Nhớ lại và suy ngẫm

Những ai đã từng tham gia và trải nghiệm trong thời kỳ thai nghén và hình thành chủ trương chuyển sang kinh tế thị trường, đều nhớ lại không khí dân chủ trong các cuộc hội thảo, tranh luận công khai đôi khi khá gay gắt để tìm ra chân lý nhằm có được quyết sách đúng đắn về đường lối chung, cũng như chủ trương và chính sách trên từng lĩnh vực hoạt động.
GS-TSKH Nguyễn Mại

GS-TSKH Nguyễn Mại

1 Trước khi thực hiện chủ trương Đổi mới, vấn đề đặt ra đối với Việt Nam là lựa chọn “nên hay không” mở cửa để hội nhập kinh tế quốc tế. Trong điều kiện tồn tại “hai hệ thống thế giới: xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa” thì trong quan hệ với các quốc gia khác, nước ta về căn bản dựa trên quan điểm giai cấp, do đó hợp tác kinh tế, buôn bán, đầu tư chủ yếu với các nước xã hội chủ nghĩa, đồng Rúp được sử dụng trong thống kê thương mại quốc tế.

Thời gian đầu khi chuyển sang kinh tế thị trường, nước ta hội nhập kinh tế quốc tế là chủ yếu, hội nhập chính trị còn khá dè dặt cả về chủ trương cũng như hành động. Hiện nước ta đã hội nhập khá toàn diện với khu vực và thế giới, không những sâu rộng hơn về kinh tế, mà cả chính trị, an ninh, quốc phòng, văn hóa, giáo dục, ở cấp Chính phủ, Quốc hội, tổ chức xã hội và công dân.

Năm 2015, hội nhập quốc tế của Việt Nam hướng đến mục tiêu bảo đảm lợi ích quốc gia khi tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN và các hiệp định tự do thương mại, thu hút vốn đầu tư quốc tế và mở rộng thương mại với thị trường thế giới, tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu như nghèo đói, biến đổi khí hậu, nạn khủng bố quốc tế.

Đại hội lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 12/1986) đánh dấu bước ngoặt lịch sử bằng việc lựa chọn đúng định hướng phát triển đất nước theo xu thế chung của thời đại trên căn bản lợi ích dân tộc. Đọc lại các văn kiện của Đại hội VI, người ta có thể tìm thấy định hướng và nguyên tắc chung về việc chuyển sang kinh tế thị trường và mở cửa với thế giới, nhưng chưa đề ra được đường lối chính trị và kinh tế trong giai đoạn mới, mà những đại hội tiếp theo cho đến nay, khi Đảng ta đang chuẩn bị Đại hội XII, mới dần được hoàn chỉnh, bởi vì “chuyển toàn bộ sự nghiệp cách mạng theo đường lối đổi mới là một quá trình lâu dài.

Chúng ta còn phải tiếp tục kiên trì suy nghĩ, tìm tòi, thử nghiệm, từng bước hình thành cái mới một cách tích cực và vững chắc” (Diễn văn khai mạc Đại hội VI của đồng chí Nguyễn Văn Linh). Do đó, một năm sau Đại hội VI, chỉ có một luật kinh tế do Quốc hội ban hành, đó là Luật Đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam vào cuối năm 1987.

Thời gian từ khi hình thành chủ trương cho đến khi Quốc hội thông qua Luật Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào khoảng 9 tháng. Nếu xét đến sự hạn chế về trình độ, năng lực của các chuyên gia kinh tế và luật pháp tham gia soạn thảo, thì điều đó được đánh giá là thành quả đáng trân trọng so với thời gian gần 3 năm xây dựng Luật Đầu tư (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua tại phiên họp cuối năm 2014.

Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ là một trong 3 đột phá chiến lược nhằm đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020

2 Những ai đã từng tham gia và trải nghiệm trong thời kỳ thai nghén và hình thành chủ trương chuyển sang kinh tế thị trường, đều nhớ lại không khí dân chủ trong các cuộc hội thảo, tranh luận công khai đôi khi khá gay gắt để tìm ra chân lý nhằm có được quyết sách đúng đắn về đường lối chung, cũng như chủ trương và chính sách trên từng lĩnh vực hoạt động.

Thời điểm đó, trong nhiều trường hợp, các vị lãnh đạo cấp cao của đất nước cũng tham gia những cuộc tranh luận thật sự dân chủ, nhờ đó mà khai thác được trí tuệ của đội ngũ chuyên gia kinh tế và pháp lý, cũng như trí tuệ của một số chuyên gia Việt kiều đang công tác tại các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thế giới, của một số chuyên gia nước ngoài tìm đến Việt Nam - một quốc gia đang chuyển đổi mô hình tăng trưởng, một miền đất hứa với các nhà đầu tư quốc tế, để hỗ trợ Chính phủ nước ta hình thành hệ thống luật pháp mới, mà Luật Đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam là sự khởi đầu cho quá trình đó.

“Cái khó ló cái khôn”, khi người Việt Nam còn xa lạ với đầu tư trực tiếp nước ngoài, thậm chí đại bộ phận chuyên gia kinh tế và pháp lý không đủ trình độ giao tiếp bằng tiếng Anh thì đã tìm được phương thức có hiệu quả nhất là dịch ra tiếng Việt hàng chục luật đầu tư nước ngoài của nhiều nước trên thế giới để tham khảo, lựa chọn những nội dung tốt nhất và thích hợp với điều kiện Việt Nam; mời một số chuyên gia Việt kiều và nước ngoài tham gia quá trình soạn thảo văn bản luật; tổ chức nhiều cuộc hội thảo từng chương, từng điều luật. Đó là quá trình tự học hỏi, nâng cao trình độ của cán bộ lãnh đạo các ngành và chính quyền địa phương. Ở đây xuất hiện một nghịch lý. Trước đây khi trình độ chuyên gia Việt Nam còn hạn chế thì quá trình hình thành luật pháp có vẻ nhanh chóng hơn hiện nay. Bây giờ, khi đội ngũ chuyên gia Việt Nam đông đảo và trưởng thành, thì đôi khi một vấn đề được lặp đi lặp lại tại nhiều hội thảo, mà lẽ ra nếu được tổ chức tốt thì không mất quá nhiều thời gian tranh cãi để đi đến kết luận cuối cùng.

Trình tự xây dựng luật pháp thời kỳ đó cũng như hiện nay là phải có được sự đồng thuận của các bộ, ban đảng, trình Chính phủ rồi trình Quốc hội, nhưng thời gian nhanh hơn nhiều so với hiện nay. Có lẽ vì 2 nguyên nhân chính: một là đất nước cần có Luật Đầu tư nước ngoài làm cơ sở pháp lý để thu hút nguồn vốn quốc tế rất quan trọng đối với nước ta, cuộc sống thôi thúc các nhà làm luật phải “vừa chạy vừa xếp hàng”, không thể đủng đỉnh được; hai là cái mới khá lạ lẫm đối với nhiều người, kể cả những cán bộ cấp cao, nên cách tốt nhất là hình thành văn bản luật pháp rồi từ thực tiễn sẽ sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện dần.

Luật Đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam 1987 có 6 chương, 42 điều, khá ngắn gọn, nhưng thể hiện minh bạch, nhất quán chủ trương tại Điều I: “Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam hoan nghênh và khuyến khích các tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư vốn và kỹ thuật vào Việt Nam trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của Việt Nam, tuân thủ luật pháp Việt Nam, bình đẳng và các bên cùng có lợi”; “Nhà nước Việt Nam bảo đảm quyền sở hữu đối với vốn đầu tư và các quyền lợi khác của các tổ chức, cá nhân nước ngoài, tạo những điều kiện thuận lợi và định các thủ tục dễ dàng cho các tổ chức, cá nhân có đầu tư vào Việt Nam”.

So với luật đầu tư nước ngoài của một số nước trong khu vực thì Luật Đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam được dư luận quốc tế đánh giá là thông thoáng và hấp dẫn hơn. Ví dụ, Luật không hạn chế tỷ lệ vốn tối đa trong xí nghiệp liên doanh, chỉ hạn chế tỷ lệ vốn tối thiểu không dưới 30%, áp dụng hình thức 100% vốn nước ngoài, ưu đãi thuế khá cao và thu tiền thuê đất khá thấp, các thủ tục hành chính rất đơn giản.

Luật Đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam năm 1987 cũng có những nhược điểm, trong đó có vấn đề liên quan đến nhận thức và quan điểm như quy định tại điểm 2, Điều 2: “Các tư nhân Việt Nam có thể chung vốn với tổ chức Việt Nam thành bên Việt Nam…”; có nghĩa là không được tự hợp tác với bên nước ngoài; có vấn đề do chưa đạt được sự đồng thuận giữa các nhà hoạch định chính sách như quy định tại Điều 15: “Thời hạn hoạt động của xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không quá 20 năm. Trong trường hợp cần thiết thời hạn này có thể dài hơn”, bởi vì vào lúc đó, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chưa được coi là bộ phận hữu cơ của nền kinh tế quốc dân.

Tin bài liên quan