Muốn phát triển nhanh đất nước thì phải tận dụng tốt nhất tài nguyên con người Việt Nam

Muốn phát triển nhanh đất nước thì phải tận dụng tốt nhất tài nguyên con người Việt Nam

Nguồn tài nguyên quý giá là khối đại đoàn kết của 93 triệu dân

Thong thả nói về ấn tượng của những chuyến công tác xuống địa phương;  khoan thai khi nói về chủ đề rất mới và khó, là tinh thần quốc gia khởi nghiệp; sôi nổi khi khẳng định về khối tài nguyên vô giá của 93 triệu con Lạc, cháu Hồng, nhưng một thông điệp giàu ý nghĩa được GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khẳng định, đoàn kết là nguyên nhân của mọi thành công.

Chủ tịch từng nói: “Hạnh phúc của người dân là một trong những mục tiêu quan trọng, là thước đo hiệu quả hoạt động của Mặt trận”. Năm 2015, Chủ tịch đã có rất nhiều chuyến công tác đến nhiều nơi, tiếp xúc với người dân mọi tầng lớp, thành phần trong xã hội. Chủ tịch cảm nhận như thế nào về cuộc sống của người dân? Ấn tượng nào làm Chủ tịch suy nghĩ nhiều nhất?

Mỗi lần đi cơ sở giúp tôi hiểu thực tiễn hơn, nhìn nhận khách quan hơn, đồng thời tiếp thu được những đóng góp của người dân gợi ý cho công việc được tốt hơn. Đó là những thực tế sống động, chân thực, được Mặt trận tổng hợp để đóng góp tại Quốc hội 2 lần mỗi năm.

Nguồn tài nguyên quý giá là khối đại đoàn kết của 93 triệu dân ảnh 1

GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 

Năm 2015, tình hình chính trị và kinh tế vĩ mô ổn định, không có xung đột sắc tộc, tôn giáo; tăng trưởng kinh tế với nhịp độ quý sau cao hơn quý trước, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp kỷ lục trong nhiều năm qua cùng với những thành công về xóa đói, giảm nghèo, về cải cách thủ tục hành chính được các tổ chức quốc tế công nhận. Những điều đó đã tạo nên làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Năm 2015, điều đáng mừng nhất chính là một bầu không khí chung rất phấn khởi của người dân trước những cải thiện của đời sống. Tại hầu hết các địa phương đều đã có thể đi xe gắn máy từ trung tâm tỉnh tới từng xã, từng thôn, thậm chí vào đến tận nhà. Đó là kết quả đáng mừng, chủ trương lớn của Nhà nước nhằm xóa đói giảm nghèo đã được người dân đón nhận bằng chính những đóng góp công, sức của họ.

Tuy nhiên, những chuyến đi cũng để lại trong tôi nhiều suy nghĩ. Khi tham dự ngày hội đại đoàn kết tại một xã vốn là địa bàn khó khăn tại Lào Cai, nhưng nay đã có đường vào tận trung tâm xã, cuộc sống của người dân nói chung là tốt, nhưng tới thăm một hộ thuộc diện nghèo, tôi ngạc nhiên bởi thấy gia đình có một chiếc tủ lạnh rất to, tới mức mà nhiều nhà dưới xuôi cũng chưa mua được. Tôi còn ngạc nhiên hơn khi biết chiếc tủ lạnh đó không phải là công cụ cho bất kỳ công việc kinh doanh nào. Như vậy, nếu có sự tư vấn của hội nông dân, hay hội phụ nữ thì thay vì phải tốn tiền mua tủ lạnh và chi phí điện hàng tháng, thì người dân có thể đem hàng triệu đồng đó đầu tư nuôi thêm lợn, gà, hoặc con bò, con trâu…, chắc chắn sẽ hiệu quả hơn. Tôi cho rằng, trước sự việc đó, Mặt trận cũng có trách nhiệm, bởi muốn giảm nghèo bền vững thì cần phải bắt đầu từ từng hộ dân để biết công việc cụ thể phải như thế nào.

Ấn tượng thứ hai là ở Tây Nguyên, khi tôi thăm một trại trẻ mồ côi của các sơ thuộc Dòng Ánh sáng lạ. Trung tâm chỉ có 80 sơ nhưng nuôi dưỡng gần 800 cháu mồ côi, mà hoàn toàn không có trợ giúp của Nhà nước. Mặc dù Trung tâm vẫn còn rất khó khăn, dù các cháu vẫn phải nằm chung giường, nhưng điều quan trọng nhất là các cháu đã không bị chôn theo khi mẹ mất như phong tục của dân tộc các cháu. Việc các sơ âm thầm làm một việc nhân đạo như vậy, khiến tôi nghĩ rằng, các tôn giáo gắn bó với truyền thống nhân đạo của dân tộc mình.

Sự kiện thứ ba là đầu tháng 12/2015 vừa rồi, Mặt trận đã phối hợp với 40 tổ chức tôn giáo của nước mình lần đầu tiên làm Hội nghị các tôn giáo chung tay bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu. Các đại diện của 40 tôn giáo đã ký một chương trình thỏa thuận với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Mặt trận Tổ quốc. Tại lễ ký, còn có sự tham gia của Tổ chức Hỗ trợ Nhà thời của Na Uy và đại diện một số sứ quán các nước tại Việt Nam. Trước những thảm họa môi trường có thể xảy ra, họ đã cùng chung tay ngăn chặn - tái hiện sự chung sức, đồng lòng của những người Việt, bất kể tín ngưỡng.

Các vị khách quốc tế rất ngạc nhiên trước một hình tượng rất đẹp, khi các vị chức sắc của các tôn giáo ngồi được với nhau, hơn thế còn chung tay làm một việc có ích cho đất nước. Nhưng có lẽ, nếu họ chịu khó tìm hiểu kỹ hơn về dân tộc ta, thì có thể còn ngạc nhiên hơn khi biết rằng, khi vận mệnh dân tộc bị đe dọa, các tôn giáo đã vai kề vai trong suốt các cuộc trường chinh bảo vệ Tổ quốc. 

Năm qua, Mặt trận Tổ quốc tổ chức khảo sát tình hình nông nghiệp và giám sát thực hiện Luật Hợp tác xã 2012 ở cả 3 miền đất nước. Chủ tịch có thể cho biết, vì sao Mặt trận làm như vậy và điều đó có tác dụng gì đối với xã hội?

Trong chương trình công tác năm 2015 của Mặt trận, chúng tôi không có kế hoạch khảo sát mô hình hợp tác xã, nhưng trong 2 năm 2013 và 2014, Mặt trận Tổ quốc đã có những báo cáo trước Quốc hội về thực trạng “được mùa mất giá” - hậu quả của lối làm ăn nhỏ lẻ, manh mún, nên năm 2015, thay vì phải báo cáo lặp lại như những năm trước, chúng tôi đã cùng Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tiến hành khảo sát thực trạng để kiến nghị Quốc hội các giải pháp.

Khảo sát kết hợp với những tìm hiểu của tôi tại Hàn Quốc, Nhật Bản Đức, Italy… cho thấy, bản chất của người nông dân, bất kể ở quốc gia nào đều không muốn đưa tư liệu sản xuất của mình thành của chung. Vấn đề đặt ra là, làm thế nào để liên kết những cái riêng đó thành sức mạnh chung? Tại các nước có kinh tế hợp tác phát triển, kinh tế hợp tác không thay thế mà liên kết để kinh tế hộ mạnh lên. Vậy bản chất mối liên kết đó như thế nào? Thực tế tôi thấy, các hộ góp sức hình thành ban quản lý hợp tác xã, ban quản lý mới vạch ra kế hoạch sản xuất chung dựa trên nghiên cứu nhu cầu thị trường.

Thật mừng là tại các địa phương chúng tôi đi như Vĩnh Long, Lào Cai, Hà Nam, An Giang, Cần Thơ đã có những mô hình như vậy - các hợp tác xã hình thành từ sự tự nguyện liên kết của các hộ nông dân, các hộ hiểu nhau và phối hợp làm ăn có hiệu quả.

Không chỉ phối hợp để loại bỏ vấn nạn tranh nhau trồng, tranh nhau bán, việc nhóm các hộ còn giúp từng hộ khai thông được nguồn vốn từ ngân hàng với sự thuyết phục chính từ định hướng rõ ràng trồng cây gì, nuôi con gì và quan trọng hơn là quy mô và hiệu quả của sản xuất. Hiệu quả không chỉ có vậy, việc có định hướng sản xuất, kinh doanh còn tạo ra những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và hợp tác xã đăng ký chứng nhận xuất xứ hàng hóa, chứng nhận thương hiệu. Đó là bước đi đầu tiên quan trọng nhất của sản xuất nông sản hàng hóa khi hàng hóa đủ tiêu chuẩn chen chân vào được các siêu thị.

Như vậy là, Luật Hợp tác xã 2012 đã định hướng được lối đi chung, các nghị định hướng dẫn cụ thể hơn, nhưng cách tiến hành trong thực tế làm sao cho không triệt tiêu động lực của kinh tế hộ. Trong khi đó, những khối liên kết đoàn kết hợp tác xã sẽ khiến rẻ đầu vào, mạnh đầu ra, đó là hoạt động tương thích với kinh tế thị trường trong quá trình hội nhập quốc tế.

Hơn thế, nếu liên kết với doanh nghiệp thì hợp tác xã sẽ có thế và lực hơn, tạo nên sức mạnh mà các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản đã thực hiện thành công. Ngày 24/7/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 19 về hợp tác xã kiểu mới theo Luật Hợp tác xã 2012, đây là con đường căn bản để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp trong thực hiện liên kết với doanh nghiệp.

Năm 2015, Mặt trận đã triển khai thành công 8 chương trình giám sát được nhân dân đánh giá cao. Chủ tịch có thể cho biết, năm 2016, Mặt trận sẽ thực hiện giám sát như thế nào?

Thực ra, năm qua, hoạt động giám sát đã đạt được những kết quả bước đầu chứ chưa thể gọi là “rất thành công”. Trong 8 chương trình giám sát, thực chất là 7 + 1, một chương trình thực hiện đến cùng và hoàn thành nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao là tổng rà soát chính sách đãi ngộ người có công hoàn thành đúng hạn (tháng 12/2015) và đầy đủ (hơn 2 triệu) đối tượng có danh sách. Cuộc rà soát đã có câu trả lời về số lượng đối tượng đã được hưởng đúng, hưởng đủ là 95,75%; 4,16% hưởng đúng nhưng còn thiếu, còn lại là 0,09% đối tượng hưởng chưa đúng. Đây là việc suốt mấy chục năm qua chúng ta chưa lượng hóa được. Như vậy, về cơ bản, hệ thống quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, về đãi ngộ người có công đã hoàn thành tốt. Tuy nhiên, lần rà soát này cho thấy, hiện có tới 70.000 người không đăng ký là người có công và chúng tôi đã vận động họ làm hồ sơ để đối chiếu thực hiện việc đãi ngộ cho những đối tượng này.

Thành công của cuộc rà soát một lần nữa lại cho thấy, nếu chỉ dựa vào bộ máy công chức nhà nước tại 11.000 phường, xã trên cả nước, thì chúng ta không thể hoàn thành công việc.

Chúng tôi đã tổ chức 100.000 tình nguyện viên là các cựu chiến binh và 100.000 tình nguyện viên từ các đoàn thể khác. Như vậy, trong ngắn hạn, Mặt trận đã huy động được 200.000 người tham gia cuộc rà soát này. Đây là bài học rất quan trọng để sau này chúng ta thực hiện các chương trình khác, như kiểm soát an toàn thực phẩm.

Với 7 nội dung giám sát còn lại, như giám sát việc khiếu nại tố cáo, giám sát đóng bảo hiểm xã hội, giám sát điều kiện hành nghề và tuân thủ pháp luật của cơ sở y tế tư nhân, giám sát về đổi mới thủ tục hành chính các thủ tục về thuế và hải quan…, chúng tôi triển khai năm đầu tiên để rút kinh nghiệm, nếu cái nào thấy ổn thì năm 2016 sẽ chuyển cho địa phương thực hiện việc giám sát.

Ngoài ra, năm 2016, chúng tôi sẽ thực hiện thêm một nội dung mới, đó là vận động người dân thực hiện và tham gia giám sát an toàn thực phẩm từ nơi sản xuất, nhập khẩu đến nơi chế biến, quá trình vận chuyển và tiêu dùng. Mặc dù nội dung này rất khó thực hiện, nhưng với những kinh nghiệm trong thực hiện giám sát 8 nội dung trong năm qua, chúng tôi đang cùng Chính phủ xây dựng đề án triển khai.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân từng phát biểu: “Nguồn tài nguyên không cạn kiệt của đất nước ta chính là gần 100 triệu dân với khả năng sáng tạo ngày càng nâng cao. Đây chính là nguồn nội lực quan trọng nhất để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”. Thời điểm này, Việt Nam đã hội nhập sâu với kinh tế quốc tế, theo Chủ tịch, làm gì để phát huy tối đa nguồn lực này, đưa đất nước phát triển?

Về nguyên tắc, muốn phát triển bền vững thì phải có nguồn lực, nhưng khi bàn về phát triển đất nước trong 5 năm và 10 năm tới, điều khiến chúng ta lo lắng là thiếu vốn, trong khi tài nguyên đất đai thì hữu hạn, thậm chí, quá trình đô thị hóa sẽ khiến quỹ đất ngày một thu hẹp. Theo tôi, đây là nỗi lo rất đúng, vậy thì giải pháp cho phát triển là gì? Suy cho cùng, đó là những tri thức mới, ứng dụng vào sản xuất và gia tăng lực lượng lao động.

Theo thống kê của Tổ chức Sở hữu trí tuệ, trong 10 nước ASEAN, tổng sản phẩm xã hội của Việt Nam đứng thứ 7, nhưng năng lực sáng tạo quốc gia đứng thứ 4. Điều này cho thấy, chúng ta có dư địa phát triển dựa vào năng lực sáng tạo của người lao động. Muốn phát triển nhanh đất nước thì phải tận dụng tốt nhất tài nguyên con người Việt Nam.

Thứ nhất, về số lượng lao động, các báo cáo về nhân lực đều cho thấy, chúng ta đang trong thời kỳ dân số vàng và thời kỳ này sẽ còn kéo dài nhiều năm nữa.

Thứ hai là khả năng sáng tạo - chất lượng lao động sẽ gia tăng song song với quá trình nâng cao chất lượng đào tạo.

Thứ ba, do thu nhập bình quân đầu người của chúng ta còn thấp so với các quốc gia trong khu vực, nên chi phí lao động của Việt Nam vẫn có khả năng cạnh tranh tốt.

Với 3 lợi thế như đã nêu trên, cùng với đổi mới quản lý kinh tế, đổi mới thể chế, chúng ta sẽ có điều kiện cần và đủ để phát triển bền vững.

Với những điều kiện thuận lợi như vậy, chủ trương xây dựng chương trình quốc gia khởi sự doanh nghiệp đã được đưa vào Văn kiện Đại hội XII và tới đây, Chính phủ sẽ có đề án cụ thể về chương trình quốc gia khởi sự doanh nghiệp.

Tôi hy vọng rằng, với thời cơ như hiện nay, chúng ta đang có một nguồn lực quan trọng, đó là con người với bề dày văn hóa 4.000 năm, với sức mạnh của khối đại đoàn kết và đặc biệt dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, chúng ta sẽ tạo được những bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Tin bài liên quan