Quảng Nam đang tiếp tục đẩy mạnh chương trình hành động “Chính quyền phục vụ”

Để tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch và hiệu quả hơn nữa, Quảng Nam đang tiếp tục đẩy mạnh chương trình hành động “Chính quyền phục vụ”, nhằm nâng tầm và tạo hình ảnh một địa phương thân thiện với nhà đầu tư, người dân cả nước và bạn bè quốc tế. Chương trình hành động đã được ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư.     

Với 126 dự án FDI đang hoạt động, tổng vốn đăng ký gần 5,5 tỷ USD, số lượng doanh nghiệp từ khoảng hơn 100 doanh nghiệp khi mới tái lập tỉnh, đến nay đã tăng trên 5.300, so với vùng Duyên hải miền Trung, tỉnh Quảng Nam ở trong top dẫn đầu. Để có thành quả này, Quảng Nam đã có những chính sách gì, thưa ông?

Trong những năm đầu tái lập tỉnh (1997), Quảng Nam gặp rất nhiều khó khăn, số lượng doanh nghiệp quá ít, vốn kinh doanh nhỏ bé, hiệu quả thấp, năng lực cạnh tranh kém.

Qua nhiều năm thực hiện khuyến khích đầu tư, nhất là từ khi Nghị quyết 09/NQ-TU của Tỉnh ủy về cải thiện môi trường đầu tư ra đời, các cơ chế liên quan đến cải thiện môi trường đầu tư được rà soát, điều chỉnh và bổ sung kịp thời; các chủ trương của tỉnh về cải thiện môi trường đầu tư đã được thiết lập; nhiều cơ chế khuyến khích đầu tư được ban hành, đặc biệt là các cơ chế khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, quy chế ưu đãi đầu tư về các ngành giày da, may mặc và mây tre lá trên địa bàn tỉnh... Do đó, kinh tế của Quảng Nam đã thay đổi về chất.

Bên cạnh đó, Quảng Nam thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách của Chính phủ về miễn, giảm, gia hạn nộp thuế, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp.

Ngoài ra, tỉnh còn chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và cải cách hành chính để cải thiện môi trường đầu tư, từ đó đã tạo thuận lợi cho nhà đầu tư yên tâm phát triển sản xuất. Kết quả này là quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. 

Những thành quả đã cho thấy nỗ lực của Quảng Nam thời gian qua, nhưng không dễ duy trì nhịp độ tăng trưởng. Để vượt qua thách thức, tiếp tục bứt phá thời gian tới, tỉnh có định hướng gì?

Cơ hội của Quảng Nam tương đồng với cơ hội của cả Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, vì có cùng tiềm năng phát triển trong các lĩnh vực như du lịch, dịch vụ hàng hải, kinh tế biển, phát triển công nghiệp, phát triển khu kinh tế... Chúng tôi nhìn nhận, đây cũng là thách thức đối với tỉnh, bởi phải cạnh tranh với các địa phương có tiềm năng tương đương, mức độ phát triển tương đương trong Vùng.

Hiện đa phần doanh nghiệp của Quảng Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hoạt động trong lĩnh vực có hàm lượng công nghệ thấp, thiếu tính liên kết. Vì vậy, tỉnh xác định giai đoạn tới là phát triển kinh tế với năng lực cạnh tranh cao là trọng tâm, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển nhanh dịch vụ, công nghiệp, chú trọng phát triển nông nghiệp và nông thôn. Đồng thời, tập trung trọng tâm vào tái cơ cấu đầu tư công, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, liên kết đô thị và nông thôn.

Phát huy cao nhất nội lực, nhất là trong huy động và phân bổ sử dụng các nguồn lực; tạo điều kiện để phát triển mạnh lực lượng doanh nghiệp có sức cạnh tranh cao, đồng thời chủ động hội nhập sâu rộng để huy động các nguồn lực bên ngoài, tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy phát triển.

Được biết, một trong những ưu tiên của tỉnh giai đoạn tới là căn cứ vào Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến 2025, tầm nhìn đến 2035, tập trung phát triển 3 nhóm ngành công nghiệp: chế biến, chế tạo; điện tử và viễn thông; năng lượng mới và năng lượng tái tạo. Ông cho biết cụ thể hơn về các định hướng này?

Quảng Nam sẽ tiếp tục xây dựng cơ chế khuyến khích đầu tư thông thoáng, tiếp tục quảng bá Khu kinh tế mở Chu Lai là một trong những khu kinh tế trọng điểm để kêu gọi đầu tư.

Xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai theo mô hình khu kinh tế tổng hợp, sẵn sàng đón nhận làn sóng dịch chuyển đầu tư của các nước trong khu vực. Lấy công nghiệp cơ khí ô tô làm trung tâm, kết hợp với phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, điện tử, công nghiệp có kỹ thuật cao và công nghiệp khí, điện.

Đồng thời, phát triển các khu đô thị, các dịch vụ vận tải hàng hoá, hành khách, dịch vụ thương mại.

Đối với ngành chế biến, chế tạo. Đây là ngành công nghiệp có tỷ lệ hơn 80% trong giá trị sản xuất công nghiệp, tỉnh sẽ tập trung phát triển các nhóm ngành chủ lực có lợi thế như: sản xuất và lắp ráp ô tô; dệt may - da giày; chế biến nông - lâm - thủy sản, thực phẩm, thức uống; sản xuất linh kiện nhựa, hóa chất. Ưu tiên phát triển công nghiệp chế tạo và công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp chủ lực. Thu hút và phát triển các dự án công nghệ cao...

Tin bài liên quan