GS-TS Đoàn Xuân Tiên, Phó tổng kiểm toán Nhà nước

GS-TS Đoàn Xuân Tiên, Phó tổng kiểm toán Nhà nước

Phó tổng kiểm toán Nhà nước: Tập trung kiểm toán sử dụng hiệu quả tài nguyên

GS-TS Đoàn Xuân Tiên, Phó tổng kiểm toán Nhà nước cho biết, năm 2017 sẽ thực hiện kiểm toán khoảng 200 đầu mối. Với số lượng đầu mối kiểm toán rất lớn, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) sẽ dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu để kiểm toán nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm toán.

Kết quả kiểm toán từ đầu năm đến nay như thế nào, thưa ông?

Tổng hợp sơ bộ kết quả từ 97 báo cáo kiểm toán từ đầu năm đến nay, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 13.150,7 tỷ đồng, trong đó tăng thu hơn 2.719 tỷ đồng, giảm chi 2.306 tỷ đồng, xử lý tài chính khác 8.125,5 tỷ đồng.

Nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công của các bộ, ngành, địa phương và đơn vị được kiểm toán cũng đã được phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh kịp thời, qua đó, góp phần hoàn thiện cơ chế quản lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Bên cạnh đó, từ tháng 4/2016, chúng tôi đã tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2015 tại hầu hết các đơn vị được kiểm toán. Kết quả sơ bộ cho thấy, đến ngày 31/8/2016, các đơn vị được kiểm toán đã thực hiện 9.046 tỷ đồng trong tổng số 19.194 tỷ đồng mà KTNN đã kiến nghị xử lý, trong đó tăng thu, giảm chi 5.819 tỷ đồng.

Số kiến nghị kiểm toán chưa được thực hiện, chúng tôi tiếp tục đôn đốc, tổ chức kiểm tra trong những tháng còn lại của năm 2016 và đầu năm 2017.

Từ những kết quả đó, năm 2017, KTNN tập trung vào những nhiệm vụ nào?

Tập trung đánh giá việc thực hiện chủ trương, chính sách, chế độ, chương trình và dự án được triển khai để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII và Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 của Quốc hội. Trong đó, tập trung vào kiểm toán việc quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, khoáng sản và bảo vệ môi trường; chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất đô thị, khu kinh tế, đất tái định cư; đất nông, lâm trường.

Chúng tôi cũng đặc biệt quan tâm kiểm toán các hoạt động thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; quản lý, bảo đảm phát triển lành mạnh thị trường hàng hóa, dịch vụ trong nước; cải thiện và nâng cao năng lực tài chính; bình ổn giá xăng, dầu; sở hữu chéo; việc tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp xử lý nợ xấu và kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng, trong đó có đẩy mạnh xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường và nợ xấu đã được mua bởi Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Tổng số đầu mối được kiểm toán năm 2017 sẽ khoảng 200, đảm bảo đánh giá được việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội; công tác quản lý, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.

Với việc kiểm toán tới 200 đầu mối, nếu không có trọng tâm, trọng điểm, thì khó có thể bảo đảm chất lượng, thưa ông?

Kinh nghiệm của cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) các nước trên thế giới cho thấy, xác định trọng yếu và đánh giá rủi ro có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng và hiệu quả của công việc kiểm toán. Vì vậy, chúng tôi xác định việc tiếp cận phương pháp kiểm toán tiên tiến này là một trong những trọng tâm trong các hoạt động đổi mới phương pháp và cách thức tổ chức thực hiện kiểm toán.

Trong Chiến lược Phát triển KTNN giai đoạn 2013 - 2017, chúng tôi đã xây dựng riêng một chiến lược quan trọng (Chiến lược 7) với mục tiêu phát triển hoạt động kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu.

Hiện nay, chúng tôi đang tiến hành đổi mới phương pháp lập kế hoạch kiểm toán theo hướng tiếp cận phương pháp kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu nhằm xác định đúng trọng tâm, trọng điểm khi triển khai kiểm toán; xác định quy mô cuộc kiểm toán phù hợp với năng lực, rút ngắn thời gian và nhân lực. Vì vậy, dù thực hiện kiểm toán tới 200 đầu mối trong năm tới, song chất lượng kiểm toán sẽ vẫn bảo đảm.

Nhưng kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu vẫn còn khá mới mẻ đối với Việt Nam?

Phương pháp kiểm toán tiên tiến này còn rất mới mẻ với Việt Nam, nhưng là xu thế tất yếu của các cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới. Vì vậy, dù muốn hay không, KTNN vẫn phải triển khai, bởi việc áp dụng phương pháp kiểm toán này thể hiện đúng bản chất nghiệp vụ kiểm toán, đồng thời phù hợp với các chuẩn mực kiểm toán quốc tế.

Mặt khác, phương pháp này còn nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm toán thông qua việc tập trung nguồn lực vào những bộ phận, nội dung trọng yếu; đảm bảo cho việc đưa ra ý kiến xác nhận tính trung thực, hợp lý, có cơ sở khoa học trong đánh giá và xác nhận tính đúng đắn, trung thực của các thông tin tài chính công, tài sản công...

Cụ thể, kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu sẽ được tập trung vào lĩnh vực nào, thưa ông?

Kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trước mắt ưu tiên cho lĩnh vực kiểm toán báo cáo tài chính doanh nghiệp và báo cáo quyết toán dự án đầu tư để khắc phục những tồn tại trong việc đưa ra ý kiến xác nhận tính đúng đắn, trung thực trong kiểm toán báo cáo tài chính.

Chúng tôi sẽ tổ chức thí điểm một số cuộc kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu đối với các cuộc kiểm toán đơn giản trong lĩnh vực kiểm toán báo cáo tài chính doanh nghiệp, đúc rút kinh nghiệm để tiến tới áp dụng cho các cuộc kiểm toán báo cáo tài chính trong các lĩnh vực khác.

Tin bài liên quan