Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Ông Nguyễn Đình Cung: Trọng tâm cải cách sẽ là thay đổi vai trò của nhà nước

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tin rằng, những thông điệp mới từ Đại hội XII của Đảng, đặc biệt là quan niệm rõ ràng, cụ thể hơn về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, sẽ thúc đẩy những hành động cải cách về thể chế ngay trong năm 2016.

Ông có nhắc đến quan niệm rõ ràng hơn, cụ thể hơn về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từ Văn kiện của Đại hội Đảng XII. Có thể hiểu điều này thế nào, thưa ông?

Nội hàm của khái niệm này đã được làm rõ hơn, đó là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường. Với định hướng này, có thể nhìn thấy những hành động cải cách thể chế trong những năm tới đây sẽ theo hướng thị trường nhiều hơn.

Đặc biệt, tôi cũng muốn nhắc tới các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Truyền thông vẫn nói đến những cơ hội sẽ đến, nhưng những cơ hội này chưa đủ để đưa Việt Nam tăng trưởng cao và bền vững hơn, để bắt kịp các nền kinh tế trong khu vực. Lý do là, nền kinh tế thị trường của Việt Nam vẫn còn méo mó, sai lệch, cấp độ nhà nước quá nhiều, bị chi phối bởi các quyết định nhà nước. Trong khi đó, bản chất của các hiệp định thương mại tự do là hướng tới hai yếu tố là thị trường hơn và tự do hơn. Nội hàm của nó là an toàn hơn, ít rủi ro hơn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Như vậy, điều kiện cần là chúng ta phải thay đổi, nếu không sẽ mất rất nhiều. Có thể nói, đây là thời điểm thuận lợi để Việt Nam thực hiện các quyết sách nhằm nâng cao mức độ thị trường của nền kinh tế.

Cụ thể hơn, các hành động cải cách để tăng mức độ thị trường của nền kinh tế là gì?

Cho đến thời điểm này, có thể nói, những cải cách thời gian vừa qua chủ yếu về phía thị trường, trong khi vai trò của nhà nước chưa thay đổi nhiều. Nếu nhà nước không thay đổi, thì thị trường sẽ không thể tiếp tục cải thiện được. Vì vậy, tới đây, trọng tâm của cải cách sẽ là thay đổi vai trò của nhà nước, cụ thể là thay đổi tư duy, phương thức, công cụ quản lý nhà nước; thay đổi cơ cấu tổ chức quản lý nhà nước, năng lực của nhà nước...

Đó cũng là cơ hội để thay đổi các nút thắt cơ bản của kinh tế thị trường ở Việt Nam.

Các nút thắt đó cụ thể là gì, thưa ông?

Nút thắt đầu tiên là sở hữu. Cơ chế thị trường ở Việt Nam chưa hoàn thành việc chuyển đổi từ sở hữu công sang sở hữu tư, nên có nhiều tài sản chưa được thừa nhận là tài sản, không có chủ sở hữu rõ ràng. Đây là lý do Việt Nam chưa có thị trường nhân tố sản xuất như thị trường vốn, thị trường lao động, đặt biệt là thị trường đất đai.

Vì vậy, thị trường chưa phải là nhân tố trong phân bổ nguồn lực. Khi thị trường không phân bổ nguồn lực có nghĩa là hành chính phân bổ nguồn lực, tức là có xin - cho, chia chác. Ai biết xin thì được, chứ không phải là người có khả năng sử dụng hiệu quả nguồn lực tiếp cận được. Đó là nút thắt lớn nhất trong nền kinh tế thị trường của Việt Nam.

Trong Văn kiện Đại hội cũng đã nhắc đến xây dựng thị trường quyền sử dụng đất, đặc biệt là đất nông nghiệp. Nghĩa là, sẽ có những thay đổi rất lớn trong nội dung này. Ngành nông nghiệp sẽ lột xác khi thể chế về tích tụ, tập trung quyền sử dụng đất được bảo đảm trên thị trường, thay vì hành chính như hiện nay.

Đây là cơ hội để thay đổi tổ chức sản xuất, phương thức sản xuất trong nông nghiệp, chấm dứt tình trạng ngành này đang phải dựa vào kinh tế hộ như hiện tại. Người nông dân nếu có thể chuyển đổi quyền sở hữu đất nông nghiệp sẽ có cơ hội tiến hành các khởi nghiệp khác, thay vì phải cố bám lấy dù không sử dụng.

Cùng với sự chuyển đổi này, nếu bỏ được chế độ hộ khẩu, thì cả nông thôn, nông dân sẽ thay đổi rất lớn.

Tương tự như vậy với các tài sản sở hữu toàn dân, nhà nước, phải thiết lập được thể chế thực thi được quyền mua bán. Vì sở hữu toàn dân là một khái niệm chính trị, không phải là khái niệm pháp lý có thể thực thi. Điểm cốt lõi là cải cách và thiết lập được các thị trường nhân tố sản xuất, mà Văn kiện Đại hội XII đã nhấn mạnh.

Các nút thắt khác là gì, thưa ông?

Nút thắt hai là chưa có thị trường cạnh tranh.

Đến nay, chúng ta đã làm được một việc là mở rộng tự do hơn, an toàn hơn trong gia nhập thị trường, nhưng chưa có thể chế bảo đảm cạnh tranh công bằng, bình đẳng. Vì vậy, rất có thể, cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp này, của người này lại bị người khác lấy mất mà không có cơ chế bảo vệ.

Giờ môi trường kinh doanh cần phải cải cách theo hướng khuyến khích người ta làm tốt hơn, chuyên nghiệp hơn, bài bản hơn, chiến lược hơn để nâng cao năng suất, hiệu quả, năng lực cạnh tranh.

Nút thắt khác là giải quyết tranh chấp. Tòa án chưa phải là nơi cung cấp dịch vụ pháp lý đáng tin cậy nhất, hiệu quả và hiệu lực, để trông cậy vào đó nhằm bảo vệ quyền tài sản của mình khi có tranh chấp.

Có thể hiểu rằng, trong năm 2016 sẽ có những thay đổi mạnh mẽ về thể chế?

Đại hội XII của Đảng đã thông qua Nghị quyết với những định hướng mạnh mẽ hơn so với trước. Tuy nhiên, để hành động được, vẫn phụ thuộc vào người đứng đầu.

Dẫu vậy, tôi vẫn cho rằng, không thể chờ bên trên thay đổi. Cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân phải đồng lòng, đồng sức đòi hỏi thay đổi. Đơn cử, không để dư địa cho những cỗ máy sản xuất thủ tục, tạo ra những rào cản cho kinh doanh mới.

Tin bài liên quan