Ngành tài chính phải trên nóng, dưới nóng

Ngành tài chính phải trên nóng, dưới nóng

(ĐTCK) Việc đổi mới chính sách tài chính phải góp phần khắc phục tình trạng “làm khó” cho người dân và doanh nghiệp, qua đó tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất kinh doanh. Đây là chỉ đạo mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành tài chính phải tập trung triển khai trong năm 2018.

Doanh nghiệp bị làm khó

Trong hơn 1 giờ phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ tài chính, ngân sách Nhà nước năm 2018 do Bộ Tài chính tổ chức ngày 8/1/2018, quá nửa thời gian Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập đến những nội dung liên quan đến chính sách thuế.

“Chính sách tài chính, nhất là chính sách thuế thay đổi quá nhanh, quá nhiều dẫn đến không ít hệ lụy cho người dân và doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp mắc lỗi khi bị thanh, kiểm tra thuế do cố tình vi phạm, nhưng cũng có doanh nghiệp bị oan sai bởi sự thay đổi chính sách quá nhanh. Đây là lỗi từ phía cơ quan nhà nước. Thay đổi nhanh như thế chứng tỏ chính sách chưa theo kịp thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, thiếu sâu sát thực tế đời sống, thiếu phản biện, lắng nghe…”, Thủ tướng nhận định, đồng thời yêu cầu Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính phải quan tâm khắc phục tình trạng này để chính sách thuế nói riêng, tài chính nói chung theo kịp thực tế phát triển, ổn định tương đối dài từ 5 - 10 năm.

Bên cạnh đó, theo Thủ tướng, chính sách thuế hiện vẫn còn tư duy có lợi cho cơ quan quản lý nhà nước mà chưa hướng đến quan điểm bảo vệ quyền lợi của người nộp thuế. Xuyên suốt các luật thuế, quyền của cơ quan quản lý nhà nước rất lớn với việc kiểm tra, thanh tra, cưỡng chế, xử lý hành vi vi phạm, thậm chí chuyển cơ quan điều tra…

Thế nhưng quyền của người nộp thuế, chủ yếu là doanh nghiệp và người dân còn rất ít. Chưa kể, chính sách thuế luôn được giải thích theo hướng có lợi cho cơ quan quản lý nhà nước. Đây là vấn đề lớn mà toàn ngành thuế phải tập trung thảo luận. Việc sửa đổi pháp luật về thuế tới đây phải quy định rõ việc bảo vệ quyền lợi của người nộp thuế.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, theo nhìn nhận của Thủ tướng, chính sách tài chính, chính sách thuế còn chậm, các quy định về chính sách thuế chưa theo kịp, chưa tương thích với quy định của OECD, Liên Hợp quốc…, nên các hoạt động chuyển nhượng vốn, cổ phần gián tiếp nước ngoài Việt Nam giữa các tập đoàn nước ngoài thường không thu được thuế hoặc có thu thì cũng xảy ra tranh chấp quốc tế. 

Do đó, ngành tài chính phải rà soát lại các quy định về chính sách thuế hiện hành, so sánh, đối chiếu với các quy định, chuẩn mực của OECD, Liên Hợp Quốc để hoàn thiện các luật thuế lần này theo hướng theo kịp, tương thích với quy định quốc tế.

“Cán bộ tài chính còn nhũng nhiễu…”

Thủ tướng thẳng thắn nói như vậy và cho rằng, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong ngành tài chính vẫn đáng lo ngại.

“Đừng nghĩ những tiêu cực đó Thủ tướng, Phó thủ tướng, Bộ trưởng tài chính cũng như lãnh đạo Bộ không biết...", Thủ tướng phát biểu.

Cũng theo người đứng đầu Chính phủ, một bộ phận cán bộ ngành tài chính còn nhũng nhiễu, thờ ơ với sự sống còn của doanh nghiệp, chưa nghiên cứu tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân. Yêu cầu ngành tài chính có biện pháp mạnh để dẹp bỏ ngay tình trạng này. Dân nói trên nóng dưới lạnh, ngành tài chính phải có chương trình hành động để trên nóng dưới cũng phải nóng. Đi liền với đó là kiểm tra, xử lý nghiêm, đưa ra khỏi ngành cán bộ, công chức hư hỏng...

Cam kết với Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết sẽ tiếp thu toàn bộ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng bằng việc đề ra các giải pháp, chương trình hành động cụ thể, nhất là ở khía cạnh tập trung tham mưu chính sách tài chính phù hợp với thông lệ quốc tế, để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; kiên quyết chống tiêu cực trong toàn ngành, nhất là lĩnh vực thuế và hải quan.

Tư lệnh ngành tài chính cũng cam kết trong năm nay tập trung khắc phục các hạn chế về nợ đọng thuế có khả năng thu còn lớn, tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn chậm so với yêu cầu. Bám sát thực tiễn, Bộ Tài chính tập trung triển khai 9 nhóm giải pháp với 29 giải pháp cụ thể trong năm nay, qua đó huy động tốt hơn các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia… 

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu thời gian tới, ngành tài chính phải phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung chỉ đạo cổ phần hóa và bán vốn nhà nước phải theo lộ trình, đảm bảo chặt chẽ, minh bạch trên sàn chứng khoán. Phải làm tốt như thoái vốn Nhà nước tại Vinamilk, Sabeco năm 2017. Quá trình cổ phần hóa, thoái vốn minh bạch sẽ thu hút được nhà đầu tư, không chỉ thu hồi vốn về cho nhà nước, mà còn chống tham nhũng, tiêu cực nhờ có sự giám sát của nhiều cổ đông. 

Tin bài liên quan