Nghịch lý nguyên nhân khiến các doanh nghiệp FDI ngày càng quan trọng

Doanh nghiệp trong nước dường như chịu tác động bởi các yếu tố tiếp cận nguồn vốn hạn chế, nhu cầu tiêu dùng trong nước thấp và sân chơi bất bình đẳng so với khu vực doanh nghiệp nhà nước. Ở thái cực bên kia, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) dường như không phải chịu quá nhiều áp lực của hệ thống quản lý trong nước

Khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài đang tạo ra 1/4 việc làm trong tổng số việc làm do khu vực doanh nghiệp chính thức tạo ra

Khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài đang tạo ra 1/4 việc làm trong tổng số việc làm do khu vực doanh nghiệp chính thức tạo ra

Báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam của WB vừa công bố đã gọi hoạt động của khu vực doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI là hai thái cực.

Ở thái cực thứ nhất, số lượng doanh nghiệp trong nước đóng cửa hoặc tạm ngừng hoạt động vẫn tăng. Năm 2013, tổng số doanh nghiệp đóng cửa hay ngừng hoạt động là 61.000 doanh nghiệp, tăng mạnh so với con số 47.000 của năm 2010. Trong 10 tháng đầu năm 2014, có thêm 54.000 doanh nghiệp rơi vào tình trạng này – tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Lo ngại chính nằm chỗ cùng giai đoạn này, số lượng doanh nghiệp mới thành lập lại giảm 6,5%.

“Doanh nghiệp trong nước dường như chịu tác động bởi các yếu tố tiếp cận nguồn vốn hạn chế, nhu cầu tiêu dùng trong nước thấp và sân chơi bất bình đẳng so với khu vực doanh nghiệp nhà nước”, Báo cáo nhận định.

Ở thái cực bên kia, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) dường như không phải chịu quá nhiều áp lực của hệ thống quản lý trong nước. Thậm chí, khu vực này còn đang được xác định là nguồn tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế Việt Nam.

“Khu vực này đóng góp 20% GDP, 22% tổng vốn đầu tư, 2/3 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và tạo ra ¼ việc làm cho khu vực doanh nghiệp chính thức”, Báo cáo nhận định và cho rằng, yếu tố thu hút các nhà đầu tư quốc tế của Việt Nam bao gồm giá nhân công cạnh tranh, lực lượng lao động tương đối có tay nghề và kỷ luật, tinh hình chính trị ổn định và vị trí liên kề chuỗi cung ứng của Trung Quốc.

Ông Sandeep Mahajan, Chuyên gia kinh tế trưởng, Trưởng nhóm Báo cáo đã lo ngại nhấn mạnh sự đối nghịch này kèm với khuyến nghị cần phải đẩy mạnh chính sách hỗ trợ khối doanh nghiệp tư nhân phát triển.

“Khối doanh nghiệp tư nhân trọng nước mạnh hơn cũng là một giải pháp để tối ưu hóa tác động của FDI tới nền kinh tế, đưa khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu”, ông Sandeep Mahajan bình luận.

Cũng phải nói thêm, ông Sandeep cho rằng, tốc độ tăng trưởng sáng sủa của dòng vốn FDI thời gian qua chứng tỏ niềm tin của cộng đồng đầu tư thế giới vào nền kinh tế Việt Nam.

“Chúng tôi đã khảo sát các nhà quản lý của các doanh nghiệp FDI trong ngành chế tạo tại Việt Nam, họ đều lạc quan nói đến kế hoạch mở rộng hoạt động. Lần khảo sát vào tháng 9/2013 không cho được kết quả khả quan như vậy. Đặc biệt, trong khoảng 4-5 tháng trở lại đây, cộng với sự cải thiện đáng kể của môi trường kinh doanh toàn cầu, lòng tin của các nhà đầu tư nươc ngoài tại Việt Nam đã tăng rất tốt”, ông Sandeep cho biết.

Tuy nhiên, ông này cũng đặt câu hỏi, Việt Nam được hưởng lợi gì từ quá trình đó. Các chính sách của Chính phủ đều thể hiện mong muốn thu hút vốn FDI vào sản xuất, chứ không chỉ lắp ráp, gia công xuất khẩu như hiện nay; mong muốn tối ưu hiệu quả FDI tại Việt Nam.

“Vấn đế là thực hiện tốt các quy định đó cộng với cơ chế theo dõi, đánh giá, kiểm soát việc thực hiện. Cộng với việc thực hiện tốt hơn các văn bản luật pháp  mới, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Phá sản…, các văn bản về cải thiện môi trường kinh doanh, khu vực doanh nghiệp trong nước sẽ có điều kiện để cải thiện năng lực cạnh tranh”, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam bình luận.

Tin bài liên quan