Ảnh Internet

Ảnh Internet

Mối lo chậm giải ngân vốn trái phiếu

(ĐTCK) Hết tháng 2/2018, tuy thời gian nghỉ Tết Mậu Tuất kéo dài, nhưng theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, Kho bạc Nhà nước đã hoàn thành gần 65,3% kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ đặt ra cho quý I/2018 (đạt 45.000 tỷ đồng).

Trái phiếu chính phủ "đắt hàng" thể hiện qua giá trị trúng thầu so với giá trị gọi thầu trong tháng 2/2018 đạt 85%. Sức hút của trái phiếu chính phủ còn gia tăng, khi theo Công ty Chứng khoán Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS), trong tuần gần đây nhất (từ ngày 5-9/3) Kho bạc Nhà nước phát hành thành công 5.083 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, tương ứng với tỷ lệ trúng thầu lên tới 97,8%.

Ðáng nói là trái phiếu chính phủ được huy động từ đầu năm đến nay với lãi suất thấp kỷ lục ở nhiều kỳ hạn. Trong tháng 2 vừa qua, so với tháng liền trước, lãi suất trúng thầu trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm giảm 1,25%/năm xuống còn 3,05%/năm, kỳ hạn 7 năm giảm 0,95%/năm xuống còn 3,4%/năm… Ðiều này là đáng mừng, bởi Nhà nước chỉ phải bỏ ra chi phí thấp, nhưng vẫn huy động được lượng lớn nguồn vốn trái phiếu chính phủ.

Tuy nhiên, trái ngược với điều mừng trên là mối lo nguồn vốn trái phiếu chính phủ chậm được giải ngân. Theo Bộ Tài chính, trong tháng 1/2018 không giải ngân được đồng vốn trái phiếu chính phủ nào do các đơn vị chủ yếu hoàn thiện hồ sơ thanh toán vốn cho các dự án thuộc kế hoạch năm 2017.

Tình trạng chậm giải ngân vốn trái phiếu chính phủ vẫn tiếp diễn khi nhiều đơn vị còn chưa hoàn tất gửi báo cáo phân bổ kế hoạch vốn năm 2018 được giao. Ðến ngày 23/2, còn 9 bộ, cơ quan trung ương và 5 địa phương chưa gửi báo cáo phân bổ kế hoạch vốn năm 2018 được giao đến Bộ Tài chính.

Nguồn vốn trái phiếu chính phủ chậm giải ngân đang gây nên nhiều hệ lụy. Ðó là vốn huy động được về càng nhiều, mà càng chậm được giải ngân, thì ở một khía cạnh nhất định là lãng phí nguồn lực, làm tăng sức ép trả nợ cho ngân sách.

Mặt khác, chậm giải ngân nguồn vốn trái phiếu chính phủ, theo một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, còn ảnh hưởng không lành mạnh đến hoạt động của hệ thống ngân hàng. Bởi khi nguồn vốn này chậm được giải ngân, đồng nghĩa lượng tiền lớn Kho bạc Nhà nước gửi tại hệ thống ngân hàng, đến khi họ rút ra với lượng lớn sẽ gây sức ép lên thanh khoản của các ngân hàng.

Chậm giải ngân nguồn vốn trái phiếu chính phủ còn tác động không tích cực đến nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh Chính phủ đang phấn đấu đưa tốc độ tăng trưởng GDP năm nay vượt năm 2017.

“Căn bệnh” chậm giải ngân nguồn vốn trái phiếu chính phủ đã tồn tại trong thời gian dài. Ðể khắc phục tình trạng này, Chính phủ đã có nhiều giải pháp, nhưng hiệu quả mang lại chưa như mong đợi. Khắc phục tình trạng chậm giải ngân vốn trái phiếu chính phủ trong năm nay cần có những quyết sách mới đột phá của Chính phủ. Nguồn vốn huy động từ trái phiếu chính phủ cần chảy đúng chỗ, chảy hiệu quả để đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế. 

Tin bài liên quan