Bà Phạm Khánh Phong Lan, Ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội

Phát triển công nghiệp dược, giảm hàng tỷ USD nhập khẩu thuốc

Mỗi năm Việt Nam phải bỏ ra hàng tỷ USD để nhập khẩu thuốc chữa bệnh và nguyên liệu sản xuất thuốc bởi thuốc thành phẩm sản xuất trong nước mới đáp ứng khoảng 50% nhu cầu, trong đó 90% nguyên liệu để sản xuất thuốc phải nhập khẩu.

Chính vì vậy, Luật Dược sửa đổi dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua đặt vấn đề phát triển ngành công nghiệp dược và coi ngành này ngành kinh tế - kỹ thuật mũi nhọn.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, bà Lê Khánh Nhung cho rằng, Luật dược sửa đổi coi dược là ngành kinh tế mũi nhọn để tập trung phát triển trong thời gian tới là phù hợp với tình hình thực tiễn. Bởi chưa tính đến yếu tố khi phát triển ngành công nghiệp này sẽ tạo thêm được hàng chục ngàn công ăn việc làm, giúp chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp (người dân thay vì trông cây lương thực, cây công nghiệp sẽ chuyển qua trồng dược liệu), mà còn giảm đáng kể nguồn ngoại tệ hàng năm phải bỏ ra để nhập khẩu thuốc chữa bệnh và nguyên liệu bào chế thuốc.

“Chỉ tính mỗi việc chúng ta sản xuất được vaccine Rubella với giá thành 33.000 đồng/liều, mỗi năm đã tiết kiệm được khoảng 17.000 tỷ đồng nhập khẩu loại vaccine này vì giá nhập khẩu mỗi liều lên tới 200.000 đồng”, bà Nhung tính toán lợi ích khi phát triển công nghiệp dược.

TS. Dược học, Ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, bà Phạm Khánh Phong Lan đồng tình với việc phải coi dược thành một ngành kinh tế, kỹ thuật mũi nhọn để Nhà nước có các chính sách ưu tiên phát triển ngành công nghiệp liên quan trực tiếp tới bảo vệ sức khỏe của người dân.

“Chỉ tính mỗi việc chúng ta sản xuất được vaccine Rubella với giá thành 33.000 đồng/liều, mỗi năm đã tiết kiệm được khoảng 17.000 tỷ đồng nhập khẩu loại vaccine này vì giá nhập khẩu mỗi liều lên tới 200.000 đồng” - Đại biểu Lê Khánh Nhung.

Theo bà Lan, các chính sách phát triển công nghiệp dược phải được ban hành cụ thể cùng với việc xây dựng hàng rào kỹ thuật như nhiều quốc gia khác đang thực hiện để hạn chế thuốc nhập khẩu cùng loại. Đặc biệt cần hạn chế nhập khẩu thuốc chữa bệnh từ những doanh nghiệp đã từng vi phạm chất lượng, những lô hàng chỉ sản xuất một lần cho Việt Nam.

“Vấn đề ở đây phải tạo môi trường thuận lợi, công bẳng giúp doanh nghiệp trong nước cạnh tranh bằng chất lượng, giá cả. Chúng ta phải có lộ trình đẩy nhanh tiến trình hội nhập, hòa hợp về quy chế dược của Việt Nam với thế giới, nhất là khi chúng ta đã ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP”, bà Lan nhấn mạnh.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và  nhi đồng của Quốc hội bà Ngô Thị Minh mạnh dạn đề xuất, để khuyến khích phát triển công nghiệp dược phải quy định cụ thể về chính sách ưu tiên, khuyến khích sử dụng thuốc, dược phẩm được sản xuất trong nước. “Bởi đây là động lực quan trọng thúc đẩy ngành dược phát triển, phát huy lợi thế nguồn dược liệu phong phú của nước ta và góp phần mở rộng sản xuất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho một bộ phận người dân”, bà Minh kiến nghị.

Bà Minh đề xuất, Nhà nước phải có chính sách ưu tiên, ưu đãi đối với ngành công nghiệp dược như tăng ngân sách nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thuốc mới, chuyển giao công nghệ tiên tiến của các nước, đào tạo chuyên gia giỏi ở nước ngoài, ưu tiên vay vốn ưu đãi lãi suất thấp với các doanh nghiệp dược…

Luật dược hiện hành cũng đã có điều khoản quy định về chính sách phát triển công nghiệp dược, tuy nhiên, sau 10 năm triển khai, sản phẩm của ngành công nghiệp dược Việt Nam vẫn... chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu.

Theo giải thích của Bộ trưởng Bộ Y tế, bà Nguyễn Thị Kim Tiến là do chưa có chính sách kết hợp đầu tư ngân sách nhà nước với huy động các nguồn lực khác để phát triển, nuôi trồng và khai thác dược liệu; chưa có định hướng sản xuất dược liệu ở quy mô công nghiệp để tận dụng tối đa nguồn dược liệu sẵn có phục vụ cho sản xuất trong nước và xuất khẩu; đặc biệt là chưa có các ưu đãi đầu tư trong sản xuất và kinh doanh dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền.

Từ thực tế này, bà Tiến cho rằng, cần phải quy định một chương quy định cụ thể về chính sách phát triển công nghiệp dược và coi ngành này là công nghiệp mũi nhọn. Bà Tiến cho rằng, Việt Nam là quốc gia có cả khí hậu ôn đới lẫn nhiệt đới, chủng loại thực vật vô cùng phong phú, đa dạng, ông cha ta từ xa xưa đã có rất nhiều kinh nghiệm trong việc bào chế, sử dụng các loại thực vật để chữa bệnh (thuốc nam). Nói chung Việt Nam có rất nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển công nghiệp dược để giảm dần nhập khẩu thuốc chữa bệnh thành phẩm cũng như nguyên liệu sản xuất thuốc và tiến tới nhập khẩu.

Đồng tình với việc Luật dược sửa đổi cần dành một chương quy định cụ thể về chính sách phát triển công nghiệp dược, song Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lo lắng, nếu sử dụng các biện pháp bảo hộ nhằm phát triển công nghiệp dược thì người tiêu dùng sẽ phải mua thuốc với giá cao hơn giá nhập khẩu.

“Đồng ý là phải có chính sách ưu tiên phát triển công nghiệp dược nhưng không nên bảo hộ, không thể công nghiệp dược phát triển mà người dân phải mua thuốc đắt gấp 2-3 lần thuốc nhập khẩu”, ông Lưu nhấn mạnh.

Tin bài liên quan