Nhằm tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh, cần phải cải thiện cách thức xây dựng pháp luật kiểu “đập đi xây mới” như hiện nay

Nhằm tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh, cần phải cải thiện cách thức xây dựng pháp luật kiểu “đập đi xây mới” như hiện nay

Nghị định, thông tư: Rào cản lớn nhất về thủ tục thông thoáng

(ĐTCK) Cuộc bình chọn văn bản quy phạm pháp luật tốt và chưa tốt do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện cuối năm 2015 và công bố kết quả mới đây cho thấy, nghị định và thông tư chiếm tỷ lệ lớn nhất trong các đề cử kém.

Cụ thể, ở hạng mục kém, nghị định và thông tư được đề cử lần lượt là 37% và 33%, trong khi các quy định trong luật là 24%; ở hạng mục tốt, trong khi các quy định trong Luật được đề cử 43%, thì nghị định và thông tư là 25%. Điều này phản ánh một bất cập đã tồn tại lâu nay, đó là nhiều rào cản, thách thức được tạo ra từ “giấy phép con” dưới luật.

Nhằm bảo đảm tính minh bạch, nhất quán của pháp luật, giảm tối đa rủi ro đối với người dân và doanh nghiệp, nâng cao lòng tin của người dân và doanh nghiệp đối với luật pháp, cần nhanh chóng sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo hướng cho phép áp dụng trực tiếp tất cả các điều, khoản của Hiến pháp, luật và pháp lệnh.

Trong thời gian tới, nên xem xét phương pháp ban hành các luật theo hướng bổ sung, mà không thay thế hoàn toàn các đạo luật ban hành trước đó.

Chính phủ chỉ có thẩm quyền ban hành nghị định hướng dẫn thực hiện luật, pháp lệnh trong những nội dung do luật, pháp lệnh đó quy định. Trường hợp các điều khoản của luật, pháp lệnh, nghị định có nhiều cách hiểu và áp dụng khác nhau, người dân và doanh nghiệp được quyền chọn cách áp dụng có lợi nhất cho mình và không được coi đó là vi phạm pháp luật.

Cùng với đó, cần thu hẹp phạm vi và thẩm quyền ban hành thông tư của các bộ, cơ quan ngang bộ. Chẳng hạn, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ chỉ được quyền ban hành thông tư để quy định quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật của ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền do luật định; hướng dẫn về hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện các điều, khoản mà nghị định có liên quan yêu cầu hướng dẫn.

Nội dung cụ thể của thông tư phải xác định rõ tên, số điều khoản của nghị định được hướng dẫn thi hành; thông tư không được có các quy phạm về nội dung. Việc doanh nghiệp và người dân thực hiện khác với quy định của thông tư do các bộ ban hành không bi coi là vi phạm luật pháp; cán bộ, công chức nhà nước có liên quan có nghĩa vụ hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định đó.

Bãi bỏ việc hướng dẫn, chỉ đạo hành chính của cơ quan cấp trên đối với cơ quan cấp dưới trong việc thực hiện các điều khoản của luật, pháp lệnh và nghị định. Thay vào đó, nên nghiên cứu, tổng kết các kinh nghiệm thực tiễn và xây dựng các cuốn cẩm nang giải thích  nội dung, ý nghĩa các điều khoản của pháp luật, cũng như cách thức thực hiện.

Tiến sỹ Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Kinh tế - Dân sự, Bộ Tư pháp từng nhấn mạnh rằng, nhiều quy định về pháp luật kinh tế được ban hành không phù hợp với thực tế, do việc khảo sát, đánh giá thực tiễn về những vấn đề có liên quan chưa được thực hiện tốt.

Gần đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất các giải pháp sửa một số quy định liên quan đến tích tụ ruộng đất trong sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, chẳng hạn như nuôi tôm và trồng lúa, gạo… để trình Quốc hội phê chuẩn.

Khi Chính phủ lắng nghe và coi việc sửa đổi thể chế theo hướng tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên, cần phải cải thiện cách thức xây dựng pháp luật như hiện nay.

Lấy cách thức xây dựng Bộ luật Dân sự 1995 làm ví dụ. Năm 1995, Quốc hội ban hành Bộ luật Dân sự đầu tiên với 838 điều, sau 10 năm (năm 2005), Quốc hội ban hành Bộ luật Dân sự mới, thay thế toàn bộ Bộ luật Dân sự 1995 với 777 điều, và 10 năm sau (năm 2015) tiếp tục ban hành Bộ luật Dân sự mới khác, thay thế Bộ luật Dân sự 2005.

Phương thức xây dựng pháp luật kiểu “đập đi xây mới” như trên không chỉ gây tốn kém thời gian, tiền bạc, mà còn tạo ra không ít khó khăn trong việc theo dõi và thi hành luật, không chỉ đối với các tổ chức, cá nhân liên quan, mà còn với các cơ quan nhà nước. Vì vậy, trong thời gian tới, nên xem xét phương pháp ban hành các luật theo hướng bổ sung, mà không thay thế hoàn toàn các đạo luật ban hành trước đó.

Trên thế giới, cách làm trên rất phổ biến. Chẳng hạn, Bộ luật Dân sự Pháp từ năm 1804 đến nay vẫn tồn tại. Bộ luật này không bất biến, mà luôn được sửa đổi, bổ sung bằng các đạo luật do Quốc hội Pháp ban hành trong hơn 100 năm qua.

Cũng chính nhờ phương pháp này mà Bộ luật Dân sự Pháp luôn giữ được tên gọi cũ, trong khi nội dung vẫn được hoàn thiện cho phù hợp với hoàn cảnh của nước Pháp trong từng thời kỳ.

Tin bài liên quan