Cụ thể, chỉ số CPI tháng 6/2018 đã tăng tới 0,61% so với tháng trước, đưa tháng 6 trở thành tháng có CPI tăng cao nhất trong 7 năm qua. Trong số 10/11 nhóm hàng hóa có chỉ số giá tăng so với tháng trước, thì nhóm hàng dịch vụ, ăn uống và nhóm giao thông có mức tăng mạnh nhất.
“Mặc dù có đợt điều chỉnh giảm giá xăng dầu vào cuối tháng, nhưng do chịu ảnh hưởng của đợt tăng giá tháng trước, giá xăng dầu tháng 6/2018 tăng 2,38% làm tăng CPI chung 0,1%”, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết.
Các diễn biến này của chỉ số giá 6 tháng đầu năm đã phản ánh khá chính xác dự báo của các cơ quan trước đó về xu hướng tăng của lạm phát năm nay, trong đó chủ yếu là từ các yếu tố tăng giá thực phẩm và xăng dầu.
Theo ước tính của Tổng cục Thống kê CPI tháng 6 năm nay tăng 0,61% so với tháng trước, tăng 4,67% so cùng kỳ năm trước; tăng 2,22% so với tháng 12 năm trước, là mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây. CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2018 tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước.
Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê dự báo, áp lực tăng lạm phát trong nửa cuối năm 2018 là rất lớn và có nguy cơ vượt mục tiêu đặt ra nếu không có những biện pháp chủ động điều hành để giảm sức ép lạm phát đối với nền kinh tế.
Bà Ngọc phân tích, các yếu tố tác động đến CPI trong 6 tháng cuối năm 2018 chủ yếu sẽ gồm yếu tố điều hành và yếu tố thị trường. Trong đó, yếu tố điều hành bao gồm việc tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2018 ảnh hưởng đến khu vực sử dụng nhân công và tăng giá dịch vụ giáo dục vào tháng 9/2018.
Những yếu tố liên quan đến thị trường bao gồm giá thực phẩm, trong đó có giá thịt lợn có thể tiếp tục tăng cao khi nhu cầu tiêu dùng thực phẩm 6 tháng cuối năm mạnh hơn cũng là yếu tố tiềm ẩn tác động đến lạm phát.
Đặc biệt, theo bà Ngọc, giá xăng dầu là yếu tố khó dự báo, tiềm ẩn rủi ro cao khiến lạm phát tăng mạnh trong 6 tháng cuối năm. Những ngày gần đây, giá xăng dầu tăng theo các diễn biến kinh tế, chính trị của thế giới.
Trong đó, có việc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cam kết tăng sản lượng nhưng đã không tăng như con số dự kiến ban đầu. Ngoài ra, tình hình thiên tai 6 tháng cuối năm cũng là yếu tố tiềm ẩn tác động đến CPI 6 tháng cuối năm.
Bên cạnh những tác động từ tăng giá xăng dầu trên thị trường thế giới, các chuyên gia cũng tỏ rõ mối lo ngại tác động gia tăng từ việc điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng thuộc nhóm xăng dầu sẽ đẩy giá cả cuối năm tăng mạnh.
Hiện Chính phủ đã có dự kiến điều chỉnh mức thuế xăng dầu lên kịch khung (từ 3.000 đồng lên 4.000 đồng/lít xăng). Với mức điều chỉnh này, dự kiến, giá mỗi lít xăng sẽ tăng thêm 1.000 đồng, dầu diezen là 500 đồng và dầu hỏa tăng 1.100 đồng/lít. Và theo ước tính của Tổng cục Thống kê, việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu sẽ làm tăng 0,27 - 0,29% CPI cuối năm, là yếu tố gây áp lực rất lớn đối với lạm phát trong nửa cuối năm 2018.
Trước đó, hồi cuối tháng 5, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã dự báo hai kịch bản về lạm phát. Kịch bản thứ nhất, nếu giá dầu bình quân tăng 17 - 20% so với năm 2017 sẽ làm cho giá nhóm hàng giao thông tăng 5 - 7% so với năm trước, kéo chỉ số CPI tăng 3,5 - 3,8% so với cùng kỳ. Kịch bản thứ hai xấu hơn là nếu giá dầu thế giới tăng bình quân 24 - 25%, chỉ số giá nhóm hàng giao thông tăng 8 - 10% so với năm trước, kéo lạm phát tăng 4 - 4,1% so với cùng kỳ.
Theo đánh giá của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, rủi ro lớn nhất đối với kiểm soát lạm phát trong những tháng cuối năm chính là giá dầu tăng cao. Giá dầu tăng cùng với việc điều chỉnh khung thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm mặt hàng này sẽ cộng hưởng tác động tới lạm phát.
Lạm phát gần đây có xu hướng tăng, dưới góc nhìn của các chuyên gia Tổng cục Thống kê, cho thấy diễn tiến mang tính chu kỳ trong mỗi giai đoạn tăng trưởng 10 năm của nền kinh tế. Tuy nhiên, bà Ngọc khẳng định, chu kỳ lạm phát tăng cao như 10 năm trước sẽ không tái diễn vì Chính phủ và các cơ quan quản lý đến nay đã rất dày dạn kinh nghiệm trong điều hành, chủ động đề phòng không để gia tăng vượt kiểm soát.
Bản thân Tổng cục Thống kê đang thực hiện chặt chẽ việc rà soát từng tháng và xây dựng các kịch bản lạm phát trong mọi trường hợp để báo cáo Chính phủ có các biện pháp điều hành linh hoạt, đồng thời điều chỉnh giá cả dịch vụ công cũng như kiểm soát giá các mặt hàng thiết yếu một cách hợp lý, không để các yếu tố tăng giá cùng lúc, từ đó giảm sức ép gia tăng lên lạm phát.