Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam chưa có nhiều cải thiện như mong đợi của nhà đầu tư

Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam chưa có nhiều cải thiện như mong đợi của nhà đầu tư

PCI 2013, nhiều “lời trách” từ doanh nghiệp

(ĐTCK) Bên cạnh việc ghi nhận nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của chính quyền cấp tỉnh, thì Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2013 vừa được công bố cho thấy, cộng đồng DN vẫn còn nhiều điều chưa hài lòng về mức độ cải cách của các địa phương.

Kẻ khinh, người trọng

PCI 2013 được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố ngày 20/3. Đây là báo cáo thường niên lần thứ 9, được xây dựng trong khuôn khổ Dự án PCI, do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ. PCI 2013 được điều tra trên 8.093 DN dân doanh.

Một trong những thay đổi quan trọng nhất trong PCI 2013, theo GS.TS Edmund Malesky, Đại học Duke (Hoa Kỳ), Trưởng nhóm nghiên cứu PCI, là sự xuất hiện của chỉ số thành phần mới về Cạnh tranh bình đẳng. PCI 2013 đã sử dụng lại và cải tiến chỉ số thành phần này sau khi loại bỏ từ năm 2009.

“Năm 2009, nhóm nghiên cứu nhận thấy, DNNN do địa phương quản lý không còn vai trò chi phối trong môi trường kinh doanh cấp tỉnh. Lúc đó, chúng tôi cho rằng, diễn biến mới này báo hiệu sự chấm dứt tình trạng chính quyền địa phương ưu ái DNNN, nên không sử dụng chỉ số thành phần Cạnh tranh bình đẳng trong 3 năm liên tiếp từ 2010 - 2012”, ông Edmund Malesky nói, đồng thời giải thích lý do tái sử dụng chỉ số thành phần này trong PCI 2013: trên thực tế, ưu đãi của chính quyền địa phương đối với DNNN vẫn tiếp diễn, thậm chí còn ở mức độ lớn hơn, nhất là sự ưu ái dành cho chi nhánh, cơ sở của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đặt văn phòng hoạt động tại các tỉnh. Điều này thể hiện qua kết quả khảo sát các DN dân doanh trong năm 2013, có tới 31% DN cho biết, việc DNNN được ưu ái trong các lĩnh vực về: tiếp cận đất đai, tín dụng và mua sắm công là những trở ngại lớn cho hoạt động của họ.

Kết quả nghiên cứu PCI 2013 còn cho thấy, không chỉ chính quyền địa phương ưu ái DNNN, mà còn ưu ái hai loại hình DN khác. Thứ nhất là các DN tiền thân là DNNN và các DN thân hữu với chính quyền. 35% DN trong diện điều tra phàn nàn, DNNN cổ phần hóa và các DN “thân quen” với chính quyền địa phương nhận được sự ưu ái. Các địa phương dành sự “chăm sóc” nhiều hơn cho DNNN, theo cảm nhận của các DN trong diện điều tra là: Hà Tĩnh, Bắc Giang, Hưng Yên…

Thứ hai là chính quyền địa phương ưu ái để thu hút DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hơn là quan tâm tới DN dân doanh trong tỉnh. Những địa phương ưu ái DN FDI nhiều nhất, theo cảm nhận của các DN là: Tuyên Quang, Nam Định, Hà Nam, Hà Nội…

“Chỉ số mới về Cạnh tranh bình đẳng phản ánh sự ưu ái của chính quyền địa phương đối với 3 loại hình DN trên là minh chứng rõ nét cho sự phân biệt đối xử phổ biến của chính quyền cấp tỉnh đối với các DN. Sự phân biệt đối xử này có thể chèn lấn sự phát triển của khu vực DN dân doanh”, ông Edmund Malesky quan ngại.

“Minh bạch ở cấp độ thấp”

Đó là nhìn nhận của bà Sherry Boger, Tổng giám đốc Intel Việt Nam, đại diện Phòng Thương mại Hoa Kỳ, khi nói về nỗ lực cải thiện chỉ số minh bạch trong điều hành của chính quyền cấp tỉnh. Theo bà Sherry Boger, tính minh bạch được xem xét trên 3 cấp độ: chính quyền có thông tin khi DN yêu cầu; chính quyền có chủ động đánh giá nhu cầu thông tin của DN để cung cấp thông tin nhằm thỏa mãn nhu cầu của DN và cơ quan truyền thông; DN có được tạo điều kiện tham gia quá trình hoạch định chính sách, những góp ý của DN có được chính quyền phản hồi...?

“Với 3 cấp độ trên, thì nỗ lực minh bạch trong điều hành của chính quyền cấp tỉnh ở Việt Nam hiện ở cấp độ thấp”, bà Sherry Boger nói và cho rằng, đây là một trong những hạn chế khiến năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam chưa có những bước cải thiện như mong đợi của nhà đầu tư, nên kém hấp dẫn trong thu hút đầu tư so với các nước lân cận. Thực tế này cũng phần nào giải thích cho tình trạng số nhà đầu tư nước ngoài nghĩ đến phương án đầu tư tại các nước lân cận Việt Nam ngày càng nhiều.

Theo ông Edmund Malesky, tính minh bạch trong điều hành của chính quyền cấp tỉnh chậm được cải thiện đang “tạo đất” cho sự cạnh tranh không lành mạnh, bình đẳng giữa các DN. Các DN thân chính quyền, chấp nhận “bôi trơn”, thì nhận được nhiều ưu ái hơn về tiếp cận thông tin, tiếp cận đất đai, dự án…

Giải mã hoạt động chuyển giá của DN FDI

PCI 2013 còn khảo sát ý kiến của 1.609 DN FDI đến từ 49 quốc gia, vùng lãnh thổ đang hoạt động ở 13 tỉnh, thành phố tại Việt Nam. Kết quả khảo sát cho thấy, tâm lý kém lạc quan của khu vực DN này vẫn còn hiệu hữu.

Đặc biệt, kết quả khảo sát hé lộ những thông tin về hoạt động chuyển giá của DN FDI hoạt động tại Việt Nam. Theo đó, 20% DN FDI thú nhận thực hiện việc chuyển lợi nhuận nhằm giảm gánh nặng thuế. Trong đó, 65% DN có mức lợi nhuận trên 20% thừa nhận có chuyển giá. Đáng chú ý, ngay cả các DN thua lỗ ít cũng thừa nhận chuyển giá. Thực tế này phản ánh, nhiều khả năng các DN thực hiện chuyển giá để chủ động rơi vào diện kinh doanh thua lỗ nhằm tránh thuế thu nhập DN.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy xác suất tham gia hoạt động chuyển giá của các DN đến từ Hồng Kông từ 17 - 63%, DN đến từ Pháp: 44 - 80%, các nước thành viên OECD khác: 10 - 25%...

Từ thực tiễn nghiên cứu trên, ông Edmund Malesky cho rằng, nếu Việt Nam xem xét hạ thấp mức thuế thu nhập DN ngang bằng với mức thuế mà DN được hưởng tại nước xuất xứ, sẽ làm giảm đáng kể động cơ chuyển giá. Tuy nhiên, ngay cả khi mức thuế không có thay đổi lớn, nếu cơ quan quản lý có thể đảm bảo một lộ trình tăng thuế hợp lý trong tương lai, thì động cơ thực hiện chuyển giá của DN sẽ giảm bớt.

“PCI tạo động lực cải cách môi trường kinh doanh”

Ông Vũ Tiến Lộc Chủ tịch VCCI

PCI 2013 là năm thứ 9 đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Báo cáo là tập hợp tiếng nói của 8.093 DN dân doanh, đồng thời phản ánh cảm nhận của 1.609 DN FDI đang hoạt động tại Việt Nam, nên tạo ra động lực thúc đẩy cải cách môi trường kinh doanh tại các địa phương.

PCI 2013 có sự điều chỉnh các chỉ số thành phần, nhằm phản ánh sát hơn đòi hỏi của DN đối với chính quyền các địa phương trong cải thiện môi trường kinh doanh. Năm 2013 là một năm khó khăn, diễn biến này chứng tỏ, mỗi khi đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, thì Việt Nam lại vươn lên mạnh mẽ trong thực hiện các biện pháp cải cách. Cộng động DN kỳ vọng đà cải cách này sẽ tiếp diễn trong năm nay, để tạo ra môi trường kinh doanh hấp dẫn hơn.

Không chỉ PCI 2013, mà các báo cáo PCI những năm trước đây là cơ hội tốt để DN phản ánh cảm nhận của mình về môi trường kinh doanh tại các địa phương. Nhanh chóng và thực chất hơn nữa trong giải quyết các khó khăn mà DN gặp phải chính là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho các tỉnh, thành phố trong cả nước.

“Nhà đầu tư quan ngại về tham nhũng”

Ông David Shear Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam

PCI 2013 là năm đầu tiên được thực hiện độc lập bởi VCCI. Qua 9 kỳ, PCI đã mang lại hiệu ứng tích cực, bởi nó đóng vai trò rộng lớn trong thúc đẩy cải cách điều hành kinh tế tại Việt Nam, đặc biệt là trên khía cạnh tạo thuận lợi cho DN gia nhập thị trường. Lần đầu tiên, PCI 2013 phân tích những thành tố gốc của PCI qua 9 năm, nên giúp xác định những xu hướng và thách thức chủ yếu trong công cuộc cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh. Tuy thứ hạng của các địa phương có sự thay đổi qua hàng năm, nhưng nhìn chung, các tỉnh, thành phố trong cả nước đã có những bước tiến bộ trong nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Giá trị thực của PCI không nằm ở bản thân bảng xếp hạng, mà chính ở động lực mà bảng xếp hạng tạo ra cho những cuộc đối thoại công - tư thiết thực, để thúc đẩy cải cách và tạo ra sự thay đổi có ý nghĩa như: cải cách thủ tục đăng ký DN, cắt giảm giấy phép…

PCI 2013 thể hiện tâm lý kém lạc quan của các DN FDI hoạt động tại Việt Nam vẫn tồn tại. Chỉ có 28% DN FDI có ý định tăng quy mô kinh doanh trong vòng 2 năm tới. Tăng trưởng vốn và lao động của DN thấp hơn so với kỳ điều tra liền trước. Trong đánh giá của nhà đầu tư nước ngoài, môi trường đầu tư tại một số địa phương đã kém hấp dẫn hơn, do những điểm nghẽn về tham nhũng, hạ tầng chậm được xử lý.

Tin bài liên quan