Nhà máy Bột giấy Phương Nam: Tiêu 3.000 tỷ rồi thanh lý

Nhà máy Bột giấy Phương Nam được UBND tỉnh Long An phê duyệt dự án đầu tư vào cuối năm 2003. Gần 10 năm triển khai và sau khi đã tiêu tới gần 3.000 tỷ đồng, đến nay, khi xây dựng xong, công trình ngàn tỷ đang chuẩn bị… được thanh lý!

Nhà máy Bột giấy Phương Nam được quảng bá sẽ sản xuất loại bột giấy tốt nhất Việt Nam

Nhà máy Bột giấy Phương Nam được quảng bá sẽ sản xuất loại bột giấy tốt nhất Việt Nam

Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam do Công ty TNHH một thành viên Phát triển công nghiệp và Vận tải (Tracodi - tên giao dịch ở thời điểm đó là Công ty Đầu tư Phát triển Giao thông vận tải thuộc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6, do ông Phan Thanh Nam làm Tổng giám đốc) làm chủ đầu tư. 

Vào tháng 10/2003, Dự án đã được UBND tỉnh Long An phê duyệt báo cáo khả thi, với tổng mức đầu tư là 1.487 tỷ đồng, dùng công nghệ PR - C - APMP, thiết bị được chế tạo đồng bộ, mới 100% và hình thức triển khai là chìa khóa trao tay.

Dự án được gắn liền với vùng trồng đay nguyên liệu tập trung ở Long An, đặc biệt là vùng trồng đay trong vùng lũ thay cho lúa hè - thu. Khi đó, giá đay nguyên liệu được tính toán là 180 đồng/kg. Báo cáo khả thi cũng “vẽ” ra hiệu quả kinh tế của Dự án với thời gian hòa vốn là 10 năm 7 tháng 21 ngày.

Tháng 3/2006, Tracodi đã khởi công xây dựng Nhà máy, với lời quảng bá “sẽ sản xuất ra loại bột giấy tốt nhất Việt Nam, tương đương chất lượng châu Âu”.

Cùng thời điểm, chính quyền tỉnh Long An cũng nhanh chóng phát động nông dân trồng đay nguyên liệu, với vùng đay chuyên canh gần 9.000 ha và được quy hoạch tại 3 huyện khu vực Đồng Tháp Mười là Thạnh Hóa, Mộc Hóa, Tân Thạnh.

Tới ngày 16/11/2007, Tracodi có quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư của Dự án lên 2.286 tỷ đồng, nhưng Dự án vẫn chưa thể hoàn tất đầu tư. Vào tháng 6/2009, theo Quyết định 731/QĐ-TTg, chủ đầu tư Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam đã được chuyển từ Tracodi sang Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco). Để rành mạch công việc được triển khai của Tracodi, cơ quan kiểm toán độc lập đã được mời vào đánh giá.

Theo đó, tính tới ngày 30/6/2009, phần việc của Tracodi đã thực hiện tại Dự án là khoảng 60%, cụ thể là 35% giá trị xây lắp (trị giá 38,8 tỷ đồng) của nhà sản xuất chính; Khu xử lý nước thải 40% (với giá trị 36 tỷ đồng); Nhà văn phòng hoàn thành 40% (giá trị 8 tỷ đồng); Nhà ở công nhân hoàn thành 30% (giá trị 6 tỷ đồng).

Đối lập với sự chậm chạp của tất cả các công đoạn, thì việc tiêu tiền cho mua máy móc thiết bị của Tracodi lại rất nhanh nhẹn! Theo kết quả kiểm toán độc lập, gói thầu mua sắm thiết bị được ký với nhà thầu Andritz đã được thực hiện đầy đủ, toàn bộ thiết bị đã được tập kết về mặt bằng nhà máy và “hầu hết vẫn còn nguyên đai, nguyên kiện, chưa được kiểm tra thực tế” và tất nhiên chưa được lắp đặt, chạy thử, nhưng Tracodi đã ký biên bản nghiệm thu và thanh toán 100% giá trị hợp đồng cho nhà thầu Andritz. Toàn bộ giá trị thanh toán đó lên tới 57,097 triệu euro.

Cũng tính tới ngày 30/6/2009, tổng giá trị đầu tư của Dự án là 2.033 tỷ đồng, Dự án đã được bố trí nguồn vốn là 2.021 tỷ đồng, đây cũng là số tiền thanh toán cho các nhà thầu tham gia Dự án. Liên quan đến vùng nguyên liệu, trong năm 2007-2008, Tracodi đã ký hợp đồng trồng nguyên liệu với nông dân 2 huyện Thạch Hóa và Mộc Hóa với diện tích 450 ha. Số lượng đay đã thu mua được là hơn 10.614 tấn đay tươi và hơn 655 tấn đay sợi. Nhưng tới năm 2011, toàn bộ số đay trên đã hư hỏng và được thanh lý theo quyết định của Vinapaco - đơn vị được giao nhiệm vụ tiếp tục đầu tư, với tổng giá trị là hơn 10 tỷ đồng.

Xem tiếp kỳ sau: Chỉ còn nước… thanh lý

Tin bài liên quan