Việt Nam đang trở thành địa điểm đầu tư hấp dẫn của các tập đoàn lớn

Việt Nam đang trở thành địa điểm đầu tư hấp dẫn của các tập đoàn lớn

Một tuần bận rộn của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh

Một tuần vô cùng bận rộn của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, khi xen lẫn trong lịch trình ken đặc của Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội Khóa XIII, ông có hai buổi tiếp lãnh đạo của hai tập đoàn lớn toàn cầu: Samsung (Hàn Quốc) và Coca-Cola (Mỹ).

Chi tiết cuộc gặp không được tiết lộ, song sự xuất hiện của lãnh đạo hai tập đoàn lớn này nhiều khả năng liên quan đến các kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam mà họ đã từng nhiều lần đề cập.

Chủ tịch Coca-Cola, ông Muhtar Kent, cuối năm 2012 sang Việt Nam và đã công bố, Coca-Cola sẽ đầu tư thêm 300 triệu USD vào Việt Nam cho đến cuối năm 2015. Trong khi đó, Tập đoàn Samsung, bên cạnh khoản đầu tư 5,8 tỷ USD hiện tại, cũng đang lên kế hoạch tham gia một loạt dự án đầu tư lớn ở Việt Nam, với quy mô hàng tỷ USD, như Lọc dầu Long Sơn, Đóng tàu Nha Trang, Nhiệt điện Vũng Áng 3…

Cũng trong tuần này, theo kế hoạch, ngày mai (12/6), Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung sẽ cùng tham gia buổi tiếp bà Marjorie Yang, Chủ tịch Tập đoàn Esquel (Hồng Kông) của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải.

Tuần trước, bà Marjorie Yang đã buổi làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung, với kế hoạch mở rộng đầu tư, sản xuất - kinh doanh tại tỉnh này, sau hơn 14 năm hoạt động tại đây. “Chúng tôi sẽ đưa các công nghệ mới, dây chuyền hiện đại tới nhà máy mới ở Bình Dương”, bà Marjorie Yang cho biết.

Esquel một trong những tập đoàn dệt may hàng đầu thế giới. Xây nhà máy tại Khu công nghiệp VSIP 1 Bình Dương từ năm 1996, nay Esquel muốn mở rộng đầu tư, nhằm đón đầu cơ hội từ việc Việt Nam đàm phán gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Sự xuất hiện của lãnh đạo 3 tập đoàn lớn trong vòng một tuần, trên thực tế, không phải là điều quá bất ngờ. Lý do là, suốt thời gian qua, liên tục có các tập đoàn lớn trên toàn cầu đến Việt Nam tìm kiếm các cơ hội đầu tư.

Tuy nhiên, nếu đặt trong bối cảnh những hệ lụy từ sự cố ngày 13 - 14/5, khiến môi trường đầu tư Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực trong con mắt các nhà đầu tư nước ngoài, thì có thể thấy, sự xuất hiện của các tập đoàn này đã cho thấy những nỗ lực rất lớn của Chính phủ Việt Nam trong giải quyết sự cố, cam kết đảm bảo an toàn tuyệt đối về tính mạng, tài sản cho nhà đầu tư, cũng như việc tích cực hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị thiệt hại đã phát huy tác dụng.

Tuần trước, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng vô cùng bận rộn với các chương trình nghị sự của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), với các cam kết bảo vệ tài sản, tính mạng của nhà đầu tư, cũng như tích cực thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị thiệt hại. Và tuần này, ông vui mừng khi các tập đoàn lớn vẫn đang tìm đến Việt Nam như là một điểm đến đáng tin cậy.

Song trên một khía cạnh khác, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, bản thân Việt Nam cũng phải tích cực hơn nữa trong việc tìm đến các tập đoàn lớn trên toàn cầu, không phải chỉ để tăng cường thu hút đầu tư mới, mà còn có thể tham gia những dự án lớn, đặc biệt là khai thác khoáng sản, điện…, những lĩnh vực mà các tập đoàn lớn của Trung Quốc đang tham gia với tư cách tổng thầu EPC.

Sau vụ việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, rất nhiều quan điểm cho rằng, phải có giải pháp để nền kinh tế Việt Nam không quá lệ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc.

“Đó chính là một phần trách nhiệm của các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài”. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã nói như vậy trong buổi tiếp với các đại diện cơ quan ngoại giao ở nước ngoài nhiệm kỳ 2014 - 2017 vào ngày hôm qua (10/6), trong lịch trình bận rộn của mình.

“Lúc này, lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc là trên hết. Ngoại giao bây giờ phải làm kinh tế”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói và nhấn mạnh rằng, sau sự cố 13 - 14/5, các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài cũng phải gánh vác thêm trách nhiệm chia sẻ thông tin để các nhà đầu tư nước ngoài hiểu về môi trường đầu tư, kinh doanh và tiếp tục tìm đến Việt Nam.

Cùng chung quan điểm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn cũng cho rằng, đã đến lúc, công tác ngoại giao không thể chỉ ngoại giao đơn thuần, mà phải gắn với phục vụ mục đích kinh tế, phục vụ lợi ích của dân tộc. “Các đại diện ngoại giao ở nước ngoài cũng có trách nhiệm khai thác vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn ODA và cả tìm kiếm các thị trường mới cho xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn nói.

Lịch trình một tuần bận rộn của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh rất có ý nghĩa, khi kết thúc bằng việc ông sẽ tham gia thảo luận ở tổ tại diễn đàn Quốc hội về Dự thảo Luật Đầu tư, một dự luật được cho là sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.

“Dự thảo Luật Đầu tư đã bãi bỏ gần hết những lĩnh vực phải xin cấp giấy chứng nhận đầu tư. Dự thảo Luật Doanh nghiệp không yêu cầu phải ghi ngành nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, theo hướng doanh nghiệp được đầu tư, kinh doanh những lĩnh vực Nhà nước không cấm. Khi môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng hoàn thiện hơn, thì Việt Nam cũng sẽ thu hút đầu tư tốt hơn”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định.

Tin bài liên quan