Chính sách thuế, phí là một trong những chính sách bị các doanh nghiệp "kêu" nhiều nhất

Chính sách thuế, phí là một trong những chính sách bị các doanh nghiệp "kêu" nhiều nhất

Môi trường kinh doanh: Doanh nghiệp đua tố khổ

(ĐTCK) Hàng loạt khó khăn, vướng mắc, thậm chí là bế tắc của doanh nghiệp trong thực thi các chính sách do sự trì trệ và cục bộ của một số bộ, ngành, địa phương đã khiến diễn đàn Hội nghị triển khai Nghị quyết 19/2017 về cải thiện môi trường kinh doanh tổ chức ngày 10/3 trở nên nóng bỏng.

“Ma trận” chính sách

Theo ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex đồng thời là Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, mối lo lớn nhất của các doanh nghiệp (DN) hiện nay là sự thiếu ổn định, hay thay đổi và biến động không thể tiên lượng của chính sách, chứ không phải chất lượng chính sách.

“Điều này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của DN khi không có một đường hướng cụ thể trong chính sách để DN nắm được nên không biết phải đàm phán với các đối tác hay lên kế hoạch chuẩn bị thị trường và khách hàng như thế nào”, ông Trường nói và cho biết thêm, sở dĩ DN lúng túng và khó nắm bắt hết được các chính sách vì hiện nay có quá nhiều nơi có thể ra quy định, khiến DN rơi vào “ma trận” chính sách.

Đơn cử, với chính sách thuế, phí, có địa phương ban hành thu một số loại phí không có sự nhất quán, mang tính tự phát, chồng chéo, bất hợp lý, khiến DN “trở tay không kịp”.

“Thậm chí, có cả phí cấp xã nếu đi vào đường riêng. DN muốn năng lực cạnh tranh mở theo kiểu đại lộ, song nếu cứ nhiều tiểu lộ như thế thì chỉ có tiểu phú, tiểu thương. Hiện nay, chúng ta có quá nhiều tiểu lộ mà DN phải chấp nhận, điều này không chỉ làm khó cho DN, mà còn ảnh hưởng lớn đến môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia”, ông Trường nhấn mạnh.

Đồng tình với thực trạng khó khăn của DN do sự bất cập và chồng chéo của chính sách, PGS.TS Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam cho biết, cùng một sản phẩm, DN mất nhiều thời gian để đáp ứng tất cả các quy định do các bộ, ngành đưa ra. Hiện vẫn phổ biến tình trạng một sản phẩm nhưng chịu sự quản lý của nhiều bộ chuyên ngành.

“Riêng sản phẩm mật ong, mặc dù đã công bố tại Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế và nhập khẩu lưu thông trên thị trường, nhưng khi đăng ký quảng cáo thì phải qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bộ này yêu cầu nhà sản xuất phải có tên trong danh sách của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản. Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản yêu cầu nhà sản xuất phải đăng ký danh sách được phép xuất khẩu vào Việt Nam, đồng thời phải công bố khi lưu thông hàng hóa. Hệ quả, DN phải chạy lòng vòng rất mất thời gian, tốn thêm nhiều loại chi phí”, ông Trung nói.

Nghị quyết 19 cần có kết quả theo cấp số nhân, cấp lũy thừa

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, đây là hệ quả rõ ràng và tất yếu của tinh thần trì trệ, thụ động, không chịu đổi mới của nhiều bộ, ngành và địa phương, đặc biệt là từ cấp công chức cho tới bộ máy quản lý nhà nước.

Với kinh nghiệm thực tiễn hơn 3 năm theo dõi, đánh giá công tác cải cách môi trường kinh doanh, ông Cung cho biết, phần lớn các cơ quan quản lý nhà nước ít quan tâm đến những khó khăn của DN do các quy định mà họ ban hành tạo ra. Ngược lại, họ luôn cho rằng, phần đúng thuộc về phía cơ quan nhà nước, mà không đứng trên góc nhìn của DN để soi xét vấn đề đó. Hệ quả, các cơ quan nhà nước rất hạn chế chủ động đề xuất bổ sung, sửa đổi các quy định có liên quan để tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi và giảm chi phí cho DN.

“Hầu hết những bổ sung, thay đổi trong thời gian qua chủ yếu là do sức ép từ phía DN, từ chỉ đạo của Chính phủ và từ dư luận xã hội, khiến họ buộc phải sửa đổi”, ông Cung nhìn nhận.

Với cách nhìn thực tiễn này, người đứng đầu CIEM cho rằng, việc chưa giảm được số lượng hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu theo tinh thần của Nghị quyết 19, hay các danh mục cần sửa đổi liên quan đến kiểm tra hàng hóa của các bộ, ngành tại các thông tư hướng dẫn là một “món nợ” lớn đối với DN. Để trả được món nợ này, cần nhanh chóng hiện thực hóa mục tiêu của Nghị quyết 19.

“Cần có hành động quyết liệt trên nhiều mặt, phối hợp chặt chẽ nhiều hơn nữa. Cùng với sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng và bộ máy Chính phủ thì sự vào cuộc của người đứng đầu, trước hết là bộ trưởng các bộ rất quan trọng, với trách nhiệm giải trình cao để có kết quả cấp số nhân, cấp luỹ thừa thì mới có thể thành công”, ông Cung nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam:

Nếu môi trường kinh doanh được cải thiện tốt thì không có cảnh luật sư “chạy” theo doanh nghiệp đến làm thủ tục đăng ký kinh doanh như các cửa hàng photo “chạy” theo trường học, hiệu thuốc “chạy” theo bệnh viện. Nếu không có sự cải thiện vượt lên mà cứ tà tà như những năm vừa rồi thì chắc chắn không thể hài lòng. Vấn đề không phải có làm được hay không, mà phải làm mới cơ hội để thành công.

Nghị quyết 19 có nhiều yếu tố để gián tiếp giải tỏa những bức xúc hiện nay của doanh nghiệp, mà trực tiếp là các bộ phải thực hiện, phải bỏ được lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm thì mới hướng tới được lợi ích tổng thể. Tinh thần của Nghị quyết 19 là tiếp cận với thực tiễn tốt của thế giới, giải quyết những vấn đề trước mắt nhưng phải tính đến tính lâu dài, đồng thời kết quả phải định lượng được trên cơ sở đo đếm được và có giám sát.

Tin bài liên quan