Nhiều doanh nghiệp cam kết đầu tư vào Hà Nam

Trong khuôn khổ “Diễn đàn Kinh tế - Xúc tiến đầu tư vào tỉnh Hà Nam năm 2015” được tổ chức lần đầu tiên tại TP.HCM, diễn ra ngày 6/8, UBND tỉnh Hà Nam đã trao Giấy chứng nhận đầu tư cho 5 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký 111 triệu USD và 2.682 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp phía Nam cũng cam kết việc đầu tư vào tỉnh Hà Nam tại Diễn đàn.

Lễ ký Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2015 – 2020 giữa Hà Nam và TP.HCM

Lễ ký Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2015 – 2020 giữa Hà Nam và TP.HCM

Trao đổi tại Diễn đàn, ông Mai Tiến Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nam cho biết, Hà Nam là địa phương có đầy đủ tiềm năng và những lợi thế về vị trí chiến lược, nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào và nguồn nhân lực để phát triển mạnh các ngành kinh tế công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao và dịch vụ - du lịch.

Trước đại diện của khoảng 300 nhà đầu tư trong và ngoài nước, tại Diễn đàn, người có trách nhiệm cao nhất của tỉnh Hà Nam đã đưa ra 10 cam kết. Trong đó, có 2 cam kết được  các nhà đầu tư rất hoan nghênh. Đó là, giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn, trong đó, thời gian cấp Giấy chứng nhận đầu tư không quá 3 ngày, thực hiện các thủ tục hành chính, thủ tục thuế điện tử thuận lợi, chính xác; thành lập đường dây nóng của Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh để tiếp nhận thông tin và giải quyết ngay các kiến nghị từ phía các doanh nghiệp.

“Hà Nam sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư thông qua nhiều chính sách ưu đãi về thuê đất, kết cấu hạ tầng, thủ tục hành chính, thuế (thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế nhập khẩu) và hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo và tuyển dụng lao động”, ông Dũng nhấn mạnh.

Hiện thực hóa các cam kết, ngay tại Diễn đàn, UBND tỉnh Hà Nam đã trao Giấy chứng nhận đầu tư, chấp thuận đầu cho đại diện của 5 dự án có mặt, với tổng số vốn đầu tư đăng ký 111 triệu USD và 2.682 tỷ đồng

Cụ thể, Dự án Nhà máy sản xuất thiết bị viễn thông và đèn Led chiếu sáng do Công ty KMW Inc (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư, với số vốn đăng ký 100 triệu USD; dự án Nhà máy sản xuất, gia công các loại loa sử dụng cho tivi và các thiết bị điện tử khác của Công ty TNHH Jinyoung G&T Việt Nam (Hàn Quốc), với số vốn đầu tư 11 triệu USD.

Trong số các dự án có vốn đầu tư trong nước, đáng chú ý  là dự án Nhà máy chế biến sữa Nutifood Việt Nam do Công ty cổ phần Nutifood Việt Nam làm chủ đầu tư. Theo ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT công ty cho biết, tổng vốn đầu tư của dự án lên tới 1.600 tỷ đồng; giai đoạn 1 có công suất 80 triệu lít sữa nước và 10.000 tấn sữa bột/năm (các sản phẩm chính: sữa tiệt trùng UTH, sữa đậu lành, sữa bột, sữa chua ăn, sữa chua uống, bột dinh dưỡng ngũ cốc…) sẽ cho ra sản phẩm vào quý III/2016.

Cũng theo ông Hải, trong quá trình tìm địa điểm đầu tư,  Nutifood rất ấn tượng về cách xúc tiến đầu tư của lãnh đạo tỉnh Hà Nam và sau khi tìm hiểu đã quyết định xây dựng nhà máy. Trước đó, Nutifood cũng tham khảo một số nhà đầu tư khác của phía Nam đang có dự án tại Hà Nam. “Hà Nam là một địa điểm rất đáng để đầu tư và Nutifood sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giới thiệu cho các nhà đầu tư khác”, ông Hải nói.

Cần phải nói thêm, trước dự án của Nutifood, tỉnh Hà Nam đã đón nhiều dự án của các doanh nghiệp có trụ sở chính tại các tỉnh phía Nam đến đầu tư, trong đó có không ít dự án có quy mô lớn. Đơn cử, dự án nhà máy bia Sài Gòn - Phủ Lý do Sabeco làm chủ đầu tư, với số vốn cho giai đoạn 1 đã hoạt động từ năm 2011 là hơn 300 tỷ đồng. Hay, dự án Nhà máy Number 1 Hà Nam của Tân Hiệp Phát được xây dựng trên diện tích 26 ha với tổng đầu tư 1.780 tỷ đồng, công nghệ tiên tiến hiện đại của Châu Âu, công suất 600 triệu lít nước giải khát /năm…Giai đoạn 1 của dự án này đã đi vào hoạt động từ tháng 8/2014.

Từ thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh tại Hà Nam, nhiều nhà đầu tư, tại Diễn đàn đã cam kết tiếp tục rót vốn vào Hà Nam. Ông Trần Quý Thanh, Chủ tịch HĐQT Tân Hiệp Phát cho biết, theo kế hoạch thì giai đoạn 2 của Nhà máy Number 1 Hà Nam với 6 dây chuyền sản xuất, công suất 300 triệu lít/năm sẽ được triển khai trong giai đoạn 2018 – 2022. Tuy nhiên, theo ông Thanh, với những thuận lợi như hiện nay, Tân Hiệp Phát có thể sẽ sớm đầu tư mở rộng nhà máy tại Hà Nam.

Ở góc độ nhà đầu tư nước ngoài, ông Trần Quốc Quân, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH FrieslandCampina Việt Nam (doanh nghiệp sở hữu nhãn hàng sữa Cô gái Hà Lan) cho biết, công ty có trụ sở và nhà máy tại Bình Dương 20 năm nay. Với sự tăng trưởng cao, công ty quyết định tìm địa điểm đầu tư tại phía Bắc và đã quyết định chon Hà Nam để đặt nhà máy. Theo ông Quân, sau 10 năm đầu tư tại Hà Nam, hoạt động sản xuất kinh doanh luôn thuận lợi và mới đây công ty đã khánh thành Khu chăn nuôi bò sữa tại huyện Duy Tiên. Đây là dự án đầu tư theo hình thức PPP với mục tiêu hình thành cộng đồng chăn nuôi bò sữa tại vùng bãi ven sông Hồng.

Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn, UBND tỉnh Hà Nam đã ký Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2015 – 2020 với UBND TP.HCM trên nhiều lĩnh vực như: Đầu tư; công nghiệp và thương mại; khoa học công nghệ; y tế; giáo dục và đào tạo; nông nghiệp và phát triển nông thôn; văn hóa, thể thao và du lịch…

Tin bài liên quan