Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trò chuyện với các đại biểu bên hành lang Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh ASEAN 2016

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trò chuyện với các đại biểu bên hành lang Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh ASEAN 2016

Nắm bắt cơ hội trong môi trường kinh doanh mới

(ĐTCK) “Thế giới và khu vực ASEAN đang phải đối mặt với những thách thức to lớn trên nhiều lĩnh vực về an ninh, kinh tế, lương thực, tiền tệ, biến đổi khí hậu, chủ nghĩa bảo hộ đang có nguy cơ trở lại...”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh ASEAN 2016 khai mạc sáng 9/12 tại Hà Nội.

Đề cập về hội nhập, Thủ tướng cho rằng, ASEAN không chỉ là thị trường rộng lớn với dân số hơn 600 triệu người, mà còn là khu vực kinh tế có quy mô GDP đạt gần 3.000 tỷ USD đang phát triển mạnh mẽ với cộng đồng doanh nghiệp ASEAN năng động, sáng tạo.

Từng thành viên ASEAN không thể phát triển nếu chỉ dựa vào khai thác tài nguyên và lao động giản đơn, mà cần đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu sâu hơn và vươn lên các mức giá trị gia tăng cao hơn.

Theo đó, cộng đồng doanh nghiệp ASEAN có vai trò là chủ thể, là động lực của tiến trình liên kết kinh tế và đóng vai trò khởi xướng các ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp, tạo động lực mới trong phát triển thương mại và đầu tư.

“Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và chào đón các doanh nghiệp ASEAN và quốc tế chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư tin cậy và hấp dẫn”, Thủ tướng khẳng định.

Thông điệp đổi mới và sáng tạo đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng làm rõ hơn khi ông chia sẻ rằng, sau hơn 20 năm chính thức tham gia hội nhập quốc tế, ASEAN là sân chơi đầu tiên và vẫn là sân chơi quan trọng nhất của Việt Nam, nhất là khi sân chơi đó đã mở rộng không gian, trở thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).

Trong sân chơi này, tuy Việt Nam thuộc nhóm trung bình, nhưng là quốc gia đang có triển vọng, có nhiều dư địa và cơ hội chín muồi cho đầu tư và kinh doanh. Điều quan trọng hơn là Việt Nam có sự mong muốn và chuẩn bị khá kỹ càng để đón nhận các dự án đầu tư quy mô lớn và tầm cỡ chiến lược.

“Chúng tôi hiểu rằng cần phải thu hẹp nhanh khoảng cách phát triển giữa Việt Nam với các nước thuộc nhóm trên. Để làm được điều này, Việt Nam đang theo đuổi định hướng chiến lược là phải phát triển với tốc độ thật nhanh, bền vững và mong muốn cũng như sẽ làm mọi việc để Việt Nam ở vị trí số một trong danh sách lựa chọn điểm đến làm ăn của các nhà đầu tư trong khu vực Đông Nam Á”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu quan điểm.

Trước cộng đồng nhà đầu tư quốc tế, ông cũng chia sẻ rất cụ thể về một loạt các chính sách và định hướng lớn, trong đó quan trọng nhất là thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, nỗ lực tìm kiếm mô hình tăng trưởng mới, động lực tăng trưởng mới gắn với tăng năng suất lao động, cải thiện chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Đây chính là những thay đổi mà các doanh nghiệp cần nắm vững để từ đó có chiến lược thích ứng cho riêng mình. Cụ thể, Việt Nam sẽ hoàn thiện thể chế thị trường của nền kinh tế, ưu tiên tập trung vào thể chế thị trường các nhân tố sản xuất như thị trường vốn, thị trường quyền sử dụng đất, bất động sản, thị trường lao động...

Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện những cải cách mạnh mẽ, đột phá đối với khu vực kinh tế nhà nước nói chung và doanh nghiệp nhà nước nói riêng, trong đó đẩy nhanh tiến độ quá trình cổ phần hóa và thoái vốn đối các doanh nghiệp lớn trong các lĩnh vực như: vận tải, hạ tầng, lương thực, thực phẩm, nông nghiệp, viễn thông, thương mại, dịch vụ, du lịch, xây dựng...; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, đảm bảo cạnh tranh công bằng và bình đẳng, trong đó, khuyến khích mạnh mẽ phát triển khu vực kinh tế tư nhân để thực sự trở thành động lực của tăng trưởng kinh tế.

Thực hiện đột phá về phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông là nhóm giải pháp được Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh tại Hội nghị. Theo đó, nhu cầu đầu tư, nhất là đầu tư phát triển hạ tầng của Việt Nam rất lớn và gia tăng nhanh chóng. Hiện hệ thống đường bộ cao tốc, đường sắt cao tốc, sân bay, bến cảng... đều đang trong giai đoạn đầu phát triển, yêu cầu mở rộng và phát triển mạng lưới hạ tầng đang trở nên cấp bách để kết nối kinh tế Việt Nam với kinh tế khu vực và thế giới.

Ngoài vốn đầu tư nhà nước thì đối tác công - tư (PPP) được xem là phương thức phổ biến để huy động vốn cho phát triển hạ tầng. Đây là một lĩnh vực mà các nhà đầu tư nước ngoài sẽ có cơ hội đầu tư và cũng là kỳ vọng của Chính phủ Việt Nam đối với nhà đầu tư và đối tác phát triển nước ngoài.

Đặc biệt, Bộ trưởng cho biết, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngày nay. Nguồn nhân lực chất lượng cao là lực lượng trực tiếp tạo ra tri thức và sáng tạo trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Vì vậy, Việt Nam sẽ tăng cường thu hút các nguồn lực để đầu tư phát triển nguồn nhân lực, tận dụng có hiệu quả lợi thế cơ cấu “dân số vàng” để bứt phá phát triển. Việt Nam sẽ chú trọng đào tạo nguồn nhân lực quản trị, chuyên gia, lao động có tay nghề cao.

Đáng chú ý, hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) gắn với đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong các lĩnh vực như: vận tải, hạ tầng, lương thực, thực phẩm, nông nghiệp, viễn thông, thương mại, dịch vụ, du lịch, xây dựng... sẽ được thúc đẩy. Đây là cơ hội lớn để các nhà đầu tư, doanh nghiệp tìm kiếm đối tác chiến lược trong các lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển.

Việt Nam kêu gọi đối tác nước ngoài đầu tư gắn với lợi ích lâu dài của doanh nghiệp và hỗ trợ chuyển giao công nghệ mới; nâng cao giá trị thương hiệu, năng lực tài chính; quản trị doanh nghiệp; cung ứng nguyên vật liệu; tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Trong thông điệp gửi đến cộng đồng doanh nhân ASEAN, Bộ trưởng còn nhấn mạnh đến chủ trương thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp. Việt Nam dự kiến sẽ sớm thông qua Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhằm thiết lập khung pháp lý với các giải pháp hỗ trợ căn bản về môi trường đầu tư kinh doanh, thông tin, thị trường, mặt bằng sản xuất, tín dụng, ưu đãi về thuế, tăng cường liên kết chuỗi giá trị, qua đó thúc đẩy nền kinh tế phát triển dựa trên năng suất, hiệu quả và bền vững.

Cần ưu đãi riêng cho nhà đầu tư ASEAN

Nắm bắt cơ hội trong môi trường kinh doanh mới  ảnh 1

Ông Lito Camacho, Phó Chủ tịch khu vực châu Á –Thái Bình Dương Credit Suisse 

Việc phát triển thị trường chung ASEAN diễn tiến khá chậm chạp. Việc hợp tác về thương mại mới đạt khoảng 50%. Các doanh nghiệp chưa thể tận hưởng một cộng đồng kinh tế chung với việc dễ dàng luân chuyển nguồn vốn, nhân lực hay việc tiến hành kinh doanh tại các thị trường trong khu vực.

Một vấn đề nữa là Cộng đồng kinh tế chung ASEAN đáng lẽ phải dành những ưu tiên riêng cho nhà đầu tư, doanh nghiệp trong khu vực này. Trong khi đó, theo đánh giá của tôi, các nhà đầu tư, doanh nghiệp tại khắp nơi trên thế giới đang được đối xử tương đương nhau khi hoạt động tại ASEAN. Lẽ ra, công dân ASEAN, người dân ASEAN, nhà đầu tư ASEAN phải nhận được những ưu đãi khác biệt tại AEC.

Chúng tôi lạc quan về triển vọng tăng trưởng của ASEAN

Nắm bắt cơ hội trong môi trường kinh doanh mới  ảnh 2

Ông Rakesh Kochhar, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách tài chính Nissan 

Có thể tốc độ tăng trưởng tại ASEAN trong 10 năm qua không được như kỳ vọng của chúng ta, nhưng nhìn vào tiềm năng, vào cơ cấu dân số trẻ, vào sự thuận tiện trong lưu thông, chúng tôi vẫn rất lạc quan vào triển vọng tăng trưởng kinh tế của khu vực này nói chung và ngành công nghiệp ô tô nói riêng. Cụ thể hơn, tôi lạc quan vào khả năng phát triển của Nissan tại khu vực ASEAN.

Trong bối cảnh hiện tại, có nhiều lo ngại về việc dòng tiền tháo chạy khỏi thị trường mới nổi, đồng USD mạnh hơn, các đồng tiền châu Á yếu đi, nhưng theo tôi đó chỉ là biến động trong ngắn hạn. Về dài hạn, châu Á, đặc biệt là ASEAN vẫn là khu vực sẽ thu hút đầu tư và có khả năng tăng trưởng mạnh. Tôi tin rằng, sự có mặt trên quy mô rộng khắp, các nhà máy tại Thái Lan, Indonesia sẽ giúp Nissan bắt kịp xu hướng và tận dụng được lợi thế để tăng trưởng.

Tin bài liên quan