Nguy cơ phụ thuộc nguồn năng lượng nhập khẩu

Nguy cơ phụ thuộc nguồn năng lượng nhập khẩu

Nguy cơ không bảo đảm an ninh năng lượng, giảm năng lực cạnh tranh và phụ thuộc ngày một lớn vào nhập khẩu sẽ xảy ra, nếu chiến lược phát triển năng lượng không chú trọng các nguồn năng lượng tái tạo. Đó là cảnh báo của các chuyên gia Bộ Năng lượng, Hạ tầng kỹ thuật và Môi trường Đan Mạch tới Việt Nam.
Tại Lễ công bố Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam 2017 được tổ chức chiều 20/9, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho hay, Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam 2017 được xây dựng trên cơ sở cập nhật các thông tin dự báo tăng trưởng kinh tế vĩ mô, tăng trưởng nhu cầu năng lượng sơ cấp và nhu cầu điện.
Chương trình quy hoạch năng lượng tối ưu được sử dụng trong Báo cáo là mô hình Balmorel của Đan Mạch sẽ giúp thiết lập các kịch bản phát triển hệ thống điện Việt Nam, chú trọng các khả năng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.

Được biết, Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam 2017 là một trong những kết quả hợp tác nổi bật giữa Bộ Công thương Việt Nam và Bộ Năng lượng, Hạ tầng kỹ thuật và Môi trường Đan Mạch trong khuôn khổ Dự án Chuyển hóa carbon thấp trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam do Chính phủ Đan Mạch tài trợ.

Các Dự án đầu tư vào năng lượng tái tạo được khởi động nhanh hơn trong thời gian qua đã thêm tia hy vọng cho mục tiêu đa dạng hóa nguồn cung năng lượng trong những năm tới 

Ông Thomas Egebo, Quốc vụ khanh Bộ Năng lượng, Hạ tầng kỹ thuật và Môi trường Đan Mạch cho rằng, thách thức chính của Việt Nam không phải là tăng trưởng, mà là tăng trưởng bền vững. Ngoài nguồn điện từ thủy điện, nhiệt điện than.., thì điện gió, điện mặt trời sẽ nối dài danh mục các dự án đầu tư trong tương lai gần.

Quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng trong 2 thập niên qua tại Việt Nam đã khiến nguồn cung năng lượng không bắt kịp cầu. Từ năm 2015, Việt Nam đã phải nhập khẩu năng lượng với tỷ lệ nhập ròng khoảng 5% tổng năng lượng cung cấp.

“Với quy hoạch khai thác than đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, than còn có thể khai thác được trong 70 năm, nhưng không đáp ứng được nhu cầu. Tài nguyên khí đốt, dầu mỏ tương tự cũng giảm dần và cạn kiệt trong 60 năm tới”, bà Aisma Vitina, cố vấn kỹ thuật Cơ quan Năng lượng Đan Mạch cảnh báo.

Phụ thuộc nguồn năng lượng nhập khẩu đã không còn là viễn cảnh xa vời. Bằng chứng thấy rõ khi nhìn vào cán cân xuất nhập khẩu than, với đà giảm than xuất khẩu và tăng than nhập khẩu. Trong 8 tháng năm 2017, than tiếp tục lọt vào nhóm hàng nhập khẩu lớn của Việt Nam, với sản lượng gần 10 triệu tấn, giá trị nhập khẩu 934 triệu USD, trong khi cả năm 2016 mới là 927 triệu USD.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), mục tiêu đến năm 2020 là tổng công suất nguồn điện trên cả nước đạt 60.000 MW, đến năm 2025 tăng lên 96.500 MW và đến năm 2030 đạt 129.500 MW. Bên cạnh các trung tâm điện lực lớn như Vĩnh Tân, Duyên Hải…, EVN tiếp tục phát triển các nguồn điện trung bình và nhỏ để cân bằng nguồn điện, phát triển nguồn năng lượng mới đáp ứng tiêu chuẩn môi trường và sử dụng công nghệ hiện đại... Để thực hiện được tham vọng này, EVN cần nguồn vốn đầu tư lên tới 10 tỷ USD.

Các dự án đầu tư vào năng lượng tái tạo được khởi động nhanh hơn trong thời gian qua đã thêm tia hy vọng cho mục tiêu đa dạng hóa nguồn cung năng lượng trong những năm tới. Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng chia sẻ, thời gian qua, Bộ Công thương nhận được nhiều đề xuất của các nhà đầu tư bỏ vốn vào làm điện mặt trời.

“Điều đáng mừng là kết quả phân tích cho thấy, trong trung hạn, đến năm 2030, Việt Nam sẽ có nhiều hoạt động đầu tư nâng cao sản lượng điện gió (vượt 2,7 GW) trên cơ sở cạnh tranh về giá, với điều kiện chi phí công nghệ tái tạo tiếp tục giảm và công nghệ liên tục cải tiến. Tổng sản lượng điện năng từ điện gió và năng lượng mặt trời của các dự án đầu tư cạnh tranh về giá vào năm 2050 có thể lên tới mức tương đương là 30 GW và 25 GW”, bà Aisma Vitina cho biết thêm.

Tin bài liên quan