Sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện kể từ ngày 1/7/2017

Sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện kể từ ngày 1/7/2017

Nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh được ủng hộ mạnh mẽ

(ĐTCK) Với tỷ lệ ủng hộ cao các đề xuất tiếp tục cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh của Chính phủ, Quốc hội vừa bấm nút thông qua dự án Luật Sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 của Luật Đầu tư về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Giảm 24 ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Trong các phiên thảo luận ở tổ và hội trường cách đây ít ngày, tuy còn một số ý kiến chưa đồng thuận về sự cấp thiết của việc thông qua dự thảo luật theo trình tự rút gọn ngay tại một kỳ họp, nhưng ngày 22/11, với tỷ lệ ủng hộ cao lên tới 83,16%, Quốc hội đã thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư số 67/2014/QH13.

Kết quả này cho thấy, đa số các đại biểu Quốc hội ủng hộ các nỗ lực cải cách mạnh mẽ của Chính phủ nhằm làm thông thoáng hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh cho doanh nghiệp hoạt động.

Sau khi được Quốc hội thông qua, Luật Sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư bổ sung điểm g về “Kinh doanh pháo nổ” vào khoản 1 Điều 6 của Luật Đầu tư; thay thế Phụ lục 4 với 267 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hiện tại bằng phụ lục mới gồm 243 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, giảm 24 ngành so với quy định hiện hành.

Để đáp ứng mục tiêu xây dựng dự án luật là nhằm xóa bỏ ngay một số rào cản, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, kinh doanh, qua đó tạo thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp hoạt động, Chính phủ đề nghị Luật này có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 và đã được Quốc hội ủng hộ, trừ ngành, nghề “Kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị” và ngành, nghề “Sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô” sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2017. 

Bước cải cách mới

Luật Sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 của Luật Đầu tư vừa được Quốc hội thông qua là một nỗ lực lớn, kiên trì của Chính phủ trong theo đuổi các biện pháp nhằm cụ thể hóa các nỗ lực cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh. Để thuyết phục Quốc hội thông qua luật này, Chính phủ đã dày công nghiên cứu đánh giá tác động của việc sửa đổi, bổ sung một số ngành, nghề, để đưa ra nhiều giải trình chi tiết, thuyết phục các đại biểu Quốc hội.

Trên cương vị thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình và trải qua nhiều vòng “bảo vệ” trước Quốc hội về tính cấp thiết của việc ban hành dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 của Luật Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng luôn nhất quán: việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các điều kiện kinh doanh là nhiệm vụ thường xuyên trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư kinh doanh.

Qua sửa đổi, xây dựng, Luật Đầu tư năm 2014 đã lược bỏ từ hơn 3.000 điều kiện kinh doanh nằm ở rải rác tất cả các văn bản pháp luật xuống còn 267 ngành, nghề.

Đặc biệt trong bối cảnh hội nhập và phát triển hiện nay, với những thay đổi nhanh chóng của thực tiễn, việc sửa đổi, bổ sung điều chỉnh Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện để phù hợp với các điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu của công tác quản lý nhà nước trong từng thời kỳ là cần thiết, là yêu cầu khách quan để tạo môi trường kinh doanh ngày càng thông thoáng, thuận lợi, đảm bảo rõ ràng, minh bạch cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời tránh việc tùy tiện, sách nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp, góp phần quan trọng vào thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận, việc ban hành Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư năm 2014 là cuộc cải cách rất quan trọng trong hệ thống luật pháp của nước ta, nhằm thực hiện nguyên tắc hiến định về quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp trong những ngành, nghề pháp luật không cấm.

Qua sửa đổi, xây dựng, Luật Đầu tư năm 2014 đã lược bỏ từ hơn 3.000 điều kiện kinh doanh nằm ở rải rác tất cả các văn bản pháp luật xuống còn 267 ngành, nghề. Đây là bước tiến rất quan trọng trong cải cách thủ tục và đã được cộng đồng quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp trong nước đánh giá cao.

Tiếp nối bước cải cách trên, việc Quốc hội vừa thông qua phương án sửa đổi Luật Đầu tư, mà trọng tâm là giảm danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện xuống còn 243 ngành, là một bước tiến mạnh hơn nữa trong nỗ lực giải phóng tiềm năng sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, vốn được nhìn nhận là còn nhiều tiềm năng nhưng vẫn bị “bó” trên không ít khía cạnh. Qua đó tiếp sức cho cộng đồng doanh nghiệp có bước phát triển tích cực hơn trong giai đoạn tới, để ngày càng có đóng góp quan trọng hơn cho tăng trưởng kinh tế.

Tin bài liên quan