Theo quy hoạch, từ nay đến năm 2020, nhu cầu vốn đầu tư cho ngành than vào khoảng 96.566 tỷ đồng

Theo quy hoạch, từ nay đến năm 2020, nhu cầu vốn đầu tư cho ngành than vào khoảng 96.566 tỷ đồng

Ngành than lo tìm vốn

(ĐTCK) Với quan điểm huy động nguồn vốn từ nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển, Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn 2030 (điều chỉnh) đang thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp.

Theo quy hoạch phát triển ngành than vừa được Bộ Công thương công bố, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho ngành đến năm 2030 dự kiến lên tới 269.003 tỷ đồng, bình quân 17.934 tỷ đồng/năm. Giai đoạn từ nay đến năm 2020, nhu cầu vốn đầu tư cho ngành này vào khoảng 96.566 tỷ đồng, bình quân 19.313 tỷ đồng/năm; trong đó, đầu tư mới và cải tạo mở rộng là 89.026 tỷ đồng; đầu tư duy trì sản xuất là 7.540 tỷ đồng. Giai đoạn 2021 – 2030, nhu cầu vốn đầu tư cho ngành than khoảng 172.437 tỷ đồng, bình quân 17.244 tỷ đồng/năm; trong đó đầu tư mới và cải tạo mở rộng là 146.880 tỷ đồng; đầu tư duy trì sản xuất là 25.557 tỷ đồng.

Nguồn vốn lớn phục vụ cho nhu cầu đầu tư của ngành than, theo bản quy hoạch, sẽ từ nguồn vốn tự có, vay thương mại, vay ưu đãi, huy động qua thị trường chứng khoán và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Theo ông Lê Khắc Thọ,  Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng, Bộ Công thương, Chính phủ sẽ kêu gọi xã hội hóa tham gia cung cấp nguồn vốn cho các dự án đầu tư phát triển ngành than thông qua các hình thức đa dạng như đầu tư – xây dựng – chuyển giao (BOT), hợp tác công tư (PPP)... Việc huy động các thành phần kinh tế tham gia đầu tư sẽ tập trung vào các hạng mục cơ sở hạ tầng, cảng biển, vận tải, hệ thống sàng tuyển than, thông qua hình thức đa dạng hóa đầu tư, cổ phần hóa. Riêng khâu khai thác vẫn sẽ do Nhà nước quản lý để đảm bảo quản lý nguồn tài nguyên quốc gia.

Đối với hoạt động nhập khẩu than, ông Thọ cho biết, ngoài Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản (TKV), sẽ có hai đơn vị đầu mối khác được cấp phép nhập khẩu than để cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện là Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, để đảm bảo cung ứng đủ than cho nhiệt điện, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Đánh giá về vai trò của ngành than trong sản xuất và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, Bộ Công thương khẳng định, ngành than vẫn chiếm tỷ trọng lớn, đặc biệt là trong sản xuất điện thương phẩm. Cụ thể, theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, nhu cầu than riêng cho ngành điện đến năm 2020 chiếm khoảng 49,3% điện sản xuất, tiêu thụ khoảng 63 triệu tấn than; năm 2025, tỷ trọng nhiệt điện trong điện sản xuất tăng lên, chiếm khoảng 55%, lượng than tiêu thụ cũng tăng lên tới 95 triệu tấn than; đến năm 2030, tỷ trọng nhiệt điện cũng vẫn xấp xỉ 53,2% tổng lượng điện sản xuất, trong khi lượng than tiêu thụ tăng mạnh lên tới 129 triệu tấn. Điều này cho thấy, tỷ trọng nhiệt điện sử dụng than ngày càng tăng trong sản xuất điện năng, khẳng định vai trò quan trọng của ngành than cũng như nhu cầu lớn trong việc đầu tư phát triển ngành này để đảm bảo cung cấp đủ cho nhu cầu tăng trưởng kinh tế cũng như an ninh năng lượng quốc gia.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Biên, Phó tổng giám đốc TKV, ngành than đang đứng trước nhiều thách thức, bản thân TKV gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh trong vài năm trở lại đây do giá than giảm sút, cung lớn hơn cầu, than sản xuất trong nước không cạnh tranh nổi với than nhập khẩu do thuế phí môi trường ngày càng gia tăng.

Thừa nhận những khó khăn lớn này đối với phát triển ngành than, ông Nguyễn Khắc Thọ cho biết, những năm gần đây, ngành than bị tác động mạnh bởi giá than thế giới giảm sâu và kéo dài. Trong khi đó, hiện tại ngành than đang khai thác trong điều kiện ngày càng khó khăn, suất đầu tư có xu hướng gia tăng do điều kiện khai thác xuống sâu hơn. Bản thân TKV đã phải có những thay đổi trong điều hành sản xuất - kinh doanh để vừa đảm bảo phát triển ngành than, vừa sử dụng hiệu quả vốn đầu tư, đảm bảo việc làm cho cán bộ, công nhân mỏ.

Cùng với những khó khăn này thì việc bố trí thu xếp các nguồn vốn đầu tư cũng ngày càng hạn chế bởi nhu cầu đầu tư lớn do điều kiện khai thác ngày càng khó khăn, mặt khác để đáp ứng được nhu cầu khai thác than theo Quy hoạch điều chỉnh thì chỉ riêng nguồn vốn nhà nước không thể đảm bảo cho nhu cầu đầu tư nâng cấp hoàn thiện cơ sở hạ tầng để tăng công suất và sản lượng khai thác.

Vì vậy, theo ông Thọ, việc đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư là cần thiết. Việc xã hội hóa phát triển ngành than cũng sẽ mở ra những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp, tổ chức thuộc mọi thành phần kinh tế ngoài nhà nước có thể tham đầu tư và phát triển nhằm đáp ứng mục tiêu xây dựng ngành than Việt Nam trở thành ngành công nghiệp phát triển; có sức cạnh tranh cao; có trình độ công nghệ tiên tiến so với khu vực.        

Tin bài liên quan