Để “chính thức hoá” hộ kinh doanh, điều quan trọng nhất là cần cho nhà đầu tư thấy được lợi ích về chi phí khi thành lập doanh nghiệp

Để “chính thức hoá” hộ kinh doanh, điều quan trọng nhất là cần cho nhà đầu tư thấy được lợi ích về chi phí khi thành lập doanh nghiệp

Phát triển kinh tế tư nhân: Trao “cờ” vào tay doanh nghiệp

(ĐTCK) Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân diễn ra mới đây, đề xuất giải pháp phát triển kinh tế tư nhân, trong đó có việc chính thức hóa các hộ kinh doanh cá thể, đại diện Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, nên dùng đòn bẩy kinh tế hơn là can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính.

Đánh giá về chính sách khuyến khích chuyển đổi từ hộ kinh doanh thành doanh nghiệp (DN) để giúp lực lượng DN tư nhân phát triển hơn, đại diện CIEM cho rằng, cần phải giải quyết “điểm nghẽn” chính sách, đó là đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục hành chính, giảm các loại lệ phí, thuế…

“Có nhiều điểm bất lợi khiến hộ kinh doanh cá thể không muốn trở thành DN, hay nói chung là tình trạng DN không muốn ‘lớn lên’, đó là: môi trường kinh doanh chưa thuận lợi, gánh nặng pháp lý và chi phí, nhiều nghĩa vụ thuế, thời gian và thủ tục nộp thuế kéo dài, chế độ kế toán phức tạp...”, ông Đinh Trọng Thắng, Trưởng Ban Chính sách đầu tư (CIEM) cho biết.

Theo đề xuất của ông Thắng, để “chính thức hoá” hộ kinh doanh, nên dùng đòn bẩy kinh tế hơn mệnh lệnh hành chính. Điều quan trọng nhất là cần cho nhà đầu tư thấy được lợi ích về chi phí khi thành lập DN.

Đã đến lúc Nhà nước mạnh dạn ưu tiên, hỗ trợ cho những DN tư nhân lớn vươn lên dẫn dắt thị trường và dần khẳng định vai trò chủ đạo trong nền kinh tế

- TS. Hà Quang Tuấn, Chủ tịch HĐQT CTCP Sữa Hà Nội

“Chính phủ cần rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật, nhất là thuế, điều kiện đầu tư kinh doanh, lao động nhằm bãi bỏ, sửa đổi các quy định cản trở kinh doanh, tạo gánh nặng pháp lý quá mức đối với DN nhỏ. Có như vậy mới có thể khuyến khích, thúc đẩy kinh doanh dưới hình thức DN…”, đại diện CIEM kiến nghị.

Nhận định về năng lực DN tư nhân hiện nay, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng, tuy lực lượng DN tư nhân đã lớn mạnh so với trước đây, song DN tư nhân Việt Nam vẫn tồn tại nhiều điểm yếu.

Theo phân tích của ông Tuyển, mặc dù hưởng lợi thế từ nguồn lao động dồi dào trong thời kỳ dân số “vàng” và khả năng học hỏi của lao động giỏi, nhưng tiềm lực công nghệ, tài chính, kinh nghiệm của DN còn non yếu và đặc biệt đáng lo là thói quen kinh doanh chộp giật, cơ hội, lợi dụng chính sách để “xin-cho”...

“Đây là tư tưởng kinh doanh mang nặng tâm lý của người sản xuất nhỏ, thiếu tư duy chiến lược và tầm nhìn dài hạn. Do đó, DN khó có thể phát triển và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu vốn đang trở thành xu thế chung của thời đại”, ông Tuyển nhìn nhận.

Cũng theo ông Tuyển, việc kinh doanh manh mún cũng không hoàn toàn do DN, bởi một phần là do sự thiếu ổn định của chính sách, khiến DN khó lường trước rủi ro để lên kế hoạch kinh doanh dài hạn. Mặt khác, mặc dù trên văn bản pháp luật không có sự phân biệt, nhưng thực tế, DN tư nhân bị phân biệt đối xử khi tiếp cận các yếu tố như vốn, đất đai...

Bởi vậy, để khuyến khích khu vực tư nhân phát triển lớn mạnh, Chính phủ với vai trò “bà đỡ” cần đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, đảm bảo minh bạch, cạnh tranh công bằng giữa các khu vực. Với DN tư nhân, để vươn lên phát triển, cần có chiến lược tái cơ cấu DN bài bản và dài hạn để nâng cao sức cạnh tranh, từ đó tăng dần thị phần trên thị trường.

Ở góc độ DN, TS. Hà Quang Tuấn, Chủ tịch HĐQT CTCP Sữa Hà Nội cho rằng, để thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân, cách tốt nhất là trao “cờ” cho chính DN, đáng trúng vào tâm lý “thương con xót của” của chủ sở hữu.

“Ai cũng biết, chủ DN tư nhân mang tiền của mình đi kinh doanh, nên bảo toàn vốn là điều sống còn đối với họ. Hơn nữa, vì là vốn của mình, nên họ có quyền định đoạt, sử dụng, quản lý, hưởng lợi hay chịu lỗ. Trong trường hợp này, ‘khuyến khích chủ sở hữu’ là quan trọng nhất”, ông Tuấn lý giải.

Theo ông Tuấn, điều này giải thích vì sao khi quyền sở hữu và quyền quản lý tách ra thì “khuyến khích chủ sở hữu” yếu đi. Theo đó, “khuyến khích chủ sở hữu” đối với các công ty TNHH, các công ty cổ phần yếu hơn so với các DN tư nhân và yếu nhất là các DN Nhà nước. Và thực tế cũng cho thấy, đa phần khu vực tư nhân làm ăn có hiệu quả hơn so với khu vực Nhà nước.

Xuất phát từ quan điểm trên, ông Tuấn nhấn mạnh, muốn phát triển kinh tế tư nhân thì Nhà nước cần tin tưởng và trao cho khu vực này nhiệm vụ “đầu tàu” của nền kinh tế.

“Đã đến lúc Nhà nước mạnh dạn ưu tiên, hỗ trợ cho những DN tư nhân lớn vươn lên dẫn dắt thị trường và dần khẳng định vai trò chủ đạo trong nền kinh tế. Đồng thời, phải tạo sự đồng thuận trong xã hội trong việc công nhận, bảo vệ, tôn vinh, cổ vũ cho ‘khuyến khích chủ sở hữu’ phát triển. Nói cách khác, cần tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, an toàn, thông thoáng và minh bạch để các doanh nhân yên tâm kinh doanh, phấn đấu làm giàu cho bản thân và đóng góp nhiều nhất cho xã hội”, ông Tuấn khuyến nghị. 

Tin bài liên quan