Ảnh Internet

Ảnh Internet

Nông nghiệp công nghệ cao thu hút nhiều “đại gia”

(ĐTCK) Nông nghiệp công nghệ cao đang thu hút dòng vốn đầu tư của nhiều doanh nghiệp lớn trong nhiều ngành sản xuất khác nhau.

Ngoài hàng chục nghìn héc-ta mía, Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn (Lasuco) đã và đang triển khai trồng rau củ chất lượng cao trên diện tích 150 – 200 ha và sản xuất các loại giống cây ăn quả theo công nghệ sạch.

Theo ông Lê Văn Tam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Lasuco, việc ứng dụng công nghệ cao trong trồng mía giúp tăng năng suất từ 45 tấn/ha lên 70 tấn/ha, cá biệt một số mô hình đạt 120 - 130 tấn/ha; góp phần gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp. Các dự án trồng cây ăn trái, rau củ quả chất lượng cao của Công ty cũng đang được triển khai và cho hiệu quả tốt.

Hiện đã có gói tín dụng ưu đãi 50.000 tỷ đồng cho các đối tượng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, thực phẩm sạch giao cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì thực hiện.

- Phó thống đốc Đào Minh Tú.

Ông Tam cho biết, năm 2016, Lasuco đạt hơn 2.500 tỷ đồng doanh thu, trong đó doanh thu từ mía đường đạt 2.000 tỷ đồng, doanh thu từ các sản phẩm nông nghiệp cao khoảng 300 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt trên 120 tỷ đồng, tăng trưởng gần 20% so với cùng kỳ năm 2015.

Trong năm 2017, ông Tam chia sẻ, Lasuco sẽ mở rộng diện tích trồng mía ứng dụng công nghệ cao và đưa diện tích trồng rau củ sạch lên khoảng 1.000 - 2.000 ha, vùng trồng cây ăn quả chất lượng cao lên khoảng 10.000 ha, nhằm phục vụ ngành công nghiệp chế biến nước quả đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và mở rộng xuất khẩu.

Với những kế hoạch đầu tư đầy tham vọng này, Lasuco đặt mục tiêu doanh thu ở mức 2.800 tỷ đồng; trong đó, 2.500 tỷ đồng từ mía đường, trên 300 tỷ đồng là từ các sản phẩm khác chủ yếu đầu tư nông nghiệp công nghệ cao. Lợi nhuận trước thuế mục tiêu là 150 tỷ đồng, trong đó từ mía đường là 120 - 130 tỷ đồng.

Không riêng Lasuco, đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cũng đang thu hút nhiều doanh nghiệp lớn từ ngành sản xuất tưởng như ngoại đạo trong lĩnh vực nông nghiệp như Trường Hải, FPT và Geleximco. Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải mới đây một lần nữa tiếp tục khẳng định mục tiêu mở rộng đầu tư vào lĩnh vực này.

Theo ông Dương, hiện Trường Hải đã và đang hợp tác với Tập đoàn Lộc Trời (An Giang) lên kế hoạch xây dựng tổ hợp công nghiệp sau thu hoạch lúa tại miền Bắc với các công đoạn khép kín từ khâu trồng, thu hoạch chế biến cho tới vận chuyển, mục tiêu là tạo ra các mô hình tổ hợp nông nghiệp công nghiệp khép kín, bao gồm trồng và thu hoạch lúa hiện đại có năng suất cao, chất lượng tốt, chi phí thu hoạch và vận chuyển phù hợp. Trường Hải sẽ tiếp tục đầu tư vốn và áp dụng các thế mạnh của doanh nghiệp về quản trị để phát triển các mô hình này trở thành điển hình chuẩn trong sản xuất nông nghiệp.

Tiềm năng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là rất lớn, song theo Chủ tịch Lasuco Lê Văn Tam, rào cản lớn nhất đối với sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là thiếu vốn và hạn chế về chính sách đất đai, hạn điền khiến doanh nghiệp không có điều kiện đầu tư phát triển cánh đồng mẫu lớn. Đối với Lasuco, lợi thế lớn nhất của Công ty là có diện tích đất rộng, song hình thức canh tác vẫn rất manh mún do phụ thuộc vào các hộ nông dân khiến doanh nghiệp khó đầu tư áp dụng công nghệ cao để tăng năng suất.

Theo ông Tam, Nhà nước cần sớm triển khai chính sách tích tụ ruộng đất, dồn điền đổi thửa để hỗ trợ giải quyết những khó khăn này cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư phát triển.

Dưới góc nhìn của một nhà đầu tư công nghiệp, ông Trần Bá Dương cho rằng, điểm yếu lớn nhất của ngành nông nghiệp Việt Nam là khâu vận chuyển, bảo quản sau thu hoạch cũng như tính rủi ro cao, lợi nhuận thấp trong khi lại đòi hỏi vốn nhiều nếu đầu tư phát triển quy mô lớn.

Các nhà sản xuất công nghiệp với lợi thế có mô hình tổ chức công nghiệp và quản trị doanh nghiệp hiện đại cần áp dụng những lợi thế này vào phát triển nông nghiệp để xây dựng mô hình sản xuất hiện đại cho nông nghiệp, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng của ngành nông nghiệp.

Với đề xuất sáng kiến xây dựng Khu tổ hợp nông nghiệp công nghệ cao, gần đây, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần FPT kiêm Chủ tịch Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao (DAA) cũng đưa ra những đề xuất về cách làm mới nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, đồng thời phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi liên kết giá trị, doanh nghiệp hóa nông nghiệp, nông dân.

Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước:

Liên quan đến chính sách hỗ trợ vốn nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước xây dựng gói tín dụng hỗ trợ trị giá 60.000 tỷ đồng và triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Hiện đã có gói tín dụng ưu đãi 50.000 tỷ đồng cho các đối tượng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, thực phẩm sạch giao cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì thực hiện.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Liên Việt cũng có gói 10.000 tỷ đồng hỗ trợ các đối tượng này với chính sách ưu đãi về lãi suất như giảm 0,5 - 1% lãi suất cho vay các dự án này.

Ngoài thời hạn và điều kiện tín dụng cởi mở hơn. NHNN cũng đã có chỉ đạo những dự án nào thuộc đối tượng này sẽ được quan tâm đặc biệt trước hết để hỗ trợ nguồn vốn và lãi suất dài hạn ưu đãi theo chủ trương của Chính phủ.  

Tin bài liên quan