Một loạt doanh nghiệp ngoại đổ thêm vốn TP.HCM

Ngay trong những ngày đầu năm, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã ngược xuôi đến TP.HCM để tìm kiếm và hiện thực hóa các cơ hội đầu tư.
Một loạt doanh nghiệp ngoại đổ thêm vốn  TP.HCM
Đơn cử, trong 2 tuần về thăm quê hương dịp Tết Ất Mùi vừa qua, ông David Dương, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) đã rà soát lại dự án mở rộng công suất tiếp nhận của Khu phức hợp Đa Phước (TP.HCM), đốc thúc tiến độ triển khai Khu xử lý chất thải xanh với quy mô đầu tư giai đoạn 1 lên đến 500 triệu USD, khảo sát thực tế tại Hậu Giang để đầu tư khu xử lý chất thải hiện đại với quy mô tương đương Đa Phước.

Cùng động thái, trong buổi gặp Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân mới đây, Chủ tịch Tập đoàn Lotte, ông Shin Dong Bin bày tỏ nguyện vọng mở rộng đầu tư vừa trực tiếp, vừa gián tiếp thông qua hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) tại Việt Nam.

Ông Shin Dong Bin cho biết, Lotte đã chính thức hoàn tất M&A và tham gia điều hành tại Diamond Plaza thông qua việc mua lại toàn bộ cổ phần của Posco trong liên doanh. Con số chưa được xác nhận chính thức, nhưng theo ông Shin Dong Bin, ước tính khoảng 70% vốn của tòa nhà Diamond Plaza có kinh phí xây dựng ban đầu khoảng 60 triệu USD, tọa lạc ở góc đường Lê Duẩn và Phạm Ngọc Thạch, nằm phía sau lưng Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, ngay trung tâm TP.HCM.

Về đầu tư trực tiếp, Lotte đang xúc tiến các thủ tục đầu tư để phát triển dự án khu phức hợp thông minh sinh thái có tên gọi Eco Smart City tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2, TP.HCM). Dự án sẽ được Tập đoàn Lotte hợp tác với các nhà đầu tư Nhật Bản (gồm Mitshubishi và Toshiba) để xây dựng một khu trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ cao cấp hiện đại.

Bên cạnh những tín hiệu tích cực, nhà đầu tư cũng không khỏi lo lắng về môi trường đầu tư chưa thực sự minh bạch, chưa nhất quán xuyên suốt giữa các lãnh đạo địa phương đến sở ngành trong hỗ trợ các nhà đầu tư triển khai dự án. “VWS đang dồn lực đầu tư tại TP.HCM và Long An. Tuy nhiên, khi triển khai, Thành phố chưa phê chuẩn về đề xuất tăng đầu tư mở rộng công suất và tăng khối lượng tiếp nhận xử lý như yêu cầu đề ra ban đầu”, ông Kevin Moore, Tổng giám đốc điều hành VWS thẳng thắn.

Đồng quan điểm, ông Yasuzumi Hirotaka, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản (JBA) khuyến nghị: “Việt Nam sớm có chính sách riêng để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ phát triển mạnh”.

Mặt khác, một trong những trọng tâm thu hút đầu tư của các địa phương Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam đặt ra gần đây là ưu tiên công nghệ cao, nhưng nguồn đối ứng là nhân lực và công nghiệp phụ trợ lại quá yếu.

Cụ thể, nhà máy lắp ráp và thử nghiệm chíp lớn nhất của Intel trên toàn thế giới đặt tại Khu công nghệ cao TPHCM cũng đang gặp khó khăn này. Kể từ khi bắt đầu sản xuất vào giữa năm 2010 đến nay, Nhà máy Intel Products Việt Nam đã phát triển hoạt động sản xuất nhanh chóng với các dòng sản phẩm có chất lượng cao, cũng như thu hút một lượng lớn lao động với hơn 1.150 người đang làm việc. Tuy nhiên, tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm của Intel Việt Nam hiện cũng rất thấp.

“Những năm gần đây, chúng tôi hiểu được sự cấp bách của phát triển chuỗi cung ứng địa phương và các ngành công nghiệp công nghệ cao là một trong số đó. Intel muốn hỗ trợ và sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này”, bà Sherry S Boger, Tổng giám đốc Công ty TNHH Intel Products Việt Nam chia sẻ.

Thực tế trên cho thấy, để hiện thực hóa sức hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam thành hiệu quả trong thu hút đầu tư, còn rất nhiều trở ngại mà Việt Nam phải sớm khắc phục.

Tin bài liên quan