Phân tích thách thức từng kết cấu của mục tiêu tăng trưởng 6,2% GDP 2015

Về kinh tế, mục tiêu năm 2015 có 6 chỉ tiêu chủ yếu (tăng trưởng GDP, tăng trưởng xuất khẩu, tỷ lệ nhập siêu, tỷ lệ bội chi ngân sách so với GDP, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP). Trong các chỉ tiêu này, tăng trưởng GDP được đặc biệt quan tâm. Tăng trưởng GDP theo mục tiêu năm 2015 được nhận diện dưới 4 góc độ.
Cần hướng đầu tư trực tiếp vào sản xuất, kinh doanh

Cần hướng đầu tư trực tiếp vào sản xuất, kinh doanh

Thứ nhất, tăng trưởng GDP theo mục tiêu năm 2015 cao nhất tính từ năm 2012, thể hiện trạng thái cao lên qua các năm (thoát đáy năm 2012, vượt dốc đi lên trong 2 năm 2013-2014 và tiến tới phục hồi vào năm 2015). Được gọi là “phục hồi” bởi đã vượt qua mốc 6%, gần trở về với tốc độ tăng năm 2011 và tốc độ tăng bình quân năm thời kỳ 2006-2010. Trạng thái này rất quan trọng, bởi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam không bị rơi vào mô hình tăng trưởng “xấu nhất” như cảnh báo cách đây mấy năm (mô hình chữ L - rơi xuống đáy rồi đi ngang, không biết đến bao giờ mới tăng cao trở lại).

Thứ hai, năm 2015 có vị trí rất quan trọng với nhiều mốc thời gian đáng chú ý. Là năm có nhiều ngày kỷ niệm đáng nhớ, là năm cuối của Kế hoạch 5 năm 2011- 2015, năm bản lề của thập kỷ và cũng là Chiến lược 10 năm 2011-2020, năm chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ XII tổng kết 30 năm đổi mới; xác định Kế hoạch 5 năm 2016-2020… Do vậy, việc đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng năm 2015 sẽ rất có ý nghĩa. Nếu năm 2015 đạt được như mục tiêu, thì tốc độ tăng GDP bình quân thời kỳ 2011-2015 sẽ đạt 5,82%.

Thứ ba, tăng trưởng GDP theo mục tiêu năm 2015 cao hơn năm 2014 và vững chắc hơn trong điều kiện tỷ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP đạt thấp hơn năm trước (30% so với 31%); bội chi ngân sách/GDP thấp hơn (5% so với 5,3%); kim ngạch xuất khẩu tăng thấp hơn (10% so với 13,6%), nhập siêu lớn so với xuất siêu (năm 2015 nhập siêu bằng 5% kim ngạch xuất khẩu hay 8,25 tỷ USD so với năm 2014 xuất siêu gần 2 tỷ USD); CPI tăng cao hơn (5% so với 1,84%). Theo đó, tính vững chắc hơn được thể hiện ở một số chỉ tiêu.

Với tốc độ tăng GDP đạt 6,2%, với tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP đạt 30% - tức là hệ số ICOR đạt 4,8 lần, thấp hơn hệ số ICOR của năm trước (5,2 lần). Điều đó có nghĩa là, hiệu quả đầu tư phải cao hơn - tốn ít vốn đầu tư hơn, nhưng tăng trưởng GDP cao hơn. Đây cũng là đòi hỏi của tư duy đổi mới mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, từ số lượng sang chất lượng.

Tăng trưởng GDP cao hơn, nhưng bội chi ngân sách thấp hơn cũng là biểu hiện của tính vững chắc của tăng trưởng. Năm 2014 xuất khẩu tăng cao hơn và xuất siêu có một phần quan trọng là do nhu cầu đầu tư, sản xuất, tiêu dùng còn yếu. Năm 2015, nhu cầu sản xuất và tiêu dùng cao hơn nên chuyển từ xuất siêu sang nhập siêu cũng có thể hiểu được.

CPI năm 2014 tăng rất thấp do nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố tổng cầu yếu và có một yếu tố ít được các chuyên gia đề cập đến là trong quản lý điều hành đã nghiêng về “kiềm chế lạm phát”, chứ chưa phải là “kiểm soát lạm phát” như mục tiêu đã đề ra cho năm đó. Sự khác nhau giữa “kiềm chế” và “kiểm soát” cả về “liều lượng” của các giải pháp, cả về “nhịp độ” điều hành. Năm 2015, trong mục tiêu tổng quát không đề cập lạm phát (được gộp chung vào mục tiêu “tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô”) và chỉ tiêu cụ thể chỉ ở mức 5% - tức là vẫn còn thấp hơn tốc độ tăng GDP.

Thứ tư và quan trọng nhất là làm thế nào để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6,2%? Vấn đề này được đặt ra ở cả đầu vào, ở cả đầu ra.

Ở đầu vào, bao gồm vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, lao động, tài nguyên thiên nhiên. Về vốn đầu tư, cần đẩy mạnh việc thu hút vốn, vừa nâng cao hiệu quả đầu tư. Việc thu hút có một số điểm đáng lưu ý đối với cả 3 nguồn. Trong nguồn thuộc kinh tế nhà nước, quan trọng nhất là cổ phần hóa theo kế hoạch đề ra và thoái vốn ngoài ngành. Đối với khu vực ngoài nhà nước, một mặt, cần hướng đầu tư trực tiếp vào sản xuất, kinh doanh; mặt khác, cần có giải pháp huy động một lượng vốn khổng lồ nằm tồn đọng dưới dạng vàng và USD đưa ra đầu tư tăng trưởng.

Theo cam kết mở cửa hội nhập đã qua và tới đây, một lượng vốn lớn sẽ “đổ” vào Việt Nam để đón đầu cơ hội. Vấn đề là, lựa chọn chất lượng. Quan trọng nhất là nâng cao hiệu quả đầu tư từ khâu quy hoạch, phân bổ vốn theo ngành, địa bàn, tránh dàn trải phân tán, đẩy nhanh thi công, hạn chế lãng phí, thất thoát, tăng cường sự phản biện, giám sát, thanh tra…

Về lao động, cả hai ưu thế số lượng đông và giá nhân công rẻ đều giảm dần. Tốc độ tăng số lao động đang làm việc có xu hướng giảm trong 2-3 năm nay (năm 2014 chỉ tăng 1,56%) do tỷ lệ sinh từ cách đây 15 năm đã chậm lại tương đối nhanh. Do vậy, nâng cao năng suất lao động là vấn đề quan trọng nhất, cả về năng suất lao động và tốc độ tăng.

Về tài nguyên thiên nhiên, tuy Việt Nam có nhiều loại, nhưng trữ lượng không lớn; một số loại khai thác khó hơn, xuất khẩu ít hơn, thậm chí đã phải nhập khẩu… Đó là chưa nói giá dầu vẫn tiếp tục giảm mạnh.

Ở đầu ra, bao gồm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tiêu thụ trong nước sẽ tăng lên khi tổng cầu tăng với tốc độ cao hơn, nhưng quan trọng là khu vực trong nước sẽ bị giảm thị phần. Xuất khẩu cần tiếp tục kết quả tích cực của các năm trước là vượt mục tiêu đề ra về kim ngạch; xuất siêu dù nhiều dù ít, thay cho nhập siêu lớn như kế hoạch.

Tin bài liên quan