Mỗi ngành nghề “cõng” hơn 14 điều kiện kinh doanh

Mỗi ngành nghề “cõng” hơn 14 điều kiện kinh doanh

(ĐTCK) Việc thực hiện còn mang tính hình thức, chưa thực sự theo đúng tinh thần cởi trói cho doanh nghiệp (DN) mà Chính phủ đặt ra là nhận xét chung của Tổ Công tác của Thủ tướng về chất lượng công tác cải cách, cắt giảm điều kiện kinh doanh của nhiều bộ ngành tại cuộc họp của Tổ Công tác mới đây.

Theo đó, kết quả kiểm tra cho thấy, hiện còn khoảng 243 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện với tổng số trên 3.570 yêu cầu, điều kiện. Như vậy, tính trung bình, mỗi ngành nghề đầu tư kinh doanh trên các lĩnh vực vẫn phải chịu áp dụng hơn 14 yêu cầu điều kiện, tỷ lệ này là rất cao.

Đáng chú ý, theo đánh giá của Tổ Công tác, còn khá nhiều ngành, nghề thuộc Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện vẫn mang tính áp đặt do chưa thật sự đáp ứng tiêu chí quy định tại Luật Đầu tư 2014 về sự cần thiết phải quy định là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Trong đó, nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh đặt ra yêu cầu quá mức cần thiết, tạo rào cản gia nhập thị trường, hạn chế cạnh tranh, gây khó khăn cho DN hơn là đạt mục tiêu quản lý nhà nước.

Chưa kể, nhiều quy định điều kiện đầu tư kinh doanh vẫn theo cách thức áp đặt cứng nhắc, can thiệp quá sâu vào quyền tự chủ tổ chức sản xuất kinh doanh của DN, gây khó khăn và tạo rào cản cho DN, đặc biệt là đối với DN nhỏ và vừa, như bắt buộc phải thành lập một loại hình DN cụ thể; yêu cầu kinh doanh theo một phương thức nhất định; phải phù hợp với quy hoạch ngành, sản phẩm; phải có mặt bằng, quy mô, công suất sản xuất, kinh doanh tối thiểu hoặc phải sử dụng một loại công nghệ nhất định…

Theo kết quả rà soát, tính đến nay, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ ban hành Nghị định cắt giảm 675 trong tổng số 1.215 điều kiện kinh doanh, đạt yêu cầu cắt giảm trên 50%. Bộ Y tế có 853 điều kiện, Bộ Giao thông Vận tải là 498, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn 345 điều kiện, Bộ Tài chính còn 447 điều kiện, Bộ Thông tin và Truyền thông 250 điều kiện. Nhiều bộ đã công bố việc cắt giảm nhưng chưa có phương án cụ thể sửa đổi các nghị định.    

Đi cùng với cách thức áp đặt này là tình trạng các điều kiện đầu tư kinh doanh quy định một cách chung chung, không rõ ràng, khó xác định như  "phải phù hợp", "phải đủ", "phải sạch sẽ", "phải thoáng mát", "phải thuận tiện", "phải có đạo đức tốt", "phải có đủ sức khỏe", "phải có trình độ", gây khó khăn cho DN và thậm chí cả cơ quan quản lý trong việc thống nhất diễn giải.

Đặc biệt, Tổ trưởng Tổ Công tác, Bộ trưởng Văn Phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chỉ ra một thực trạng nhức nhối là nhiều điều kiện kinh doanh tuy đã bị loại bỏ hoặc phải nằm ở cấp nghị định song trên thực tế lại núp bóng dưới hình thức cài cắm tại các công văn. Ví dụ điển hình được Bộ trưởng nêu đích danh là quy định về nhập khẩu xe lại phải có giấy chứng nhận kiểu loại linh kiện của lốp, gương chiếu hậu, đèn chiếu sáng phía trước.

“Cách quy định này vừa sai thẩm quyền, vừa không đúng quy tắc, tạo ra điều kiện kinh doanh lẩn khuất ở các văn bản, gây nhiều khó khăn cho DN”, Bộ trưởng nêu rõ và khẳng định các cách thức quy định kiểu này cần được điều chỉnh, thay đổi theo hướng sửa đổi, cắt giảm mang tính thực chất, đáp ứng đúng các yêu cầu thuận lợi hóa môi trường đầu tư kinh doanh, tránh tình trạng gom nhiều điều kiện kinh doanh lại làm một hay cố tính cài cắm câu chữ để “bẫy” DN.

Xét về tiến độ, theo đánh giá của Tổ Công tác là chuyển biến chưa đều giữa các bộ ngành, một số bộ thậm chí còn rất chậm so với mục tiêu yêu cầu Chính phủ đặt ra.

“Hiện mới chỉ có Bộ Công thương và Bộ Y tế tích cực đi đầu và đã có những động thái khá nhanh và cụ thể trong việc cắt giảm hàng trăm điều kiện kinh doanh trong phạm vi quản lý, tuy nhiên để đạt được kết quả như hiện nay thì nhanh nhất cũng phải mất từ 4 - 5 tháng tính từ khi bắt đầu chuyển động đến lúc ban hành được nghị định chính thức. Đó là chưa kể tới thời gian dài từ khi bắt đầu đề xuất phương án cho tới lấy ý kiến thống nhất phương án để xây dựng soạn thảo văn bản.

Do đó, tính tổng thể với mục tiêu Chính phủ đặt ra là cắt giảm khoảng 50% thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh trong năm nay,  các bộ ngành phải thực sự quyết liệt chuyển biến nhanh hơn nữa”, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thành viên Tổ Công tác đốc thúc.

Theo ông Cung, cần gắn trách nhiệm về kết quả chuyển biến thực chất của một bộ với chính bộ trưởng, vì chỉ khi người đứng đầu cao nhất sát sao thì cơ quan đó mới thực sự chuyển biến.

Để đảm bảo tiến độ mục tiêu đặt ra, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, Văn phòng Chính phủ sẽ trực tiếp thảo luận cùng các bộ ngành về các vấn đề còn khúc mắc, chưa thống nhất quan điểm cắt giảm các thủ tục, điều kiện kinh doanh để đảm bảo chuyển biến nhanh nhất có thể. Bên cạnh đó, để phù hợp với thực tế, Văn phòng Chính phủ cũng sẽ mời các DN, hiệp hội ngành hàng ngồi lại, cùng rà soát lại một lần nữa trước khi các văn bản được ban hành.

“Nhanh nhưng không có nghĩa là chỉ đưa ra phương án mang tính hình thức đối phó vì Tổ Công tác sẽ trực tiếp xuống tận các đơn vị tại địa phương kiểm tra ít nhất 4 - 5 đơn vị/tháng. Làm sao để đến ngày 30/6 năm nay ban hành được nhiều nhất các văn bản quy phạm pháp luật, đáp ứng đúng mục tiêu tiến độ và chất lượng cắt giảm các thủ tục, điều kiện mà Chính phủ đã đề ra”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.  

Tin bài liên quan