Ninh Thuận: Cơ hội vàng từ gió và cát trắng

Được mệnh danh là vùng đất đầy gió và cát trắng khô cằn, nhưng ít ai nghĩ rằng, đây cũng là cơ hội vàng đưa Ninh Thuận vươn lên mạnh mẽ trong những năm tới.

Ninh Thuận: Cơ hội vàng từ gió và cát trắng

Triển vọng sáng ngời

Không ngẫu nhiên mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những đánh giá khả quan về triển vọng phát triển kinh tế tỉnh Ninh Thuận trong chuyến thăm và làm việc với địa phương trong năm 2014. Tổng Bí thư cho rằng, triển vọng của Ninh Thuận rất lớn và sáng sủa, điều đó được minh chứng cụ thể bằng tốc độ tăng trưởng GDP rất cao.

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, kết quả trên ghi nhận những nỗ lực rất lớn của địa phương, trong đó đáng chú ý là Ninh Thuận đã lựa chọn đúng 4 khâu đột phá. “Để duy trì được thành quả này, Ninh Thuận cần tiếp tục đánh giá, phân tích những thuận lợi, khó khăn, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Tại Đại hội Đảng các cấp sắp tới, cần tổng kết, rút kinh nghiệm, thấy hết tình hình, từ đó rà soát, bổ sung các quy hoạch, kế hoạch”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Đánh giá của Tổng Bí thư đã giúp tỉnh Ninh Thuận có cái nhìn sát thực hơn về định hướng phát triển lâu dài của mình. Với tiêu chí phát triển bền vững, Ninh Thuận là một trong số ít địa phương thuộc vùng Duyên hải Nam Trung bộ hội đủ những tiềm năng và lợi thế phát triển ngành công nghiệp năng lượng và dịch vụ du lịch.

Nhìn tổng thể, Ninh Thuận là một bức tranh hài hòa giữa đồng bằng, đồi núi và biển cả, với những thắng cảnh tuyệt đẹp như bãi biển Ninh Chữ, Cà Ná, đèo Ngoạn Mục, vịnh Vĩnh Hy..., bên cạnh những Tháp Chàm, cùng vô số di tích lịch sử văn hóa và nhiều hiện vật quý giá như: tháp Po Klong Garai, tháp Po Rome, tháp Hòa Lai... hầu như còn nguyên vẹn.

TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM, Trưởng nhóm Tư vấn vùng Duyên hải miền Trung từng nhận định, thiên nhiên ưu đãi cho vùng biển Ninh Thuận những lợi thế để phát triển du lịch. Với bờ biển thoai thoải, sạch đẹp, nhiều vùng biển sâu, nhiều chân núi đâm ra biển kiến tạo nên những vũng, vịnh, cồn tuyệt đẹp, Ninh Thuận rất thích hợp trong việc xây dựng cảnh quan du lịch sinh thái.

“Vịnh Vĩnh Hy là bức tranh hoang sơ của núi và biển kêu gọi khách du lịch ưa thích mạo hiểm tìm đến khám phá. Đây là một quần thể hài hòa bao gồm những bãi cát trắng sạch đẹp, những dãy núi đá xếp chồng lên nhau, những hang động, núi rừng với môi trường và cảnh quan thiên nhiên còn nguyên thủy... Đó là những lợi thế lớn để Ninh Thuận phát triển những dự án du lịch tầm cỡ quốc tế”, TS. Lịch gợi ý.

Nhiều du khách đến với Ninh Thuận không khỏi xao xuyến, rung động khi ngắm nhìn những dải đồi cát đủ màu nối nhau chạy dài đến hút tầm mắt, phản chiếu ánh nắng mặt trời, tiếp giáp với màu xanh thẳm của biển cả, những bãi đá nhấp nhô là nơi loài xương rồng gai mọc xen kẽ, chen chúc nhau khoe những chùm hoa sặc sỡ. Đặc biệt, dải cồn cát Nam Cương bao quanh những xóm dân chài ở xã Ninh Phước, huyện Thuận Nam có một sức thu hút vô cùng mạnh mẽ với khách dã ngoại.

Biển là lợi thế lớn nhất của vùng Duyên hải miền Trung, lợi thế mang tính đặc thù và cũng là thế mạnh của Ninh Thuận. Đơn cử, bãi biển Ninh Chữ có vị trí thuận lợi, nằm giữa trục tam giác du lịch Đà Lạt - Phan Thiết - Nha Trang, với bờ cát trắng hình cung dài 10 km, là một trong 9 bãi biển đẹp nhất nước. Nơi đây hoàn toàn yên tĩnh, không khí trong lành, tinh sạch, thích hợp cho du khách tìm đến nghỉ dưỡng.

Không những vậy, Ninh Thuận còn sở hữu Vườn quốc gia Núi Chúa với diện tích 28.000 ha, phần lớn là núi rừng nguyên sinh với nhiều loài động, thực vật quý hiếm; có rạn san hô đa dạng, phong phú. Lợi thế này không phải địa phương nào cũng có được, mang lại cho Ninh Thuận sự đa dạng về sản phẩm du lịch. Du khách đến với Ninh Thuận được tắm biển, tham quan rừng, leo núi, thăm các hang động kỳ vĩ: hang Ông Phật, ghềnh Ông Nồng, giếng Đục, núi Bạc...

Bên cạnh đó, Ninh Thuận là tỉnh mang đậm màu sắc văn hóa của dân tộc Chăm. Nền văn hóa Chăm được thể hiện qua chữ viết, trang phục, nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, hội họa, những làng nghề thủ công mỹ nghệ, lễ hội văn hóa dân gian, những di tích tháp Chăm nổi tiếng và toàn bộ những di sản văn hóa Chămpa. Đặc thù của nét văn hóa này đã mang lại cho thủ phủ của Ninh Thuận một tên gọi rất gần gũi: Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, các địa phương chậm thu hút đầu tư không phải là bất lợi, mà có khi là điều tốt đối với họ. Sự phát triển đã dần làm mất đi vẻ đẹp hoang sơ của tự nhiên, điều mà các nhà đầu tư tầm cỡ trên thế giới đang tìm kiếm. Ngoài vẻ đẹp hoang sơ và đa dạng về sinh thái hiện có, Ninh Thuận còn sở hữu bãi biển cát trắng trải dài. Điều này sẽ là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho Ninh Thuận trong xúc tiến đầu tư, mở ra một triển vọng phát triển kinh tế sáng sủa cho Ninh Thuận, đúng như nhận định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. 

Vàng từ gió và cát

Bà Lê Thị Thanh Thủy, Giám đốc Văn phòng Phát triển Kinh tế tỉnh Ninh Thuận, người đã có nhiều năm gắn bó với việc xúc tiến, mời gọi các nhà đầu tư đến với Ninh Thuận, bộc bạch rằng, thoạt nhìn ai cũng e ngại cái nắng, cái gió hòa quyện trong cát trắng của quê hương Tháp Chàm. Nhưng phần lớn nhà đầu tư đến đây đã có cách nhìn riêng, xem đây là điểm nhấn để phát triển những ngành công nghiệp và dịch vụ mà địa phương khác không có được.

Theo bà Thủy, gần đây nhất, Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Syrena Việt Nam (trực thuộc Tập đoàn BIM) đã khảo sát, đăng ký đầu tư Dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy tại huyện Ninh Hải, với mục tiêu xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp đạt tiêu chuẩn quốc tế 5-6 sao.

Dự án có quy mô khoảng 60 Pool Villas; 40 Guest Pavilion, nhà hàng Âu - Á, khu spa nhiệt đới, khu tập yoga, câu lạc bộ thể thao, câu lạc bộ biển, và các công trình phụ trợ khác; nhu cầu diện tích đất dự kiến là 66,8 ha; tổng mức đầu tư 60 - 80 triệu USD (khoảng 1.200 - 1.600 tỷ đồng). Dự án dự kiến hoàn thành xây dựng, đi vào hoạt động trong vòng 36 tháng kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đầu tư.

“Ngoài dự án trên, Ninh Thuận còn nhiều dự án hạ tầng du lịch khác đang được xúc tiến triển khai. Với tín hiệu này, Ninh Thuận kỳ vọng trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam trong thời gian tới”, bà Thủy khẳng định và cho rằng, đây chỉ là hiệu ứng từ lợi thế biển và cát của địa phương, còn triển vọng lớn nhất của Ninh Thuận là ngành công nghiệp năng lượng.

Không ngẫu nhiên mà người ta ví Ninh Thuận là “thủ phủ của điện gió”. Nắng và gió giờ đây trở thành nguồn năng lượng sạch quý giá, mà khắp nơi trên thế giới hằng mơ ước. Điều đó được minh chứng thông qua làn sóng đầu tư vào ngành năng lượng điện gió ở Ninh Thuận rất rầm rộ.

Giữa năm 2014, Tổng công ty Phát điện 2 (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) đã khởi công Dự án Nhà máy Điện gió Công Hải 1 tại thôn Suối Giếng, xã Công Hải, huyện Thuận Bắc. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng, được chia thành 2 giai đoạn. Trong giai đoạn I, với tổng mức đầu tư 191 tỷ đồng, nhà đầu tư sẽ lắp đặt 3 tổ máy, tổng công suất 3 MW (mỗi tổ máy 1 MW) trên diện tích khoảng 20 ha. Giai đoạn II, nhà đầu tư sẽ nâng quy mô công suất dự án lên 37,5 MW, gồm 15 tua-bin gió (2,5 MW/tua-bin) trên tổng diện tích hơn 160 ha và sẽ triển khai sau khi giai đoạn I hoàn thành và đưa vào khai thác.

Tính đến thời điểm hiện tại, Ninh Thuận có 12 dự án điện gió nằm trong quy hoạch. Trong số này, nhiều dự án đã có chủ, như Nhà máy Điện năng lượng tái tạo Phước Nam - Enfinity, Nhà máy Điện gió Mũi Dinh, Nhà máy Điện gió Công Hải… Tuy tình hình kinh tế mới đang trên đà hồi phục sau tác động của suy thoái kinh tế, nhưng phần lớn các nhà đầu tư đều cam kết triển khai theo đúng chủ trương đã phê duyệt.

Một tín hiệu vui khác đối với Ninh Thuận là Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Dự án Quy hoạch phát triển điện gió Việt Nam. Dự án được thực hiện trong 4 năm, từ năm 2014 đến 2018, với tổng mức đầu tư lên tới 3,7 triệu euro và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức của Chính phủ Đức. Mục tiêu chính của Dự án là hỗ trợ phát triển công nghệ điện gió và khai thác tiềm năng năng lượng gió; xây dựng cơ sở dữ liệu, quy hoạch nguồn năng lượng gió cấp địa phương và quốc gia; nâng cao năng lực các cấp, các ngành trong xây dựng, quản lý quy hoạch và đầu tư phát triển điện gió.

Trên cơ sở quy hoạch trên, Ninh Thuận có thể yên tâm định hướng, quy hoạch thu hút đầu tư ngành năng lượng điện gió tại địa phương. Với tiềm năng hiện có, giấc mơ biến “gió” thành “vàng” sẽ hiện hữu tại quê hương của nắng và gió này trong thời gian không xa.

Tin bài liên quan