Nghệ An: thêm 3 dự án xi măng, công suất gần 10 triệu tấn

Ba dự án xi măng đang và chuẩn bị được đầu tư tại tỉnh Nghệ An có công suất thiết kế xấp xỉ 10 triệu tấn, đưa địa phương này trở thành địa chỉ đỏ về đầu tư xi măng tại thời điểm này.

Nghệ An: thêm 3 dự án xi măng, công suất gần 10 triệu tấn

Theo báo cáo của UBND tỉnh Nghệ An, Công ty cổ phần Xi măng Tân Thắng, chủđầu tư Dự án Xi măng Tân Thắng (đóng tại huyện Quỳnh Lưu), dự án mới nhất được cấp phép đầu tư tại địa phương này, đã chuẩn bị gần xong thủ tục đầu tư để tiến hành khởi công xây dựng Nhà máy. Dự án có công suất gần 2 triệu tấn xi măng/năm (5.000 tấn clinker/ngày), tổng vốn đầu tư lên tới 4.544 tỷ đồng và dự kiến chạy lò vào cuối năm 2017.

Mới đây, 2 tổ chức tín dụng lớn là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank) đã đồng ý cho Công ty cổ phần Xi măng Tân Thắng vay hơn 3.150 tỷ đồng, trong đó BIDV là đầu mối thu xếp 2.400 tỷ đồng, BacABank tài trợ 750 tỷ đồng trong 12 năm.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Cao Điến, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xi măng Tân Thắng xác nhận, Công ty đã hoàn thành công tác đấu thầu, đàm phán hợp đồng gói mua sắm dây chuyền của Nhà máy với 14 nhà thầu quốc tế. Các nhà thầu đã giới thiệu nhiều công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại bậc nhất thế giới, với giá thành khá cạnh tranh.

Theo ông Hồ Đức Phớc, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, xi măng là một trong những ngành thu hút vốn đầu tư lớn vào Nghệ An trong thời gian gần đây. Tính cả Xi măng Tân Thắng, hiện có 4 dự án xi măng lớn đang và chuẩn bị đầu tư tại địa phương, gồm Xi măng Sông Lam (công suất 7,2 triệu tấn, vốn đầu tư trên 10.500 tỷ đồng), Xi măng Sông Lam 2 (gần 1 triệu tấn, hơn 1.000 tỷ đồng), Xi măng Hoàng Mai (2,2 triệu tấn, 4.500 tỷ đồng).

Tính thêm cả Hoàng Mai 1 (1,7 triệu tấn đang vận hành), thì tổng công suất của các dự án này đã lên tới hơn 13 triệu tấn. “Các dự án xi măng công suất lớn đổ dồn về Nghệ An bởi đây là một trong số ít các tỉnh có nguồn tài nguyên khoáng sản đá vôi và đất sét để sản xuất xi măng với trữ lượng rất lớn”, ông Phớc nhấn mạnh. Điều đáng nói là, các dự án xi măng trên đều dồn dập đổ vào Nghệ An trong năm 2015. Tháng 2/2015, Tập đoàn Xi măng The Vissai khởi công Dự án Xi măng Sông Lam, đến tháng 3/2015 lại tiếp tục hoàn thiện Dự án Xi măng Sông Lam 2 (tiền thân là Dự án Xi măng 12/9), dự kiến sẽ chạy lò vào ngày 2/9 tới. Và tới đây, Dự án Xi măng Tân Thắng sẽ khởi công.

Triển khai đầu tư trong điều kiện ngành xi măng cung đang vượt cầu, nhưng chủ đầu tư các dự án kể trên đều khá tự tin khẳng định đã lo được cơ bản đầu ra cho sản phẩm.

Theo ông Điến, sản phẩm của Xi măng Tân Thắng là PCB50, PCB40 chất lượng cao, sẽ được tiêu thụ chủ yếu (70% sản lượng) tại thị trường trọng điểm Nghệ An - Hà Tĩnh, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, một phần sẽ được xuất khẩu sang Lào và một số thị trường trong khu vực.

Trong khi đó, Tập đoàn The Vissai cho biết, họ đang triển khai đầu tư xây dựng Cảng biển quốc tế tại xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, Nghệ An… “Để xuất khẩu được xi măng, clinker từ Nhà máy Xi măng Sông Lam, Sông Lam 2, chúng tôi phải đầu tư cảng biển quốc tế”, đại diện Vissai nói.

Tin bài liên quan