Nhìn sâu hơn vào cách phân định dòng vốn ngoại

Nhìn sâu hơn vào cách phân định dòng vốn ngoại

(ĐTCK) Hội thảo “Định hướng nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì với sự tham gia tổ chức của Cục Đầu tư nước ngoài, Vụ Pháp chế, Báo Đầu tư và Hiệp hội các Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài tổ chức vào cuối tuần qua, thu hút nhiều ý kiến tranh luận xung quanh một số quy định trong dự thảo sửa đổi Luật Đầu tư 2005.

Sẽ định nghĩa lại thế nào là “nhà đầu tư nước ngoài”

Theo sự điều phối của TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, Hội thảo đã tập trung thảo luận 2 nhóm vấn đề chính: một là xác định định hướng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong thời gian tới, cùng các giải pháp nhằm thực hiện định hướng đó và hai là những nội dung cần sửa đổi, bổ sung đối với Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp hiện hành.

Về việc sửa đổi luật, theo một số diễn giả, một trong những khó khăn trong hoạt động đầu tư nước ngoài hiện nay là các khái niệm “doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài” và “nhà đầu tư nước ngoài” chưa được làm rõ, từ đó, dẫn đến việc xác định địa vị pháp lý (quyền và nghĩa vụ), cũng như điều kiện và thủ tục đầu tư, kinh doanh của các đối tượng này không thống nhất giữa các cơ quan quản lý.

TS. Nguyễn Đình Cung, quyền Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương chia sẻ quan điểm, “doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài” là doanh nghiệp mà ở đó có cổ phần hoặc vốn góp của cá nhân, tổ chức nước ngoài với tỷ lệ từ 51% trở lên.

Về khái niệm “nhà đầu tư nước ngoài”, ông Quách Ngọc Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, viết trong tham luận của mình rằng, để phù hợp với thông lệ quốc tế và tạo cơ sở pháp lý áp dụng thống nhất, dự thảo sửa đổi Luật Đầu tư 2005 sẽ căn cứ vào tỷ lệ sở hữu và mức độ tham gia quản lý của nhà đầu tư trong doanh nghiệp.

Theo đó, “nhà đầu tư nước ngoài” được hiểu là cá nhân không mang quốc tịch Việt Nam; tổ chức đăng ký thành lập tại nước ngoài; tổ chức đăng ký thành lập tại Việt Nam thuộc các trường hợp sau: i) có cá nhân, tổ chức nêu trên chiếm từ 50% tổng số thành viên trở lên, hoặc chiếm từ 50% vốn điều lệ trở lên; ii) công ty TNHH hoặc công ty hợp danh có cá nhân không mang quốc tịch Việt Nam làm thành viên hoặc người quản lý.

Doanh nghiệp trong nước, nhưng có từ 50% vốn điều lệ trở lên được nắm giữ bởi cá nhân, tổ chức nêu trên; hoặc có cá nhân, tổ chức này đầu tư từ 50% trở lên trong tổng số vốn đầu tư của doanh nghiệp cũng được hiểu là “nhà đầu tư nước ngoài”.

Trong khi đó, ý kiến từ một số DN tham gia Hội thảo nêu quan điểm, việc xác định “nhà đầu tư nước ngoài” nên căn cứ vào tỷ lệ sở hữu trên vốn điều lệ hay trên tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, vì sắp tới có thể Chính phủ sẽ cho phép doanh nghiệp trong nước được phát hành cổ phiếu không có quyền biểu quyết cho nhà đầu tư nước ngoài.

Một số DN khác cho rằng, việc xác định “nhà đầu tư nước ngoài” căn cứ vào số lượng thành viên có thể sẽ gây phiền hà cho doanh nghiệp, vì đối với công ty niêm yết, số thành viên trong nước hay nước ngoài thường xuyên thay đổi.

Trước nhiều ý kiến tranh luận, TS. Nguyễn Anh Tuấn đặt vấn đề: liệu Luật Đầu tư sửa đổi có giải quyết được những nghịch lý như trường hợp Mekophar trước đây không? CTCP Hoá - Dược phẩm Mekophar đã phải huỷ niêm yết để điều đình với các nhà đầu tư nước ngoài rút hết vốn khỏi Mekophar. Lý do là lúc đó nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 4,7% cổ phần của doanh nghiệp này và Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM căn cứ các quy định hiện hành cho rằng, Mekophar là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nên từ chối bổ sung chức năng “bán buôn, bán lẻ” dược phẩm cho Mekophar. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp cùng ngành với Makophar nhưng ở các địa phương khác, thì lại không gặp phải vấn đề như Mekophar.

Báo Đầu tư Chứng khoán cũng đặt vấn đề với ông Quách Ngọc Tuấn bên lề Hội thảo rằng, dự kiến Chính phủ sẽ sớm cho phép nới “room” của nhà đầu tư nước tại các doanh nghiệp niêm yết từ 49% lên 60%, liệu đến lúc đó những doanh nghiệp có tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài là 60% có được xem là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không?

Phân định “FDI” và “đầu tư gián tiếp”

Một vấn đề nóng bỏng khác tại Hội thảo là hiện nay, đầu tư nước ngoài có nhiều hình thức khác nhau, trong đó có hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A). Đối với M&A thì nên xem là đầu tư trực tiếp (FDI) hay đầu tư gián tiếp? Xem xét theo tiêu chí nào, vì với mỗi hình thức đầu tư khác nhau sẽ có những chính sách khác nhau?

Theo GS. TSKH Nguyễn Mại, có 3 tiêu chí để xác đầu tư nước ngoài là FDI hay gián tiếp, đó là quyền sở hữu, quyền chi phối và quyền quản trị.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán bên lề Hội thảo, ông Quách Ngọc Tuấn nói: “Việc phân biệt khái niệm FDI hay đầu tư gián tiếp được đặt ra là để phục vụ cho công tác quản lý. Vấn đề là hoạt động đầu tư được điều chỉnh theo luật nào. Hiện nay, đối với các công ty niêm yết đã được điều chỉnh theo Luật Chứng khoán. Như vậy, Luật Đầu tư sẽ phải đưa ra các quy định điều chỉnh đối với các hoạt động đầu tư không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Chứng khoán và các luật khác”.

Góp thêm ý kiến về khái niệm, ông Ngô Thanh Tùng, Chủ tịch Công ty luật Vilaf-Hồng Đức cho rằng, pháp luật Việt Nam quá chặt chẽ đến nỗi “con kiến không thể chui qua, nhưng con voi lại chui lọt”. “Vấn đề quan trọng hơn là phải cải thiện môi trường đầu tư”, ông Tùng nói.

Theo ông Tùng, trong những buổi tiếp xúc với các nhà đầu tư Mỹ, họ đánh giá Luật Đầu tư của Việt Nam là không cần thay đổi, nhưng môi trường đầu tư của Việt Nam thì cần thay đổi. Nhà đầu tư phải đối mặt với nhiều khó khăn khiến họ nản lòng và một khi “tiếng xấu đồn xa” thì những nhà đầu tư nước ngoài khác cũng dè chừng.

Hội thảo đã không chỉ tạo diễn đàn để DN và nhà quản lý đối thoại mà còn gợi nên rất nhiều câu hỏi thú vị xung quanh việc quản lý dòng vốn đầu tư nước ngoài. Ông Quách Ngọc Tuấn, thành viên Ban soạn thảo Dự thảo sửa đổi Luật Đầu tư 2005, cho biết, sẽ tiếp thu và nghiên cứu tất cả các ý kiến với mong muốn, Luật mới khi được ban hành giải quyết được tất cả vướng mắc hiện nay, cũng như đảm bảo tính chặt chẽ và đồng bộ với các luật khác.      

Ông Ngô Thanh Tùng,

Chủ tịch Công ty Luật Vilaf Hồng Đức

Quyết tâm thay đổi của lãnh đạo Bộ KH&ĐT là rất tốt và quyết liệt, tạo nên hy vọng rất lớn về sự thay đổi của môi trường đầu tư tại Việt Nam trong năm 2014-2015.

Thực tế cho thấy, môi trường đầu tư Việt Nam không tốt do những vấn đề nho nhỏ tạo ra, những vấn đề hàng ngày, những khó khăn không cần thiết mà NĐT phải gánh chịu.

Quan trọng nhất trong thay đổi này là tư duy về luật pháp. Chúng ta nếu cứ làm luật chạy theo sau cuộc sống như hiện tại, thiếu sự mạnh dạn thì dù có thay đổi Luật nhiều lần nữa, vẫn chạy đua ở thế rượt đuổi theo kiểu “mèo vờn chuột”.

Theo tôi, cần đưa ra quy tắc để quan chức Nhà nước, chính quyền địa phương, các sở KH&ĐT có cơ sở để họ quyết định cởi mở hơn với NĐT nước ngoài. Đó là lý do vì sao tôi đề nghị trong Luật Doanh nghiệp phải có một nguyên tắc phổ quát “Trong trường hợp luật pháp không quy định hoặc quy định không rõ ràng thì DN và NĐT có quyền giải thích theo hướng có lợi hơn cho mình”.

Nguyên tắc này sẽ tạo ra độ cởi mở của viên chức Nhà nước thi hành tại các địa phương; tạo ra độ cởi mở với NĐTNN, tránh tình trạng cơ quan nhà nước chuyển những khó khăn pháp lý cho NĐT, cho DN và như thế sẽ đi ngược lại tinh thần của cải cách luật.

Võ Quang Huệ

Tổng giám đốc Robert Bosch Việt Nam

Chúng tôi là một DN nước ngoài sản xuất ô tô tại Việt Nam, nên vấn đề chúng tôi quan tâm đến vấn đề giá thành. Vì thế, Bosch Việt Nam không chỉ quan tâm đến môi trường đầu tư, các ưu đãi mà còn rất quan tâm đến công nghiệp phụ trợ. Trong khi đó, hiện công nghiệp phụ trợ của Việt Nam còn yếu kém, chưa hỗ trợ được NĐT trong quá trình triển khai và hoạt động. Tôi mong vấn đề này cũng sẽ sớm được Nhà nước quan tâm, thay đổi.

Ông Trần Thanh Liêm,

Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư – hỗ trợ DNVVN tỉnh Long An

Đầu tư trong thời gian tới nhắm đến yếu tố bền vững môi trường, theo tôi điều đó trong các quy định và quá trình làm việc với NĐT nước ngoài cũng đã được nêu rõ. Nay, điều chúng ta cần làm là nâng tiêu chuẩn lên chứ không phải là đưa ra tiêu chí mới. Thực tế, thời gian qua những DN FDI vi phạm đến môi trường là do chúng ta đã bị lọt lưới, chứ không hẳn là không có các quy định về môi trường cũng như các yếu tố bền vững về môi trường.

Tin bài liên quan