Nuôi dưỡng doanh nghiệp nhỏ lớn mạnh sau khai sinh

Nuôi dưỡng doanh nghiệp nhỏ lớn mạnh sau khai sinh

(ĐTCK) DN nhỏ và vừa (DNNVV) đang có nhiều cơ hội thuận lợi để gia nhập thị trường với sự ra đời của Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, hơn bao giờ hết, khu vực này cũng đang cần một khung khổ pháp lý chính thức là bệ đỡ cho các chính sách tạo nguồn lực nuôi dưỡng để phát triển.   

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 10/2016, Việt Nam có 590.000 DN đang hoạt động và thực hiện các nghĩa vụ thuế trong tổng số 959.000 DN đã đăng ký kinh doanh. Có một thực tế là từ năm 2005 cho tới nay, khoảng cách giữa các DN đăng ký và DN thực sự đi vào hoạt động trong năm ngày một lớn.

Tính trung bình trong giai đoạn 2005 - 2013, tỷ lệ DN thực sự đi vào hoạt động, cũng như vẫn duy trì được hoạt động so với DN đăng ký chỉ đạt 45%. Cá biệt, có những năm tỷ lệ này rất thấp, chẳng hạn năm 2009 chỉ đạt 35,2%, hay năm 2012 đạt 32,7%.

Cục Phát triển DN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với giai đoạn 2005 - 2008 cho thấy sự cần thiết phải có các biện pháp nhằm nuôi dưỡng và hỗ trợ DN đã đăng ký đi vào hoạt động, duy trì được hoạt động một cách bền vững, từ đó có đóng góp thực sự cho nền kinh tế và xã hội. Việc nuôi dưỡng, phát triển DN sau khi khai sinh vì vậy đã trở thành một yêu cầu hết sức cấp thiết tại Việt Nam.

Nuôi dưỡng doanh nghiệp nhỏ lớn mạnh sau khai sinh ảnh 1

Theo đó, cùng với những đột phá của Luật Doanh nghiệp và những cải cách của Luật Đầu tư, các nỗ lực về cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ phát triển DN đang được Chính phủ tích cực thực hiện, Luật Hỗ trợ DNNVV ra đời sẽ có tác động tích cực tới mục tiêu đạt được 1 triệu DN đang thực sự hoạt động vào năm 2020.

Theo Cục Phát triển DN, sự khởi sắc, bứt phá của khu vực tư nhân sẽ mang lại những đóng góp to lớn và trở thành động lực vô cùng quan trọng cho tăng trưởng kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới. Số liệu phân tích cho thấy, với mục tiêu 1 triệu DN đi vào sản xuất kinh doanh và có thực hiện các nghĩa vụ về thuế vào năm 2020, sẽ có thêm 410.000 DN mới được thành lập và thực sự đi vào hoạt động trong vòng 4 năm tới.

Các DN mới thành lập sẽ hoạt động chủ yếu trong các ngành chế biến, chế tạo, dịch vụ, công nghiệp… và do vậy sẽ góp phần quan trọng cho việc chuyển đổi cơ cấu ngành, dịch chuyển lực lượng sản xuất sang các ngành và lĩnh vực có hiệu suất sử dụng vốn, lao động, đất đai cao hơn. Điều này sẽ đóng góp trực tiếp cho việc nâng cao năng suất của Việt Nam và hỗ trợ đắc lực cho quá trình chuyển đổi, tái cơ cấu nền kinh tế.

Bên cạnh đó, với 1 triệu DN được thành lập và duy trì hoạt động, Việt Nam sẽ hình thành hàng triệu chủ DN, nhà quản lý DN, nhà đầu tư vào các DN… Điều này hỗ trợ cho việc hình thành một tầng lớp trung lưu tại Việt Nam có mức chi tiêu và tiêu dùng cao hơn, từ đó góp phần trực tiếp cho việc mở rộng tiêu dùng, hỗ trợ phát triển kinh tế cũng như các mục tiêu về gắn kết xã hội.

Nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, không chỉ riêng Việt Nam, hiện nay, tại nhiều quốc gia, DNNVV đều chiếm tỷ lệ cao trong tổng số DN (từ 97 - 99%) và được xác định là “động lực tăng trưởng”, là “xương sống” của nền kinh tế. Các quốc gia đã phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Liên minh châu Âu (EU)… và các nước đang phát triển trong khu vực như Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ… đều coi trọng vai trò của khu vực DNNVV.

Do đó, công tác hỗ trợ DNNVV được xem như một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chính sách phát triển của các quốc gia và đã được các quốc gia này luật hóa từ nhiều thập kỷ trước, thông qua việc sớm ban hành các Đạo luật cơ bản về hỗ trợ DNNVV hoặc DN nhỏ nhằm thúc đẩy khu vực này phát triển và đổi mới sáng tạo, đóng góp ngày càng cao trong nền kinh tế.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, trong bối cảnh này, việc ban hành Luật DNNVV là một nhu cầu cấp thiết nhằm đáp ứng các yêu cầu đặt ra của thực tiễn và phù hợp với thông lệ quốc tế.

“Có thể khác nhau về tên gọi như Luật DNNVV, Luật DN nhỏ, hay khác nhau về hình thức văn bản (luật, sắc lệnh…), những luật về DNNVV có chất lượng tại các nền kinh tế có trình độ phát triển cao đều chung một số những đặc điểm như: có mục tiêu và triết lý rõ ràng, có biện pháp phát triển DNNVV phù hợp với các nguyên tắc thị trường, bình đẳng, công khai, đảm bảo tuân thủ các cam kết quốc tế và thống nhất với các luật khác trong hệ thống pháp luật. Luật Hỗ trợ DNNVV của Việt Nam cũng không là ngoại lệ”, ông Đông cho biết. 

Tin bài liên quan